Ngày Xuân bàn chuyện tạo động lực để nhân viên không 'đứng núi này trông núi nọ'
Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) là một tổ chức thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hỗ trợ doanh nhân doanh nghiệp. Nhân dịp Xuân Ất Tỵ, bà Nguyễn Nhã Quyên, Giám đốc vận hành SVF chia sẻ về việc phát triển tổ chức, về con người, về tư duy để cùng mang đến 'chiến thắng' cho đối tác và chính mình.
Tết Nguyên đán là khoảng thời gian nhiều người nghỉ ngơi, đi du lịch, về thăm gia đình và dùng để tái tạo sức lao động trước khi quay trở lại guồng quay của công việc. Thế nhưng, cũng có không ít người, trong khoảng thời gian này lại đứng giữa hai lựa chọn - tiếp tục công việc cũ hay tìm một công việc mới.
Điều này không chỉ xảy ra với những nhân viên mà cả những cá nhân ở cấp độ quản lý. Có nhiều lý do ra để nhiều người muốn tìm kiếm môi trường công việc mới như lương cao hơn, chức vụ cao hơn… Bên cạnh đó, cũng có những người dù làm rất tốt công việc hiện tại nhưng cũng có tâm lý “muốn ra đi” vì thấy rằng nơi đó không còn gì để học hỏi, trau dồi hay nâng cao kỹ năng trong công việc.
Vì thế mà không phải ngẫu nhiên, vào thời điểm cuối năm cũ, đầu năm mới nhiều người thường tự hỏi bản thân rằng, nên ở lại hay tìm một nơi mới. Như bản thân tôi, trước đây, trong những lần gặp mặt bạn bè vào những dịp như Tết, họp lớp cũng chạnh lòng khi biết những người bạn cùng trang lứa đang làm ở những tập đoàn lớn, có thu nhập tốt hơn, chức vụ công việc cao hơn. Có lẽ, không chỉ tôi mà ở đâu đó trong mỗi người, thường ít nhiều có tính hiếu thắng với tâm lý - bạn bè làm được thì mình cũng làm được.
Vì thế, gần như một công thức được tôi lặp đi lặp lại mỗi khi tết đến là nhảy việc. Điều này càng trở nên mảnh liệt hơn vì mỗi khi nghỉ việc, tôi tìm được công việc ở vị trí cao hơn, đồng nghĩa với đó lương, thu nhập cũng như thương hiệu cá nhân cũng được nâng lên. Do đó, chẳng có gì bất ngờ khi những năm trước gần như sau Tết Nguyên đán mọi người thấy tôi ở một công ty khác.
Thú thật, mặc dù ở vị trí là Giám đốc vận hành của SVF nhưng trong nhiều năm, mỗi khi đến dịp Tết Nguyên đán, bản thân tôi cũng đấu tranh với việc đi ở lại vì thấy bản thân đã ở mức trần, cần tìm một tầm nhìn cao hơn.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 xảy ra, tôi đã nhận ra một điều, nếu tiếp tục tâm lý đứng núi này trông núi nọ thì sẽ không ổn. Lúc đó, khi SVF - quỹ xã hội hóa và phi lợi nhuận được thành lập nhằm hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp, hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp gặp khó khăn, có thể bị “đóng cửa”. Chúng tôi đứng trước lựa chọn phải thay đổi để trở nên tốt hơn. Lúc đó, trong vai trò giám đốc vận hành, bản thân tôi phải làm những việc mà trước đây chưa từng làm.
Dĩ nhiên, không thể tránh khỏi những vấn đề phát sinh khi thực hiện một dự án mới. Thế nhưng, qua mỗi lần khó khăn, mỗi lần đối mặt thì chúng tôi lại có cơ hội cải tiến quy trình làm việc và nâng cao hiệu quả để trở nên mạnh mẽ và linh hoạt hơn.
Bài học mà tôi nhận ra là trong vai trò lãnh đạo của một tổ chức, người lãnh đạo là người tạo ra tầm nhìn, là "cái trần" của tổ chức. Sau đó, mọi người sẽ đi theo, cùng nhau bàn bạc để cùng hướng đến những mục tiêu cao hơn.
