Ngày Trung thu của giới nghệ sĩ kịch đặc biệt lắm: Mình đi diễn để đổi lấy hạnh phúc sum vầy vô tận
NSƯT Mỹ Uyên hoạt động nghệ thuật từ năm 1991 và ghi dấu ấn bởi loạt vai diễn ở phim điện ảnh, phim truyền hình và sân khấu kịch.
Tính riêng sân khấu kịch, Mỹ Uyên đã có gần 30 năm gắn bó. Từ cô diễn viên trẻ chờ đợi từng vai diễn đến trở thành Giám đốc Nhà hát sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, Mỹ Uyên chia sẻ cô đã có 1 hành trình nhiều cảm xúc. Niềm đam mê dành cho sân khấu gắn với Mỹ Uyên như định mệnh. Bắt đầu từ vai nhỏ, sau đó là vai chính, rồi làm luôn bà bầu của 1 trong những sân khấu kịch lâu đời nhất Sài Gòn, Mỹ Uyên nói chị trân trọng từng khoảnh khắc được đứng trên sân khấu với tất cả năng lượng và lòng đam mê.
Trong thời điểm có nhiều loại hình giải trí phát triển và sân khấu kịch không còn là tụ điểm giải trí duy nhất của khán giả Sài Gòn, đã có nhiều nghệ sĩ rời bỏ kịch. Nhưng Mỹ Uyên thì không thể làm điều này, thậm chí, chị tự bỏ tiền túi để đầu tư vào vở diễn, cơ sở vật chất nhằm giúp sân khấu nhỏ 5B luôn sáng đèn rực rỡ. Chị không nặng nhẹ thiệt hơn mà chỉ nghĩ duy nhất 1 điều, ấy là làm sao để giữ được lửa nghề cháy hừng hực ở thánh đường của người nghệ sĩ.
"Tôi luôn tâm huyết với sân khấu biểu diễn trực tiếp. Đứng trên sân khấu, người nghệ sĩ được thăng hoa với cảm xúc. Việc gắn bó với sân khấu kịch đem lại cảm giác thanh xuân, khi sống trọn vẹn với đam mê tôi cảm thấy mình không bao giờ già đi", Mỹ Uyên nói. Chị đã sống bằng thân phận của hàng trăm vai diễn, khi cống hiến cho khán giả những biểu diễn trọn vẹn, chị nhận ra giá trị của chính mình. Với người nghệ sĩ tâm huyết như Mỹ Uyên, việc được thỏa mãn cảm xúc, thỏa mãn cái tôi trong nghệ thuật chính là giá trị quý báu nhất mà bất cứ ai theo đuổi con đường này đều muốn đạt tới.
Khoảng 15 năm trước, khi sân khấu kịch vẫn ở thời hoàng kim, các loại hình giải trí khác chưa phát triển, mạng xã hội chưa phổ biến thì mỗi đêm khán giả đều xếp hàng nườm nượp để mua vé xem kịch. Khán giả Sài Gòn xem sân khấu kịch là tụ điểm giải trí quen thuộc. Vào những dịp lễ lớn nhất Tết Trung thu, sân khấu kịch thường rộn ràng, tấp nập. Cái không khí tưng bừng, vui vẻ của ngày Tết đoàn viên cũng len lỏi vào từng ngóc ngách của nhà hát. Vậy nên, dù cho là diễn kịch vui hay buồn, trong đêm Trung thu, sự ấm áp vẫn xuất hiện tràn ngập khắp mọi nơi.
Mỹ Uyên nói vào dịp lễ Tết như Trung thu, sân khấu vui hơn ngày thường. Người ta đặt vé cho gia đình cùng xem kịch, có nhiều đôi trai gái cũng đến sân khấu để tìm niềm vui. Đứng trên sân khấu, nhìn thấy muôn vàn khuôn mặt háo hức mong chờ, Mỹ Uyên trộm nghĩ, có lẽ cả đời này chị sẽ luôn gắn bó với kịch.
Diễn kịch trong đêm Trung thu khá đặc biệt, bởi từ ngày 10 - 12/8 Âm lịch, giới nghệ sĩ năm nào cũng tổ chức lễ giỗ tổ nghề sân khấu. Giỗ tổ ngành sân khấu chẳng khác nào Tết của nghệ sĩ, mà trong "ngày Tết" thì ai cũng mang tâm lý thích được ở nhà, nghỉ ngơi hoặc cùng nhau đến các tụ điểm tổ chức giỗ Tổ mà thắp hương thành tâm khấn vái.
Mỹ Uyên kể, có người còn tạm dừng công việc trong thời gian ngắn để đón "Tết nghệ sĩ". Vậy nên, việc tập kịch rồi đi diễn trong đêm rằm Trung thu là chuyện không phải nghệ sĩ nào cũng muốn làm. Rằm tháng 8 - Tết Trung thu vẫn còn trong đợt "Tết nghệ sĩ" vì chỉ cách có 3 ngày, Mỹ Uyên nhớ lại rằng có năm nọ, Nhà hát sân khấu nhỏ 5B có tổ chức diễn kịch Tết Trung thu, nhưng do nghệ sĩ mang tâm lý bận chuẩn bị cho giỗ Tổ nên không muốn đi tập. Kịch bản đã lên, sân khấu cũng sẵn sàng sáng đèn, ấy vậy mà lại oái oăm ở chỗ thiếu nghệ sĩ. Chẳng còn cách nào khác, Mỹ Uyên phải liên hệ khắp nơi tìm cho đủ diễn viên.
