Ngày trở về - khúc thức của tấm lòng trân quý
'Ngày trở về' là tập truyện ngắn và ký của Đại tá, nhà văn, nhà báo Nguyễn Chí Long, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng do Nhà xuất bản (NXB) Hội Nhà văn vừa phát hành.
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Chí Long tham gia quân đội mấy chục năm và định cư tại TP Đà Lạt với nhiều cương vị đã kinh qua: Giảng viên Học viện Lục quân, Trưởng cơ quan thường trực Báo Quân đội Nhân dân, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng, Tổng Biên tập Tạp chí LangBian… Nay ông ở tuổi 79 nhưng vẫn đam mê, dẻo dai với nghiệp cầm bút. Ông đã xuất bản 4 tác phẩm in riêng (Một thời hoa đỏ, NXB Văn học 2013; Sức sống của Cuộc vận động, NXB Văn học 2015; Dọc dài miền Trung, NXB Hội Nhà văn 2017 và Ngày trở về, 2022). Tác giả Nguyễn Chí Long còn in chung trong 10 tác phẩm văn nghệ, báo chí và đã giành 14 giải thưởng báo chí và văn học nghệ thuật.
“Ngày trở về” vẫn là mạch cảm xúc chan chứa của một người nhiều trải nghiệm bởi nhu cầu tự thân đam mê dấn thân, nhạy bén trong quan sát, đa cảm trong tâm hồn. Ông là tuýp người lao động sáng tạo cẩn trọng, trách nhiệm cao. Nhưng trước hết là ngòi bút luôn trân quý lịch sử, ông xem đây vừa là di sản quý báu của dân tộc vừa là tài sản tâm tình của cá nhân. Tác phẩm “Ngày trở về” với 25 truyện ngắn và ký là những ký ức kính quý về Bác Hồ, trân quý về quân đội, người thân và những kỷ niệm với các vùng quê hương đất nước mà ông có dịp được đến để chiêm nghiệm. Với đồng đội, đó là những người gác lại hạnh phúc riêng tư, lên đường ra trận của một thế hệ làm nên những trang sử vàng cho đất nước: Nam (Ngày trở về), Nguyệt (truyện ngắn cùng tên), Nguyễn Quang Vinh, người chú ruột (Chú tôi), Đinh Hữu Hợi (Chuyện về một liệt sĩ và cuốn nhật ký bằng thơ), Anh hùng Bế Văn Đàn và Anh hùng Tô Vĩnh Diện (Đất thiêng nhuộm máu anh hùng); hay Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Đối, Thiếu tướng Phạm Văn Kha (nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Lâm Đồng), các sĩ quan trong đoàn “Tàu không số”... Họ hi sinh trọn đời và có những người mãi mãi nằm lại chiến trường để làm những viên gạch hồng trong bức tường thành vững chắc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Nhân vật của tác phẩm là đối tượng trữ tình từ hình mẫu ngoài đời qua lăng kính nhà văn hoặc nguyên mẫu bước vào tác phẩm ký. Mỗi trang văn đều đong đầy cảm xúc mãnh liệt, ngưỡng kính và trân quý của người cầm bút có nhiều năm trong quân đội. Đằng sau những con chữ ấy còn là sự san sớt yêu thương hun đúc từ sâu thẳm chân tình và nhân ái...
Là người định cư nhiều năm ở TP Đà Lạt nhưng tâm tưởng hoài niệm, mẫn tiệp trong tìm hiểu cứ liệu lịch sử và có nhiều điều kiện của một nhà báo thích xê dịch, tác phẩm của nhà văn Nguyễn Chí Long mở phạm vi rộng cả 2 chiều kích thời gian và không gian. Sự nghiệp vệ quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam phản ánh trong tác phẩm “Ngày trở về” trải dài từ những ngày chống thực dân Pháp đến những năm tháng đánh đuổi đế quốc Mỹ. Cốt chuyện diễn tiến tại nhiều vùng quê, nhiều chiến trường trên đất nước, từ châu thổ sông Hồng - tỉnh Hưng Yên quê hương của ông, đến Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu”, “Đất thép” Thành Đồng Củ Chi (TP Hồ Chí Minh); từ ngục tù Côn Đảo bi tráng ngoài khơi xa đến Chiến khu D anh hùng ở Tây Nguyên; từ chân sóng của biển mặn mòi yêu thương tỉnh Bình Thuận, Phú Yên đến đại ngàn hùng vĩ tỉnh Lâm Đồng...
Đọc “Ngày trở về” của nhà văn, nhà báo Nguyễn Chí Long, độc giả không chỉ được đồng điệu cùng những cung bậc cảm xúc nồng hậu gieo gặt từ tình đồng đội, cảm mến hun đúc bởi sự tri ân mà còn tiếp cận với nhiều tư liệu khá sâu và đặc biệt là có những nguồn sử liệu quý sinh động. Có thể chất văn chưa toàn bích nhưng bù lại tính chân thực của thế mạnh báo chí đủ chinh phục được lượng lớn độc giả chung cảm thức điệu hồn...
Trong phần cuối của tập sách, tác giả Nguyễn Chí Long còn sẻ chia với độc giả một số hình ảnh mang tính tư liệu ở không gian rộng và thời gian của gần một lục thập hoa giáp mà ông gắn bó neo giữ... Đó là những lần ông được vinh dự làm việc với một số nguyên thủ quốc gia, gần gũi với tốp công nhân, chung chiến hào cùng đội ngũ sĩ quan quân đội, hội ngộ với tầng lớp bạn văn... Đặc biệt, tộc hệ đại gia đình sum vầy hạnh phúc viên mãn mà Đại tá Nguyễn Chí Long có quyền tự hào: một người đồng hành suốt cuộc đời binh ngũ và tháng ngày trở về đời thường (người vợ, nhà giáo Nguyễn Thị Thúy, 50 năm tuổi Đảng); một người nối nghiệp nhà binh (con trai cả, Thượng tá, Tiến sĩ, nhà giáo Nguyễn Phi Hùng)... Thành tựu lưu giữ của Đại tá Nguyễn Chí Long qua nhiều chiến trường, nhiều vị trí quân ngũ trong nước và nước bạn Lào có nhiều, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, Huân chương cao quý của Nhà nước Lào, Huy hiệu 55 tuổi Đảng... Không có ý bảo tàng cá nhân mà đó là kỷ niệm quý, quan trọng hơn, ông mong truyền cảm hứng tình yêu quê hương đất nước đến lớp lớp con cháu, trước hết là trong đại gia đình của mình...
Tất cả đều chỉ một tần sóng: trân trọng với sự “trở về”, Nguyễn Chí Long đã thành công. “Ngày trở về” chan lắng trong chân tình, nhất quán trong nhân văn, thủy chung trong trục hệ. Đó là tâm cảm lắng lại của người cầm bút đau đáu cùng lịch sử truyền thống hào hùng hun đúc bằng khát vọng và tận hiến của các thế hệ đối với vận mệnh lịch sử dân tộc. “Ngày trở về” đã vững khái niệm về vật lý, vẹn ý niệm về tâm lý, người cựu binh nhà văn, nhà báo Nguyễn Chí Long đã neo vịn theo thời gian hôm qua và đong đầy cảm xúc hôm nay...