Ngày tết với bạn trẻ
Ngày tết, ngoài niềm vui được đoàn viên, sum họp, có những bạn trẻ chọn trải nghiệm để có thêm bài học ý nghĩa cho bản thân.
Tết- Khởi nghiệp
Hai bạn trẻ Đinh Thu Huyền (23 tuổi) và Lâm Trường Sơn (33 tuổi) ngụ xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh những năm gần đây đều hợp tác bán tranh chữ dịp tết.
Với Thu Huyền, đây là năm thứ hai bạn chính thức tham gia bán hàng dịp tết tại Chợ hoa xuân và Hội xuân Núi Bà. Huyền cho biết từ ngày 22 tết là bắt đầu dọn hàng ra chợ hoa, rồi xuyên suốt qua rằm tháng Giêng mới nghỉ. Trong tết, các bạn còn có những hoạt động hợp tác đi show tại quán cà phê, doanh nghiệp.
Huyền chia sẻ: “Nếu bình thường em ngủ tới 6-7 giờ sáng thì nay dậy sớm hơn để tranh thủ làm việc nhà rồi ra sạp bán hàng. Hay khi rảnh rỗi bán hàng lại về nhà dọn dẹp do ba mẹ năm nay bận việc không có ở nhà. Hai chị em chia nhau làm việc nhà, tùy năm, tùy hoàn cảnh mà tổ chức tết cho phù hợp”.
Thường việc buôn bán kéo dài đến 30 tết, sau đó, Huyền cùng gia đình ăn tết. Năm nào có bán thêm ở Hội xuân Núi Bà thì bận hơn. Nhưng dù bận bịu cỡ nào, Huyền cũng tranh thủ về nhà phụ ba mẹ gói bánh, chuẩn bị tết.
Huyền nói rằng mình thích cảm giác được ở nhà, đoàn tụ gia đình trong dịp tết nhưng vẫn chọn việc buôn bán vì đam mê. Huyền chia sẻ niềm vui: “Sau mỗi cái tết, khi thư giãn ở quán cà phê hay lướt mạng xã hội nhìn thấy những sản phẩm tranh chữ, trái dưa, trái dừa của mình được mọi người bày cúng giao thừa, chưng tết thì tụi em vui lắm”.
Huyền cho biết mình vốn thích tham gia các hoạt động, từ tháng Chạp, Huyền cùng Sơn đã lên kế hoạch chuẩn bị cho gian hàng tại các phiên chợ tết, tìm hiểu sản phẩm mới. “Năm nay kinh tế khó khăn nhưng mặt hàng thiên về tâm linh, mang hy vọng về sự may mắn, bình an của mình vẫn bán được. Tụi em giảm giá so với mọi năm với mong muốn tranh chữ của mình sẽ đến được với nhiều người hơn”- Huyền nói.
Lâm Trường Sơn, họa sĩ, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, 6 năm nay bạn chọn việc bán tranh chữ vào dịp tết, ít có thời gian bên gia đình. Những ngày bán hàng, Sơn ở xuyên suốt tại gian hàng của mình, ít về nhà. Nhưng với người thích sự bận rộn như Sơn, ngày tết mà không được ra làm là thấy buồn, vì theo bạn, có làm việc sẽ có niềm vui.
Năm nay, công việc bận rộn nên Sơn cùng bạn dọn hàng trễ hơn. Dịp tết, Sơn tập trung vào việc vẽ tranh chữ. Ngoài buôn bán tại chợ hoa, Sơn còn nhận show cho các doanh nghiệp có tổ chức tết. Khi đó, bạn hóa thân thành ông đồ để cho chữ với áo dài, khăn đóng truyền thống.
Sơn chia sẻ: “Trong những ngày giáp tết, mình muốn mang đến không khí mùa xuân, muốn tạo nét đặc trưng, vui tươi cho mọi người, nhất là các bạn trẻ khi đến chợ hoa xuân, góp phần gìn giữ một nét văn hóa truyền thống.
