Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ 2-4: Thấu hiểu để yêu thương

Cũng giống như bao em nhỏ bình thường khác, trẻ mắc hội chứng tự kỷ cũng có nhu cầu học tập, vui chơi và được thấu hiểu. Thế nhưng, những mong muốn, khát khao ấy gặp phải rào cản lớn như khó khăn trong việc diễn đạt suy nghĩ, bộc lộ cảm xúc hay tìm cách để hòa nhập với các bạn đồng trang lứa. Chấp nhận sự khác biệt, thấu hiểu, đồng cảm và chăm sóc trẻ tự kỷ bằng tất cả tình yêu thương chính là cách để mỗi bác sỹ, cán bộ, điều dưỡng Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen đến gần hơn với thế giới của trẻ tự kỷ và giúp các em hòa nhập với cộng đồng.

Cần nhiều kiên trì

26 tháng tuổi, em Đ.Q.S, dân tộc Dao, thôn 7, xã Yên Phú (Hàm Yên) vẫn chưa thể nói được những từ đơn quen thuộc như “ông”, “bà”, “bố”, “mẹ”. Em cũng bị giảm chú ý, không tập trung, không có phản ứng khi được gọi tên, không tương tác qua lại bằng nụ cười hay biểu lộ ánh mắt. Từ đầu tháng 3 đến nay, em được gia đình đưa đến khám tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen và đang được hướng dẫn tích cực để thay đổi hành vi, học ngôn ngữ, luyện tập vận động. Cũng giống như bao em nhỏ bình thường khác, em vẫn nhiệt tình khi chơi cầu trượt, chơi các đồ chơi kỹ năng, thế nhưng khuôn mặt không biểu hiện sự thích thú, khuôn miệng không phát âm thanh tròn vành, không có tiếng cười.

Các điều dưỡng viên theo sát quá trình trị liệu của trẻ tự kỷ.

Các điều dưỡng viên theo sát quá trình trị liệu của trẻ tự kỷ.

Không phải bất cứ em nhỏ tự kỷ nào cũng hợp tác với các cô điều dưỡng như Đ.Q.S. khi chịu khó ngồi vào bàn học 1:1 ngay từ những ngày đầu tiên. Khóc lóc, la hét, tự cắn chân tay, đập đầu vào tường... là những phản ứng mà bất cứ cán bộ điều dưỡng nào tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen cũng từng trải qua khi tiếp xúc với trẻ tự kỷ. Với những người gắn bó với công việc giúp trẻ phục hồi ngày này qua tháng khác thậm chí trong rất nhiều năm thì đó chỉ là những phản ứng bình thường của những đứa trẻ chưa biết cách bộc lộ cảm xúc sao cho đúng, như một nhành cây non cần sự uốn nắn dần dần.

16 năm gắn bó với công việc điều trị cho trẻ tự kỷ, cũng là từng ấy năm chị Nguyễn Thị Thơm, điều dưỡng Khoa Vật lý trị liệu - Hoạt động trị liệu - Ngôn ngữ trị liệu - Tâm lý trị liệu, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen đồng hành cùng những hoàn cảnh đặc biệt. Đó là một hành trình dài đòi hỏi sự kiên nhẫn và cần nhiều tình yêu thương.

“Không có một giáo án cụ thể nào cho trẻ tự kỷ bởi mỗi em có một cách thể hiện khác nhau, một nhu cầu khác nhau, một sở thích khác nhau mà các cô phải dần dần làm quen sau đó linh hoạt các bài giảng, phương pháp dạy. Kiên trì với các em thôi chưa đủ, có khi phải động viên cả gia đình đồng hành cùng con. Nhiều em có phản ứng như khóc lóc, tự làm đau mình khiến nhiều bậc phụ huynh muốn dừng việc điều trị. Cháu khóc trong lớp, bà khóc ở ngoài... nhưng thời điểm vàng điều trị sẽ qua đi nếu cả các bác sỹ, điều dưỡng và gia đình không kiên trì” - điều dưỡng Thơm chia sẻ.

Nuôi dưỡng tình yêu thương

“Giảm khoảng cách, hạ thấp người để tăng sự chú ý, tăng độ tin cậy cho các em”, “Tự bản thân các cô phải điều chỉnh cảm xúc của mình”, “Trở thành người thân như chính gia đình của các em”... chính là cách mà các bác sỹ, điều dưỡng Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen từng chút một dẫn dắt trẻ tự kỷ hòa nhập với cộng đồng bằng tình yêu thương. Đó là một công việc đặc biệt đòi hỏi sự nhiệt tình, tận tụy hết mình không chỉ với bệnh nhân mà với cả gia đình của người bệnh.

Trẻ tự kỷ vừa được can thiệp điều trị, vừa được vui chơi hòa nhập tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen.

Trẻ tự kỷ vừa được can thiệp điều trị, vừa được vui chơi hòa nhập tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen.

Bác sỹ CKI Vũ Hoài Thu, Khoa Nội nhi Y học cổ truyền, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen là bác sỹ có nhiều kinh nghiệm trong khám sàng lọc và chẩn đoán hội chứng tự kỷ ở trẻ. Và khác với các bác sỹ ở bệnh viện thông thường khác, trước khi chẩn đoán chứng rối loạn phổ tự kỷ, bác sỹ Thu thường có các cuộc trò chuyện cùng với người thân, gia đình, khéo léo làm quen với trẻ và đưa ra những bài kiểm tra phù hợp với từng độ tuổi để đánh giá tình trạng của từng trẻ, từ đó có hướng điều trị phù hợp.

“Việc xem xét, chẩn đoán và kết luận cần nhiều thời gian, có thể kéo dài từ 2 - 3 tuần, các em cũng được trải qua nhiều bài kiểm tra, đánh giá kết hợp. Đôi khi khó khăn nhất không phải là việc chẩn đoán, kết luận hay quá trình đưa trẻ vào điều trị, mà trên hết đó là tâm lý của gia đình khi phụ huynh không chấp nhận sự thật con mình mắc chứng tự kỷ”. - bác sỹ Thu chia sẻ. Và để khéo léo giúp các bậc phụ huynh làm quen, chấp nhận và đồng hành với con của mình, bác sỹ cũng có những nguyên tắc riêng trong quá trình làm việc của mình: Không vội đưa ra kết luận, tỉ mỉ hướng dẫn gia đình, nhắc về “thời điểm vàng” đồng hành cùng con, đưa ra những điểm sáng hy vọng, sử dụng những từ ngữ tích cực nhưng không che giấu khó khăn... Từ đó để các bậc phụ huynh sẵn sàng về tâm, trí, lực để đồng hành cùng trẻ tự kỷ.

Chữa lành tự kỷ bằng liệu pháp yêu thương chính là cách tạo ra môi trường an toàn, giàu lòng nhân ái, sự thấu hiểu để giúp trẻ tự kỷ phát triển khả năng giao tiếp, kiểm soát cảm xúc cá nhân và dần hòa nhập với cộng đồng. Thực tế, đây không phải là phương pháp điều trị y khoa mà là một cách tiếp cận đầy nhân văn mà bất cứ ai trong xã hội cũng có thể đóng góp một phần để lấp đầy những khiếm khuyết, tạo môi trường để trẻ tự kỷ lớn lên, phục hồi bằng tình yêu thương. Và các y bác sỹ, điều dưỡng tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen đã và đang tạo ra môi trường ấy để hoàn thành sứ mệnh của mình.

Bài, ảnh: Thùy Lê

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/ngay-the-gioi-nhan-thuc-ve-tu-ky-2-4-thau-hieu-de-yeu-thuong-209349.html