Ngày vui thống nhất và giá trị hòa bình

Tuần trước, nhà thơ Nguyễn Hữu Thắng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tỉnh Quảng Trị mời tôi cuối tháng Tư này vào Vĩnh Linh quê anh tham dự Lễ hội Thống nhất non sông. Anh hào hứng: Năm nay là Lễ hội cấp Nhà nước, rất nhiều nét mới, cố gắng vào nhé!

Tất nhiên là tôi cũng rất hào hứng nhận lời. Vâng, Lễ hội Thống nhất non sông là một “đặc sản” văn hóa mới của huyện Vĩnh Linh và tỉnh Quảng Trị, diễn ra hằng năm vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) tại Di tích Quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Sự kiện này được huyện Bến Hải thời còn tỉnh Bình Trị Thiên tổ chức lần đầu vào ngày 30/4/1985. Sau ngày tái lập tỉnh Quảng Trị năm 1989, Lễ hội Thống nhất non sông trở thành lễ hội cấp tỉnh. Từ năm 2010 trở đi, cứ 5 năm một lần vào dịp năm chẵn, Lễ hội này do Nhà nước tổ chức, các năm lẻ do tỉnh chủ trì.

 Cầu Hiền Lương - biểu tượng khát vọng thống nhất non sông.

Cầu Hiền Lương - biểu tượng khát vọng thống nhất non sông.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Thắng sinh ra và lớn lên ở huyện Vĩnh Linh. Anh là đồng niên và đồng nghiệp với tôi. Nhưng cơ duyên chúng tôi quen biết nhau lại vì một chuyện khác. Ấy là cách nay 20 năm, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975 - 2005), tôi vào Vĩnh Linh tìm gặp một số nhân chứng để viết bài về “Những đứa trẻ K8 trên đất lửa năm xưa”, được Huyện đội giới thiệu đến gặp anh, lúc đó là Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh. Lứa K8 ấy ở Vĩnh Linh đông lắm nhưng Nguyễn Hữu Thắng có một “hành trình” khá đặc biệt.

Xin được nhắc lại cho các bạn trẻ thời @ rõ thêm: “K8” là mật danh chương trình sơ tán trẻ em vùng “tuyến lửa” ra tỉnh Thanh Hóa và Bắc Bộ hồi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Đối tượng đi K8 là thiếu niên, chủ yếu ở tỉnh Quảng Bình và Đặc khu Vĩnh Linh. Hồi đó, Nguyễn Hữu Thắng cùng em trai 8 tuổi được sơ tán ra Thái Bình. Vài tháng sau thì mẹ anh cùng hai em gái cũng được sơ tán ra vùng miền núi tỉnh Nghệ An.

Bố anh ở lại Vĩnh Linh cùng lực lượng dân quân vừa sản xuất vừa chiến đấu và tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Khỏi phải nói về nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ của lũ nhóc K8. Năm 1969, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 18 trở ra, Nguyễn Hữu Thắng xin phép vào Nghệ An thăm mẹ và hai em. Gặp được mẹ và em rồi nhưng còn bố và làng xóm nữa. Thế là Thắng một mình tìm đường trốn vào Vĩnh Linh gặp bố, lại chạy ra bờ sông Bến Hải ngóng về quê mẹ phía bên kia. Thỏa lòng nhớ thương rồi mới tìm cách trở lại Thái Bình…

Tôi hỏi anh chuyến đi ấy hết mấy ngày? Anh bảo khoảng ba, bốn tuần gì đó! Đi bằng phương tiện gì? Từ Thái Bình vào Nghệ An thì đi nhờ ô tô của Đặc khu Vĩnh Linh ra thăm con em K8. Nhưng từ Nghệ An đến Vĩnh Linh, rồi từ Vĩnh Linh trở ra Thái Bình thì đi bằng đủ mọi phương tiện, kể cả… chạy bộ. Tôi kêu lên: "Sao lúc đó anh liều lĩnh thế?" Anh cười: "Chẳng biết nữa. Chắc tại vì nhớ quá". Tôi hiểu, cái nỗi “nhớ quá” ấy chính là khát vọng hòa bình của một cậu bé 13 tuổi, khi quê nhà bị bom cày đạn xới, cha mẹ và anh em ruột phải ly tán mỗi người mỗi nơi.

Quê tôi ở tỉnh Quảng Bình, hồi đó mấy anh em cũng thuộc diện đi K8 nhưng vì sợ “nhớ quá” nên mẹ tôi không cho đứa nào đi. Những năm tháng ấy, tuổi thơ chúng tôi hầu như phải sống phía dưới mặt đất. Ban ngày đến trường dưới lòng hào giao thông, chằng chịt khắp đường làng ngõ xóm. Lớp học cũng nửa chìm nửa nổi ngang lòng hào, bốn phía còn đắp thêm ụ đất để tránh mảnh bom, bên trên là những tấm phên đổ cát dày chừng một gang tay để chống bom bi và lửa na-pan. Ban đêm, chúng tôi chui xuống hầm kèo chữ A học bài dưới ánh đèn phòng không tù mù. Lúc ấy, chúng tôi chỉ ao ước bao giờ yên hàn để được tung tăng chạy nhảy trên mặt đất, tung tăng đến trường trên những con đường làng rợp mát bóng tre. Sau này lớn lên, chúng tôi hiểu đó không chỉ là ao ước của những đứa trẻ mà là khát vọng hòa bình của cả dân tộc.

Xin trở lại với lời mời của anh bạn nhà thơ ở Vĩnh Linh. Tôi chưa hình dung được quy mô và chương trình Lễ hội Thống nhất non sông chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975-2025) nhưng tôi biết sẽ có rất nhiều người từ mọi miền đất nước tụ hội về đây, để thỏa nỗi khát khao độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất. Vâng, trong đêm trường nô lệ và dưới bom đạn của quân xâm lược, khát vọng lớn nhất của dân tộc ta là độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã mở ra kỷ nguyên mới của đất nước; đó là kỷ nguyên độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, khát vọng lớn nhất của dân tộc Việt Nam là khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Nội dung này được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ta, thể hiện quyết tâm chính trị của toàn Đảng và toàn dân nhằm “phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Những thảm cảnh của chiến tranh đã lùi xa. Nhưng di chứng của nó thì vẫn còn nhức nhối trong đời sống của nhiều số phận, nhiều gia đình, nhiều thế hệ. Trong khi thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, đây đó vẫn còn những âm mưu chống phá sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, mỗi người dân Việt Nam vẫn phải luôn đề cao cảnh giác. Hơn ai hết, Nhân dân Việt Nam thấm thía sự khốc liệt của chiến tranh; thấm thía cái giá của hòa bình, thống nhất mà cả dân tộc phải đánh đổi bằng biết bao xương máu. Hạnh phúc nào hơn được sinh sống và làm ăn trên một đất nước yên ổn, đang từng bước đổi mới và phát triển. Và bởi thế, trong hành trình thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, mỗi người dân Việt Nam vẫn chưa nguôi khát vọng hòa bình.

Mai Nam Thắng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/ngay-vui-thong-nhat-va-gia-tri-hoa-binh-postid416919.bbg