Đoàn kết, biết ơn và tiến bộ dân tộc
Đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TPHCM không chỉ thu hút du khách (DK) quốc tế bởi không khí lễ hội sôi động, mà còn vì chiều sâu lịch sử và những câu chuyện xúc động về hành trình giành độc lập, thống nhất non sông của dân tộc Việt Nam. Nhiều người nước ngoài có mặt tại TPHCM dịp này không chỉ tham quan mà còn tìm hiểu, suy ngẫm và kết nối sâu sắc hơn với quá khứ - hiện tại của mảnh đất kiên cường.
Tiếng nói từ cộng đồng quốc tế
Sự kiện trọng đại này nhận được sự chú ý từ truyền thông quốc tế, với 39 hãng thông tấn đăng ký tác nghiệp, cho thấy tầm vóc và ý nghĩa vượt ra ngoài biên giới Việt Nam của ngày 30/4. Sự hiện diện của hơn 20 đoàn đại biểu quốc tế cấp cao và đông đảo kiều bào từ khắp nơi trên thế giới càng khẳng định tình hữu nghị và sự công nhận của bạn bè năm châu.
Đặc biệt, những góc nhìn từ các quốc gia láng giềng mang đến sự thấu hiểu sâu sắc. Nhà báo Khieu Kola - Cố vấn Chủ tịch Câu lạc bộ Nhà báo Campuchia (CCJ), biên tập viên cao cấp Kênh truyền hình CNC thuộc Royal Group - khi chia sẻ góc nhìn của mình đã nhấn mạnh: "Chiến thắng 30/4/1975 không chỉ là của riêng Việt Nam mà còn có ý nghĩa to lớn cho hòa bình, ổn định khu vực". Ông bày tỏ sự ngưỡng mộ trước những thành tựu vượt bậc của Việt Nam sau 50 năm, từ một quốc gia bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh đã vươn lên mạnh mẽ về kinh tế, xã hội, đối ngoại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là yếu tố then chốt.
Đối với những người nước ngoài quan m đến lịch sử, TPHCM trong dịp này mang đến vô vàn cơ hội để khám phá. Các địa danh mang tính biểu tượng như Dinh Độc Lập - nơi lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay vào trưa 30/4/1975 - trở thành điểm đến không thể bỏ qua. Việc được đứng tại chính nơi diễn ra thời khắc lịch sử cách đây nửa thế kỷ mang lại cảm giác đặc biệt khó tả.

Các khối diễu binh trùng điệp giữa trung tâm TPHCM
Nhiều du khách quốc tế cũng đã tìm đến các địa danh lịch sử như Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Địa đạo Củ Chi... như những điểm đến không thể bỏ qua trong những ngày tháng ghi đậm dấu ấn lịch sử. Ông William Brown, du khách Úc, sau khi thăm Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh chia sẻ rằng ông đã "cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc đấu tranh của người dân Việt Nam nửa thế kỷ trước".
Ông Lucas Martin, giáo viên Lịch sử người Pháp, cho rằng trải nghiệm này giúp ông "hiểu rõ hơn về sự kiên cường và khát vọng hòa bình của người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, việc có mặt tại TPHCM dịp này là "trải nghiệm vô cùng ý nghĩa" với ông.
Các hoạt động kỷ niệm không chỉ có diễu binh, diễu hành, thành phố còn tổ chức nhiều hoạt động tri ân như dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ, thăm hỏi các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Các hội thảo khoa học, triển lãm chuyên đề như "Thống nhất non sông" cũng thu hút sự quan tâm của những người muốn tìm hiểu sâu hơn về lịch sử. Bên cạnh các bảo tàng lớn, nhiều tour du lịch được thiết kế đặc biệt cho dịp này, đưa DK đến những "địa chỉ đỏ” ít được biết đến hơn như các hầm chứa vũ khí bí mật của Biệt động Sài Gòn, Căn cứ Rừng Sác - Cần Giờ, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh... giúp họ có cái nhìn đa chiều hơn về cuộc kháng chiến. Sự quan tâm đến các tour lịch sử này được ghi nhận tăng mạnh trong dịp lễ.

Ông Arjun Sharma cho biết rất vui khi đến thăm Việt Nam vào những ngày này để chứng kiến một phần lịch sử được tái hiện
Lịch sử sống động qua những câu chuyện
Lịch sử còn được người nước ngoài cảm nhận qua những cuộc gặp gỡ đời thường. Ông Dimitri Volkov (Nga), người đã sống 18 năm tại TPHCM, kể về sự xúc động khi thấy một bé gái Việt Nam tò mò về lịch sử khi xem triển lãm, hay khi biết về câu chuyện người tiểu thương treo tấm biểu ngữ do cháu trai làm cho vở kịch ở trường về ngày 30/4 và coi đó còn hơn cả niềm tự hào. Những điều này giúp người nước ngoài hiểu rằng ngày 30/4 là một phần máu thịt trong tâm thức người Việt.
Ông Bruce Robertson, một người Úc sống lâu năm tại TPHCM, chia sẻ những người Việt trẻ nói về ngày 30/4 với niềm tự hào về sự hy sinh của thế hệ cha ông và thành quả là đất nước thống nhất. Ông viết "Lịch sử có thể đau thương, nhưng nó cũng có thể truyền cảm hứng cho sự đoàn kết, lòng biết ơn và sự tiến bộ của dân tộc" đồng thời nhìn nhận rằng dù mỗi người Việt có thể cảm nhận khác nhau nhưng tựu trung lại đều là niềm tự hào dân tộc một cách lớn lao, sâu sắc.

Ông William Brown (áo đen ở giữa) cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc đấu tranh của người dân Việt Nam nửa thế kỷ trước sau khi thăm Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh
Sự tham gia nhiệt tình của giới trẻ vào các hoạt động kỷ niệm cũng là điều gây ấn tượng mạnh với du khách nước ngoài. Ông Arjun Sharma (Ấn Độ) thấy các bạn trẻ tích cực trang trí nhà cửa, quán xá, làm video trên mạng xã hội, tổ chức các chuyến về nguồn tại Củ Chi để tìm hiểu lịch sử và tri ân các cựu chiến binh. "Tinh thần yêu nước và lòng biết ơn của người Việt đang tỏa sáng mạnh mẽ. Nhìn cách người dân chuẩn bị cho ngày lễ, tôi cảm nhận được sự đoàn kết và tình yêu quê hương, đất nước mãnh liệt. Thật tuyệt vời khi được ở đây và chứng kiến một phần lịch sử!", ông bày tỏ.
Có thể thấy Đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TPHCM đã mang đến cho bạn bè quốc tế góc nhìn đa chiều và sâu sắc về Việt Nam. Đó không chỉ là một đất nước có lịch sử hào hùng, mà còn là một dân tộc kiên cường, đoàn kết, giàu lòng biết ơn, trân trọng hòa bình và đang tự tin vững bước trên con đường phát triển, hội nhập.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/doan-ket-biet-on-va-tien-bo-dan-toc_177396.html