Quay lại với phần đầu câu chuyện phía trên, có thể không chỉ có tôi mà nhiều người trẻ hiện nay cũng có tâm lý mong chờ tổ chức trở nên tốt hơn, có trần cao hơn để bản thành - một thành viên trong tổ chức hướng đến. Khi không nhìn thấy được điều này thì suy nghĩ "sau Tết tìm việc mới" sẽ ám ảnh nhiều người trong những ngày tết.
Trong vai trò của một người lãnh đạo, tôi nhận ra rằng việc tạo ra tầm nhìn và những mục tiêu đầy thách thức là vô cùng quan trọng. Khi cả đội cùng hướng tới một đích đến chung, tâm lý so sánh và tìm kiếm cơ hội khác sẽ dần giảm đi.
Nhờ vậy, tôi đã vượt qua được tâm lý “cỏ nhà người xanh hơn” và cùng đội ngũ đạt được nhiều thành công hơn. Mỗi dịp Tết đến, thay vì nghĩ đến việc tìm kiếm một công việc mới, tôi lại hào hứng lên kế hoạch cho những dự án mới cùng đội ngũ của mình.
Vì thế, những doanh chủ có thể cân nhắc để trong năm mới tạo ra những dự án mới, những thử thách mới, giúp nhân viên học hỏi và phát triển. Chỉ khi tâm lý "đứng núi này trông núi nọ", chỉ nhìn mà nghĩ nơi khác tốt hơn biến mất, thay vào đó là niềm tự hào thì sự gắn bó với tổ chức, doanh nghiệp sẽ bền vững hơn.
Bước sang năm mới Ất Tỵ, thông thường nhiều doanh nghiệp, tổ chức đều đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Để đạt được thành công bền vững, tôi tin rằng tư duy win-win-win (không chỉ chúng ta cùng thắng mà là mọi người đều chiến thắng) là chìa khóa quan trọng. Khi mỗi cá nhân làm việc với tinh thần "yêu thương, trách nhiệm, phụng sự" thì không chỉ doanh nghiệp đạt được lợi nhuận mà tất cả các bên liên quan, từ khách hàng, đối tác đến cộng đồng đều được hưởng lợi.
Nếu mỗi cá nhân trong tổ chức đều hướng tới mục tiêu win-win-win thì chúng ta sẽ tạo ra một sức mạnh tổng hợp, giúp doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn và đạt được những thành công mới. Một khi lợi ích của doanh nghiệp, khách hàng, nhà cung cấp và cộng đồng được gắn kết chặt chẽ, doanh nghiệp không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn đóng góp tích cực vào xã hội. Đây chính là yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp Việt Nam thành công trong tương lai, tôi tin là vậy.
Để thành công, tôi cho rằng, doanh chủ không thể quên việc phải đặt con người vào trung tâm hành động và xây dựng một nền văn hóa doanh nghiệp dựa trên sự thấu cảm không chỉ là một xu hướng mà còn là một chiến lược kinh doanh thông minh và bền vững. Trong một thế giới ngày càng kết nối bởi công nghệ, sự thấu cảm chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt. Chắc rằng, nhiều doanh nhân cũng có cùng suy nghĩ này.
Một dịp Xuân về, mỗi người nên dành cho bản thân một khoảng thời gian để lắng lại trước khi bước vào một guồng quay mới. Đây là thời điểm thích hợp để tự hỏi bản thân là trong năm qua đã có niềm vui gì, hạnh phúc nhất khi nào hay giá trị nào mà bản thân cảm thấy tự hào trong toàn bộ các vấn đề của bản thân như sức khỏe, gia đình, mối quan hệ công việc, phát triển bản thân…
Tôi cho rằng, khi tìm ra đáp án cho các câu hỏi đó, tìm được điều thực sự mà bản thân mong muốn thì ai cũng có thể kiến tạo một cuộc sống cân bằng để thịnh vượng, hạnh phúc và bền vững. Chúc mừng năm mới.
Tác giả: Nhã Quyên - Giám đốc vận hành SVF
Trình bày: Thu Trang