Ngày Tết về xứ Thanh làm bánh 'con rồng, cháu quan'

Với người dân xứ Thanh, mỗi dịp lễ tết, bên cạnh bánh chưng, trên mâm cỗ cúng không thể thiếu món bánh răng bừa - đặc sản dân dã từng là sản vật dùng để tiến vua ở vùng đất cổ Lam Kinh.

Bánh răng bừa, hay còn gọi là bánh lá - một món ăn dân dã quen thuộc trên mâm cỗ của người Thanh Hóa.

Món bánh lắm công đoạn của xứ Thanh

Với người xứ Thanh, chiếc bánh răng bừa sở dĩ ngon là bởi mỗi chiếc bánh chứa đựng nhiều công đoạn cầu kỳ nhưng lại từ những nguyên liệu hết sức bình dị, giản đơn.

Vừa đều tay quấy bột làm bánh, bà Vũ Thị Thủy (Thạch Thành, Thanh Hóa) cho biết: “Từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, phải chọn được loại gạo tẻ dẻo thơm, rồi mới đem ngâm trong nước lạnh qua đêm rồi mới đem đi xay mịn. Vì thế, để có đĩa bánh răng bừa cúng tổ tiên vào đêm 30 Tết, các bà, các mẹ phải chuẩn bị từ ngày 29”.

Cũng theo bà Thủy, món bánh này có thành công hay không nằm ở công đoạn quấy bột. Bột được đặt lên bếp để quấy, phải được quấy đều, khi nước lỏng, lực quấy phải khác lúc bột sánh lại. Lúc quấy cũng phải để ý sao cho bột không bị vón cục nhưng cũng không bị chín.

Bên cạnh công đoạn khuấy bột, chuẩn bị nhân bánh cũng là bước quan trọng không kém. Nhân bánh bao gồm hành khô, mộc nhĩ, thịt heo xay trộn với hạt tiêu và muối. Đặc biệt, thịt được chọn làm nhân không được quá nạc hoặc quá mỡ để bánh không quá ngấy cũng không quá khô.

Khi đã có đủ nguyên liệu, những bàn tay thoăn thoắt bắt đầu gói bánh bằng lá dong hoặc lá chuối tươi từ vườn nhà. Lá phải được rửa sạch và hơ qua lửa để tăng độ dẻo cho lá và không bị rách lúc gói.

Bánh gói xong được cho lên nồi đồ như đồ xôi cho tới khi bánh chín. Cách hay để nhận biết bánh đã chín chưa là để ý xem bột không còn dính vào lá, thơm mùi gạo và dậy mùi mỡ hành.

Món bánh này có thành công hay không nằm ở công đoạn khuấy bột.

Bột phải được quấy đều, khi nước lỏng lực quấy phải khác lúc bột sánh lại. Lúc quấy cũng phải để ý sao cho bột không bị vón cục nhưng cũng không bị chín.

Nhân bánh bao gồm hành khô, mộc nhĩ, thịt heo xay trộn với hạt tiêu và muối

Bánh được gói bằng lá dong hoặc lá chuối tươi từ vườn nhà.

Bánh gói xong được cho lên nồi đồ như đồ xôi cho tới khi bánh chín.

Sắc thái xứ Thanh trong chiếc bánh răng bừa

Sở dĩ ở xứ Thanh, người ta gọi bánh răng bừa với tên gọi trang trọng là bánh “con rồng, cháu quan” là vì trước đây, món ăn dân dã này từng được tiến vua ở vùng đất cổ Lam Kinh.

Theo người dân, sự ra đời của món bánh này gắn liền với sự kiện vua Lê Đại Hành xuống đồng cày ruộng trong những ngày đầu năm mới.

Gọi là bánh răng bừa vì bánh có độ to và dài tầm như răng của cái bừa ruộng. Ngoài ra, chiếc bánh còn chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân sinh trong quan niệm của người nông dân ở đây: chiếc bánh mang màu xanh của đất trời, có hạt gạo chắt chiu bao tinh túy, gói ghém đủ đầy cả cây cỏ và vật nuôi trong nhân bánh.

Vì vậy, bên cạnh bánh chưng thì bánh răng bừa là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ của người dân nơi đây.

Ông Lê Bá Hào (Thạch Thành, Thanh Hóa) cho biết mỗi dịp lễ Tết, gia đình ông làm đến hơn 5.000 chiếc bánh để phục vụ cho thực khách. Số lượng đơn bánh về dồn dập đến nỗi cả gia đình làm từ tờ mờ sáng đến đêm vẫn không kịp giao đi vì chiếc bánh đòi hỏi sự tỉ mỉ, lâu công của người làm.

Bánh đã gói xong, mang luộc chừng 20 phút đã đạt độ chín

Chiếc bánh chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân sinh trong quan niệm của người nông dân

Hoàng Sơn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ve-voi-xu-thanh/ngay-tet-ve-xu-thanh-lam-banh-con-rong-chau-quan/177806.htm