Cuối cùng, mọi việc cũng hoàn tất, vở kịch đêm Trung thu ấy rộn rã tiếng vỗ tay vì nghệ sĩ nào cũng thăng hoa trong cảm xúc. Riêng Mỹ Uyên thì nhớ hoài, bởi đó là kỷ niệm về kịch Trung thu mà cả đời này chị không thể nào quên. "Chúng tôi đã ăn Tết nghệ sĩ năm ấy thật đặc biệt", Mỹ Uyên nói thêm.
Mỗi năm, Mỹ Uyên cứ ước rằng Tết Trung thu sẽ diễn ra vào ngày thường chứ không phải cuối tuần. Vì cuối tuần là sân khấu sẽ mở cửa bán vé, nên chị mong bản thân cũng có thời gian đón Tết Trung thu với người thân.
"Thật lòng, tôi yêu sân khấu nhưng tôi cũng muốn ăn bánh, uống trà, đón Tết Trung thu với người thân. Tuy nhiên, khi đặt lên bàn cân so sánh nặng nhẹ, tôi vẫn quyết định mở cửa sân khấu, diễn kịch Trung thu. Có thể, tôi không được sum vầy bên người thân, gia đình vào dịp lễ đặc biệt này, thì thay vào đó, tôi dành sự sum vầy cho anh em nghệ sĩ. Đứng cùng nhau trên 1 sân khấu trong đêm Trung thu, nghệ sĩ chúng tôi cũng có sự sum vầy rồi. Nhìn thấy các gia đình cùng nhau đặt vé xem kịch Trung thu, phần nào trong tôi như được tiếp thêm động lực để đi đến cùng với ngành sân khấu", Mỹ Uyên hào hứng chia sẻ.
Được cống hiến và tỏa sáng cùng đam mê của mình, với Mỹ Uyên đó đã là sự sum vầy vô giá! Dù cho có "hy sinh" một chút niềm vui riêng của bản thân để đổi lấy sự sum vầy vô tận, với Mỹ Uyên, điều này cũng xứng đáng vô cùng.
Ở tuổi U50, khi đã trải qua nhiều sóng gió của cuộc đời, Mỹ Uyên hiểu rõ đâu là thứ mình cần nhất. Tuy không có chồng con nhưng Mỹ Uyên vẫn vui vẻ, say mê, yêu đời, yêu cuộc sống. Chị chia sẻ bản thân luôn có nhiều năng lượng bởi mỗi ngày thức dậy đều nghĩ đến chuyện sẽ mở cửa sân khấu đón khán giả như thế nào.
Vào dịp lễ Tết như Trung thu, Mỹ Uyên càng trân quý từng chiếc vé mà khán giả dành cho Nhà hát sân khấu nhỏ 5B, bởi thay vì lựa chọn sum vầy tại các tụ điểm giải trí khác, khán giả đã dành cho sân khấu của chị sự yêu mến, tin tưởng và động lực để bước tiếp mặc khó khăn.
Mỹ Uyên cho rằng dù cuộc sống hiện đại có vội vã lướt qua thế nào chăng nữa thì giá trị truyền thống vẫn là điều thiêng liêng mà ai trong chúng ta cũng phải giữ gìn. Trong đêm Trung thu, cùng xem 1 vở kịch hay, cùng kể cho nhau nghe những câu chuyện đời thường rồi siết chặt đôi bàn tay hay trao cho người thân, bạn bè ánh nhìn trìu mến, đó là trải nghiệm khá thú vị.
Bản thân Mỹ Uyên luôn trăn trở làm sao để cân bằng giữa nhịp sống hiện đại và giá trị truyền thống của ông cha. Nữ diễn viên cho rằng, mỗi người phải hiểu rõ giới hạn trong chính mình, dẫu cho bận rộn đến đâu chăng nữa vẫn nên dành thời gian ở bên cạnh người thân vào những dịp lễ Tết quan trọng. Đây cũng là dịp giúp người lớn có cơ hội trở về tuổi thơ, tạm rời xa nhịp sống bận rộn, hối hả để quay lại với những hoài niệm bình yên thời thơ ấu.
Cuộc sống càng bận rộn, càng áp lực, mỗi người càng cần một điểm tựa vững chắc để dựa vào. Tết Trung thu chính là một khoảng lặng, một dịp để mọi người cùng nhau sống chậm hơn, hướng vào bên trong để tìm đến những tình cảm trân quý từ phía người thân, gia đình.
Đồng thời, Mỹ Uyên cũng mong muốn khán giả sẽ dành cho sân khấu kịch nhiều tình cảm hơn nữa. Khi đứng trước sự cạnh tranh với những loại hình giải trí khác, có nhiều thời điểm sân khấu kịch bị lung lay. Để giúp các sân khấu có thể sáng đèn liên tục, rất cần khán giả cùng nhau đi xem, tiếp thêm động lực cho những người làm nghề chân chính.
"Anh chị em chúng tôi ở sân khấu 5B vẫn đang cố gắng hết sức để có thể phục vụ khán giả vào mỗi dịp cuối tuần. Tất nhiên, không phải đêm nào cũng là Tết Trung thu, không phải đêm nào khán giả cũng lấp kín khán phòng nhưng chúng tôi vẫn cố gắng hết sức để gìn giữ, bảo vệ loại hình nghệ thuật truyền thống này. Tiếng cười, nước mắt và những tràng pháo tay của khán giả là động lực, là hạnh phúc của người nghệ sĩ đơn giản như tôi", Mỹ Uyên nói cùng nụ cười vui vẻ.
Tết Trung thu năm nay, Nhà hát sân khấu nhỏ 5B của Mỹ Uyên sẽ sáng đèn. Mỹ Uyên bảo sau khi lo ven vén chu toàn cho lễ cúng Tổ nghề sân khấu xong, sân khấu của chị sẽ lại ngập trung cái không khí sum vầy, ấm áp của đêm Rằm nhiều tiếng cười, nhiều niềm vui nhất trong năm.