Ngày thứ bảy yêu thương
Ngoài việc trang bị kỹ năng sống cần thiết cho học sinh, chương trình Ngày thứ bảy yêu thương còn tổ chức những hoạt động vui chơi, văn hóa - văn nghệ phù hợp được các học sinh của Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai hào hứng đón nhận.
Ngày thứ bảy yêu thương là hoạt động đã được tổ chức thường xuyên từ 3 năm nay, do Chi đoàn Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai phụ trách. Theo định kỳ, trung tâm tổ chức chương trình 1-2 lần/tháng.
* Sân chơi được mong đợi
Trong số hơn 200 học sinh đang học tập tại trung tâm có đến hơn một nửa số học sinh nội trú. Thông thường, mỗi tháng các em sẽ về thăm nhà 1-2 lần. Những học sinh THCS có thể tự đi xe buýt về nhà, cha mẹ không phải đến đón. Khi ra ngoài trung tâm, các em có thể gặp phải các tình huống nguy hiểm hoặc sa đà vào chơi game… Đó là những lý do đầu tiên khiến Chi đoàn trung tâm đưa ra ý tưởng tổ chức chương trình Ngày thứ bảy yêu thương, bắt đầu thực hiện từ năm học 2016-2017.
Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, hoạt động của Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai còn có sự chung tay, đồng hành của nhiều tấm lòng vàng. Trong năm học 2018-2019, các mạnh thường quân đã hỗ trợ xây mới thêm 1 nhà vệ sinh; trang bị 10 tivi cho các lớp học khiếm thính; trang bị máy lọc nước uống RO; trang bị mới bộ đồ chơi vận động ngoài trời cho khu vui chơi…
Trong suốt 3 năm thực hiện, chương trình đã làm được nhiều điều tốt đẹp hơn so với mục đích chủ yếu ban đầu là “giữ chân” học sinh vào dịp cuối tuần. Theo đó, từ 2-3 đoàn viên được phân công phụ trách một nhóm học sinh để tổ chức hoạt động. Các nhóm có thể cùng nhau sinh hoạt cùng một chủ đề hoặc lên kế hoạch thực hiện các nội dung khác nhau.
Tiêu chí đầu tiên để chia nhóm học sinh là dựa vào các dạng khuyết tật. Ngoài ra, tùy theo nội dung sinh hoạt, chi đoàn còn chia nhóm theo độ tuổi, nhu cầu rèn luyện kỹ năng sống…
Việc lựa chọn nội dung sinh hoạt khá phong phú, dựa vào chủ điểm là các ngày lễ trong năm hoặc theo nhu cầu vui chơi, học tập, rèn luyện kỹ năng sống của học sinh. Chẳng hạn, những học sinh lớn tuổi được tách riêng để giáo dục giới tính hoặc trong tháng 9, chương trình tập trung giáo dục cho học sinh ý thức chăm chỉ, tích cực trong học tập; cách giữ gìn và chuẩn bị dụng cụ học tập khi đến trường…
Vào ngày tổ chức chương trình, học sinh đến hội trường nghe giáo viên phổ biến kiến thức chung sau đó tập trung vui chơi theo nhóm. Ngoài lực lượng chủ yếu là giáo viên trong trường, trung tâm còn phối hợp với các tổ chức xã hội khác để đa dạng hóa các hoạt động vui chơi, văn nghệ, thể thao... Nhờ những sinh hoạt này, học sinh trở nên tích cực, sôi nổi hơn, thậm chí chính các em là người đưa ra gợi ý về nội dung chủ đề sinh hoạt.
Em Lý Văn Minh, học sinh lớp 9 của trung tâm cho biết: “Em đã tham gia chương trình Ngày thứ bảy yêu thương nhiều lần và cảm thấy rất vui. Em thích những lần các anh chị sinh viên ở Trường đại học Đồng Nai đến giao lưu, chia sẻ. Trong những buổi sinh hoạt này, em vừa được vui chơi, vừa học hỏi thêm rất nhiều điều bổ ích, nhất là trong giao tiếp (bằng ngôn ngữ ký hiệu). Em mong muốn trung tâm sẽ tổ chức thêm các buổi sinh hoạt giao lưu như vậy”.
* Chú trọng trang bị kỹ năng sống
Do khiếm khuyết của bản thân nên nhiều học sinh của trung tâm tiếp thu kiến thức, tư duy chậm. Có khi phải mất nhiều năm học thì các em mới vượt qua được 1 lớp. Vì thế, giáo viên ở trung tâm thường tập trung hướng dẫn, rèn luyện cho các em kỹ năng tự phục vụ bản thân, các kỹ năng sống cần thiết. Cũng vì lý do này nên mảng nội dung được chú trọng nhất của hoạt động Ngày thứ bảy yêu thương chính là trang bị kỹ năng sống cho học sinh.
Mới đây, trung tâm đã tổ chức chương trình trang bị kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho 130 học sinh nội trú. Trong chương trình, các cán bộ đến từ Viện Khoa học an toàn Việt Nam đã tập huấn cho các em những kỹ năng quan trọng như: phòng chống đuối nước; xử trí cấp cứu trong những tình huống tai nạn thường gặp; kỹ năng thoát hiểm trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn; xử lý tình huống khi bị tấn công, bắt cóc...
Việc truyền đạt kiến thức, kỹ năng dành cho học sinh bình thường vốn đã khó, nên truyền đạt sao cho học sinh khuyết tật hiểu và thực hành được lại càng khó hơn. Chẳng hạn, khi dạy cho trẻ kỹ năng nổi trên mặt nước, giáo viên thường yêu cầu các em nhắm mắt lại và thả lỏng cơ thể ra. Tuy vậy, với những học sinh khiếm thính, nếu nhắm mắt lại thì các em sẽ không thể thấy giáo viên đang “nói” gì.
Ông Nguyễn Danh Khoa, Phụ trách đào tạo Viện Khoa học an toàn Việt Nam chia sẻ: “Theo tôi, sự phối hợp của các giáo viên của Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai với Viện Khoa học an toàn Việt Nam rất tốt. Nhờ đó, học sinh có thể hiểu được những kỹ năng cơ bản trong các tình huống nguy hiểm. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập huấn cho giáo viên của trung tâm và chuyển giao bài giảng để giáo viên truyền đạt lại cho học sinh. Với khả năng giao tiếp với trẻ khuyết tật, sự gần gũi giữa thầy - trò của trung tâm, tôi tin là cách làm này sẽ đem lại hiệu quả bền vững hơn”.
Cũng theo ông Nguyễn Danh Khoa, Viện Khoa học an toàn Việt Nam đã xây dựng 32 kỹ năng thuộc 8 chuyên đề về kỹ năng sống. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của trung tâm đã tương đối đầy đủ và có thể phục vụ tốt cho việc dạy kỹ năng sống. Về phía viện sẽ cố gắng vận động để hỗ trợ thêm các công cụ cần thiết dùng trong giáo dục kỹ năng sống cho học sinh của trung tâm.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/201910/ngay-thu-bay-yeu-thuong-2970401/