Và ngày đầu năm ai cũng muốn có những chữ mang ý nghĩa tốt đẹp, bình an trong nhà”. Mỗi tác phẩm anh đều bỏ tâm tư vào để thiết kế cho phù hợp bối cảnh người dùng, mang lại sự hài lòng, vui vẻ trong dịp tết.
Mỗi năm tham gia các phiên chợ, Sơn có thêm nhiều trải nghiệm ý nghĩa và được quen với những người bạn mới, thêm nhiều kỷ niệm.
Với những các bạn trẻ này, mỗi trải nghiệm đều là những bài học hay. Thu Huyền chia sẻ: “Mấy năm nay, em được trải nghiệm cảm giác hòa mình vào phiên chợ từ sáng đến đêm.
Mỗi năm mình có thêm những bài học mới lại được xem những cảnh náo nhiệt vui xuân của mọi người. Theo em đây là trải nghiệm hữu ích với những người trẻ. Qua những ngày buôn bán sẽ có thêm nhiều bài học thực tế cho bản thân”.
“Tôi có nhiều thay đổi về kỹ thuật vẽ, đó là yếu tố quan trọng. Tôi có thêm kinh nghiệm sáng tạo những sản phẩm theo nhu cầu người dùng. Mỗi năm, tôi nhận ra khách hàng cần gì để phục vụ ngày một tốt hơn”, Sơn chia sẻ.
Tết- Tình nguyện
Bạn Nguyễn Sĩ Phú- Phó Bí thư Huyện đoàn Tân Châu cho rằng: Tết không chỉ là khoảng thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mà nó còn chứa đựng nhiều ý nghĩa tâm linh, văn hóa.
Bên cạnh đó, ngày tết mọi người hy vọng vào một năm mới an lành, sung túc, thuận lợi trong cả năm và bỏ qua mọi điều không may mắn trong năm cũ; đây là dịp đoàn viên của mọi gia đình. Vì ý nghĩa đó, nên mỗi khi tết đến, dù làm gì, ở đâu, bạn đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình, được thăm viếng bạn bè, thầy cô trong ba ngày tết, cùng nhau thắp nén hương tưởng nhớ ông bà, tổ tiên.
Tuy nhiên, là một người trẻ đang công tác Đoàn, Phú có cách đón tết riêng. Ngày tết, khi đa số mọi người đều về cùng gia đình chăm lo tết, thì Phú thường dành nhiều thời gian cho các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo tết cho bà con, thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.
Bạn thường tham gia tổ chức các hoạt động như thăm, tặng quà tết, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ mừng xuân, mừng năm mới. Sau đó, bạn và đồng nghiệp cơ quan mới có thể đón cái tết đầm ấm bên gia đình.
Tuy vất vả, bận rộn nhưng với bạn đó là một niềm vui. Phú chia sẻ: “Tôi thấy những việc mình làm tuy vất vả nhưng lại có ích cho xã hội, giúp đem lại niềm vui, tiếng cười, một chút hơi ấm ngày tết cho những người còn đang gặp khó khăn trong cuộc sống, để họ có được cái tết thêm trọn vẹn”.
Nhiều năm hoạt động công tác Đoàn, trải qua nhiều cái tết tình nguyện, Phú lưu giữ cho mình những kỷ niệm đáng nhớ. Bạn chia sẻ: “Tôi nhớ lần tham gia hoạt động Đoàn dịp tết đầu tiên là cùng các chiến sĩ Công an huyện chuẩn bị các phần quà tặng cho những người lao công làm việc trên các trục đường thị trấn, công viên, những người bán vé số, người bán hàng rong có hoàn cảnh khó khăn vào 29, 30 tết.
Khi nhận được quà, các cô chú đều bất ngờ và cảm động. Tôi đã chia sẻ hoạt động này lên mạng xã hội và được nhiều người chia sẻ cùng lan tỏa. Với tôi, đó là một kỷ niệm đáng nhớ vì nó thật sự ý nghĩa”.
Phú có những mong muốn và dự định mới để cố gắng thực hiện, đạt được trong năm mới. Bạn hy vọng với những việc đang làm sẽ trở thành kỷ niệm đáng nhớ với thời tuổi trẻ của mình.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ngay-tet-voi-ban-tre-a154535.html