Ngày vía Thần Tài: 'Nhà vàng' bật chế độ 'phòng thủ', người mua tăng rủi ro

Ngay trước thềm ngày vía Thần Tài, giá vàng đi ngược thông lệ khi giảm sâu. 'Nhà vàng' đã bật chế độ 'phòng thủ', người mua chịu rủi ro nhiều hơn.

Giá vàng giảm, “nhà vàng” bật chế độ “phòng thủ”

Theo thông lệ, cứ đến sát ngày vía Thần Tài, thị trường vàng lại nổi sóng, có những phiên, giá vàng SJC tăng vài triệu đồng/lượng chỉ sau vài giờ giao dịch. Sau đó, kim loại quý tiếp tục biến động nhưng với xu hướng chung là tăng giá mạnh.

Tuy nhiên, trong ngày vía Thần Tài 2024, dù dòng người vẫn xếp hàng mua vàng nhưng thị trường vàng đã đi ngược thông lệ khi giá vàng SJC và vàng nhẫn tròn trơn liên tục sụt giảm mạnh. Các “nhà vàng” đã bật chế độ “phòng thủ” là hoặc giảm giá mua vào - tăng giá bán ra hoặc giá mua vào giảm sâu hơn giá bán ra. Kết quả là chênh lệch giữa giá bán ra và giá mua vào tăng lên đáng kể.

Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm Quý Mão 2023, giá vàng SJC được các “nhà vàng” dừng ở mức phổ biến: 76,70 triệu đồng/lượng – 78,90 triệu đồng/lượng. Giá bán ra cao hơn giá mua vào khoảng 2,2 triệu đồng/lượng.

 Trước ngày vía Thần Tài, dòng người nườm nượp xếp hàng đi mua vàng nhưng giá vàng vẫn sụt giảm. Ảnh: Hoàng Tú

Trước ngày vía Thần Tài, dòng người nườm nượp xếp hàng đi mua vàng nhưng giá vàng vẫn sụt giảm. Ảnh: Hoàng Tú

Bước sang những phiên giao dịch đầu tiên của năm Giáp Thìn 2024, có thời điểm mức chênh này chỉ còn hơn 1,7 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, càng sát ngày vía Thần Tài, giá bán ra ngày càng cao hơn giá mua vào.

Cụ thể, đóng cửa thị trường ngày 18/2 (nghĩa là chỉ còn vài tiếng nữa là đến ngày vía Thần Tài), Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu “chốt” giá vàng SJC ở mức: 75,85 triệu đồng/lượng – 78,05 triệu đồng/lượng, giảm 950.000 đồng/lượng so với phiên trước đó. Đáng chú ý, giá bán ra cao hơn giá mua vào 2,2 triệu đồng/lượng. Con số này cách đây vài hôm chỉ là gần 1,9 triệu đồng/lượng.

Tương tự, giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji đang dừng ở mức: 75,75 triệu đồng/lượng – 78,35 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá bán ra và mua vào của vàng SJC tại Doji lên tới 2,6 triệu đồng/lượng.

Chênh lệch giữa giá bán ra và mua vào vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC và Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận – PNJ cũng được nâng lên 2,6 triệu đồng/lượng. Chào đón ngày vía Thần Tài 2024, giá vàng SJC bắt đầu ở mức: 75,80 triệu đồng/lượng – 78,40 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, mức chênh giá bán ra – mua vào của vàng nhẫn tròn trơn không có bất cứ sự thay đổi nào.

 Để "phòng thủ", các "nhà vàng" tăng mức chênh giữa giá bán ra và giá mua vào. Ảnh: Hoàng Tú

Để "phòng thủ", các "nhà vàng" tăng mức chênh giữa giá bán ra và giá mua vào. Ảnh: Hoàng Tú

Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng rồng Thăng Long chào đón ngày vía Thần Tài 2024 ở mức: 64,78 triệu đồng/lượng – 65,88 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng mới được thiết lập. Giá bán ra vẫn cao hơn giá mua vào 1,1 triệu đồng/lượng.

Tại Công ty PNJ, giá vàng PNJ giao dịch ở mức: 63,35 triệu đồng/lượng – 64,60 triệu đồng/lượng. Giá bán ra cao hơn giá mua vào 1,25 triệu đồng/lượng.

Người mua tăng rủi ro

Giá bán ra cao hơn giá mua vào nghĩa là người mua phải mua với giá cao hơn nhưng khi bán lại vàng cho “nhà vàng” lại nhận về mức thấp hơn. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng bình luận động thái này thể hiện các công ty đang “đẩy rủi ro” sang cho người mua.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng thế giới đạt 5 triệu đồng/lượng là phù hợp, còn giá bán ra vàng SJC chỉ nên cao hơn giá mua vào khoảng 500.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, hiện tại, mức chênh này đã lên tới từ 2,2 triệu đồng tới 2,6 triệu đồng/lượng.

Vào cuối tháng 12/2023, khi giá vàng SJC tăng điên cuồng, vượt mốc 80 triệu đồng/lượng, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi công điện tới Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành về giải pháp quản lý thị trường vàng.

 Bất chấp giá bán ra cao hơn rất nhiều so với giá mua vào, dòng người vẫn xếp hàng mua vàng cầu may ngày vía Thần Tài. Ảnh: Hoàng Tú

Bất chấp giá bán ra cao hơn rất nhiều so với giá mua vào, dòng người vẫn xếp hàng mua vàng cầu may ngày vía Thần Tài. Ảnh: Hoàng Tú

Thủ tướng nhìn nhận giá vàng trong nước biến động mạnh, tăng nhanh, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có giải pháp quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để chênh lệch giá trong nước và quốc tế ở mức cao. Kết quả báo cáo Chính phủ trong tháng 1/2024.

Thủ tướng cũng yêu cầu theo dõi sát diễn biến thế giới và trong nước, xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với biến động của thế giới và trong nước nhằm bình ổn thị trường, không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Ngay trong những ngày đầu tiên đi làm trở lại của năm mới Giáp Thìn 2024, Thủ tướng đã có chỉ đạo mới về thị trường. Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý 1/2024.

Có thể thấy, trong những ngày vía Thần Tài 2024, trong khi Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt về ổn định thị trường vàng, giá vàng SJC đã không còn “làm mưa làm gió” như trước đây.

Hoàng Tú

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ngay-via-than-tai-nha-vang-bat-che-do-phong-thu-nguoi-mua-tang-rui-ro-post284872.html