Ngày Thế giới không thuốc lá 31-5: Nâng cao ý thức, thay đổi hành vi

Thực hiện chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 87-KH/UBND, ngày 10-05-2024, hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá nhằm giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên thực tế hiện nay, việc phòng chống tác hại của thuốc lá vẫn còn gặp khó khăn do nhiều yếu tố.

Những năm qua, nhiều hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá đã được tích cực triển khai trên địa bàn tỉnh. Sở Y tế đã phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, xây dựng các mô hình không khói thuốc tại các đơn vị trường học, cơ quan, doanh nghiệp… Thế nhưng, để Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá thật sự có hiệu quả thì ý thức của mỗi cá nhân vẫn là điều cốt lõi.

Học sinh trường THCS Hòa Phú (Chiêm Hóa) tham gia tuyên truyền phòng, chống thuốc lá trong trường học.

Học sinh trường THCS Hòa Phú (Chiêm Hóa) tham gia tuyên truyền phòng, chống thuốc lá trong trường học.

Theo Bác sỹ Lê Đào Bích, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Dược, Sở Y tế: “Hút thuốc là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu bởi chất độc trong khói thuốc gây ra nhiều bệnh như đột quỵ, ung thư phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính. Hút thuốc không chỉ tác động trực tiếp đến người sử dụng mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh do hít phải khói thuốc thụ động. Đặc biệt hiện nay, các loại thuốc lá thế hệ mới ra đời cùng nhiều hóa chất, hương liệu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ”.

Cũng theo Bác sỹ Lê Đào Bích, một trong những khó khăn lớn trong việc phòng chống tác hại của thuốc là vì người hút thuốc khó có thể bỏ được. Nicotine trong thuốc lá có tác dụng làm hưng phấn, khiến người hút thuốc bị nghiện và dần lệ thuộc vào thuốc lá. Vì tác dụng mạnh, gây kích thích nhanh, tạo hưng phấn tạm thời mà dần dần người hút thuốc từ ít sẽ tăng dần và một khi nghiện sẽ rất khó bỏ.

Dạo quanh các quán cà phê, các quán nhậu, quán nước vỉa hè, khu vực chợ, bến xe… có thể dễ dàng bắt gặp người hút thuốc. Thậm chí có nhiều người vừa điều khiển phương tiện tham gia giao thông, vừa hút thuốc. Anh Nguyễn Văn Đại, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) nói, mặc dù biết hút thuốc có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe cho chính mình và người thân trong gia đình thế nhưng dù đã thử vài lần bản thân anh vẫn chưa bỏ được. Một trong những nguyên nhân chính là cuộc sống hàng ngày giao lưu với bạn bè, được mời hút thuốc và ngửi thấy mùi khói thuốc, người đang cai nghiện thuốc dễ “tái nghiện”. Hiện tại ngày nhiều nhất anh Đại sử dụng hết 2 bao thuốc.

Mặc dù Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được triển khai thực hiện hơn 10 năm qua, thế nhưng việc xử lý hành chính hút thuốc lá nơi công cộng vẫn chưa đủ sức để răn đe và chưa thực sự đi vào thực tế. Chị Trần Thu Quỳnh, tổ 7, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) chia sẻ: “Đến nhiều địa điểm công cộng, thấy thanh niên nghiễm nhiên hút thuốc lá phì phèo mà không có lực lượng nào nhắc nhở, xử phạt. Đó là minh chứng cho việc Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa thực sự đi vào cuộc sống”. Theo chị Quỳnh, để giảm thiểu người hút thuốc, bên cạnh việc siết chặt buôn bán thuốc lá, nghiêm cấm mua bán thuốc lá điện tử thì có thể tăng thuế đối với thuốc lá, tăng giá bán lẻ thuốc lá, kiểm soát chặt chẽ việc bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi.

Khó khăn lớn nhất trong việc phòng chống tác hại của thuốc lá đó là việc nâng cao ý thức, làm thay đổi hành vi của cộng đồng đối với việc sử dụng thuốc lá, hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường không khói thuốc. Để làm được điều đó, cần sự chung tay của các cấp, các ngành, đoàn thể, các cơ quan, trường học trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn chặn sử dụng thuốc lá trong cộng đồng.

Bài, ảnh: Thùy Lê

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/ngay-the-gioi-khong-thuoc-la-31-5-nang-cao-y-thuc-thay-doi-hanh-vi-192808.html