Nghệ An: Bài toán cho nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm OCOP

Sản phẩm OCOP muốn phát triển bền vững thì phải tập trung hỗ trợ sản phẩm đi vào chiều sâu, chất lượng, định vị được thương hiệu địa phương để hướng tới xuất khẩu.

Khó khăn trong định vị nâng tầm sản phẩm

Nghệ An là một trong số các các địa phương phát triển mạnh các sản phẩm OCOP. Địa phương này hiện có 403 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, đứng thứ 2 cả nước về số lượng. Trong đó có 43 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm vừa được Trung ương đánh giá đạt tiêu chuẩn 5 sao. Hiện nay 21/21 huyện, thành phố, thị xã của Nghệ An đều tham gia xây dựng phát triển sản phẩm OCOP.

Các sản phẩm được gắn sao OCOP như là định danh cho thương hiệu, rất thuận lợi cho doanh nghiệp khi tiêu thụ sản phẩm, và nhất là khi tham gia xuất khẩu. Hiện này, có khá nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh nghệ An xuất khẩu qua các thị trường lâu nay vẫn được xem là khó tính như Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… Nhiều doanh nghiệp đã khẳng định được chất lượng sản phẩm của mình, tiến đến mở rộng thị trường xuất khẩu.

Mặc dù, chương trình đã góp phần nâng cao giá trị cho nhiều sản phẩm, tác động nhất định đến tư duy về kinh tế của các hợp tác xã và hộ kinh doanh nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Theo ông Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An, nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp luôn được Nghệ An đưa vào chương trình trọng tâm. Sản phẩm thì nhiều nhưng sản phẩm tiêu biểu của Nghệ An thì tìm chưa ra. Sản phẩm OCOP các địa phương thì tương tự nhau, Nghệ An làm được thì các tỉnh khác cũng làm được.

Trong số 403 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên ở Nghệ An có 48 sản phẩm OCOP đã hết hạn vào đầu tháng 4/2023 vừa qua. Qua tìm hiểu, có khá nhiều sản phẩm đã quá thời hạn được công nhận sản phẩm OCOP nhưng vẫn chưa “chịu” đánh giá lại. Theo một số chủ thể, việc tổ chức đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm OCOP đã hết thời hạn gặp phải những khó khăn, vướng mắc nhất định.

Tương Sa Nam ở huyện Nam Đàn đạt 4 sao OCOP vào năm 2019.

Tương Sa Nam ở huyện Nam Đàn đạt 4 sao OCOP vào năm 2019.

Theo đó, huyện Nam Đàn là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP đứng vào Top đầu của tỉnh Nghệ An với 69 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 6 sản phẩm đạt sao OCOP năm 2019, nay đã đến hạn phải đánh giá, công nhận lại, song mới chỉ có 1 sản phẩm đã làm hồ sơ công nhận lại vào năm 2021. 5 sản phẩm còn lại hiện đang làm hồ sơ để đánh giá lại theo quy định.

“Khi được công nhận 4 sao OCOP năm 2019, thì quy mô là sản xuất hộ. Đến năm 2020, chúng tôi thành lập HTX Tương Sa Nam. Do đó, nay để tham gia đánh giá lại OCOP chúng tôi phải có xác minh tài chính 3 năm liên tiếp, đăng ký mã số thuế, phải làm hồ sơ đăng ký bảo vệ môi trường… khá mất thời gian, công sức. Năm 2022, trước khi đến hạn cơ sở đã làm hồ sơ, tuy nhiên chưa được chấp thuận. Hiện chúng tôi đang hoàn tất các thủ tục, giấy tờ để tham gia đánh giá lại…”, bà Hồ Thị Xuân Hương - chủ thể sản phẩm 4 sao OCOP Tương Sa Nam ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An cho biết.

Ông Trần Mạnh Hồng - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Đàn cho hay: “Một số chủ thể trên địa bàn chưa làm hồ sơ đánh giá, công nhận lại, do không còn được tiền thưởng như đã được công nhận lần 1 (cụ thể, 3 sao OCOP được thưởng 30 triệu đồng, 4 sao được thưởng 40 triệu đồng) nên một số chủ thể không mặn mà. Và theo quy định mới theo Quyết định 148 của Thủ tướng Chính phủ thì nay, sản phẩm OCOP từ 3 sao trở xuống do huyện thẩm định và công nhận, công bố, chỉ có những sản phẩm đủ điểm chấm 4 sao mới trình tỉnh thẩm định, công nhận. Trong khi đó, thành phần hội đồng cấp huyện có ít nhất 3 thành viên của Sở nên nhân lực hội đồng đang phụ thuộc vào sự sắp xếp, bố trí của các sở…”.

Trong nhận thức của một số chủ thể, các sản phẩm đạt 3 sao OCOP năm 2019 đang là UBND tỉnh công nhận, xếp hạng; nay theo phân cấp thì hội đồng cấp huyện đánh giá, công nhận, công bố nên họ xem đó như “tụt hạng” nên không muốn tham gia đánh giá, công nhận lại.

Ông Nguyễn Hồ Lâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An khẳng định: Việc đánh giá, xếp hạng lại là điều kiện bắt buộc đối với các sản phẩm OCOP cấp tỉnh khi đến hạn 36 tháng kể từ ngày được công nhận, nếu không tuân thủ sẽ bị thu hồi chứng nhận, chủ thể không được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP (logo OCOP có gắn sao) để in, dán trên bao bì, nhãn mác đối với các sản phẩm của mình khi lưu thông, tiêu thụ trên thị trường kể từ ngày hết hiệu lực. Do đó, các chủ thể sản xuất cần chủ động, tích cực lập hồ sơ đăng ký đánh giá, xếp hạng lại sản phẩm theo thời gian quy định.

Hướng tới sản phẩm chất lượng

Theo đánh giá Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, sản phẩm OCOP của địa phương chủ yếu tập trung vào nhóm thực phẩm. Nghệ An vẫn thiếu sản phẩm thuộc nhóm du lịch và thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất, sản phẩm làng nghề. Trong khi du lịch là mũi nhọn kinh tế, thị trường tiêu thụ bền vững cần sớm tận dụng.

Việc phát triển các sản phẩm được công nhận OCOP là không tự phát vì phải tuân theo một quy trình được chọn lọc từ cấp cơ sở, đủ tiêu chuẩn, điều kiện mới được công nhận, ví như theo quy định sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên phải tham gia thị trường. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra chưa ổn định xuất phát từ hạn chế là ở địa phương vẫn lúng túng để lựa chọn sản phẩm OCOP chủ lực của huyện, xã để phát triển, nâng cao thương hiệu, chất lượng, kết nối với thị trường.

“Các sản phẩm OCOP dứt khoát phải đi theo hướng thương hiệu, chất lượng và phải liên kết cùng nhau để phát triển sản phẩm. Ngay chủ thể của các sản phẩm OCOP cũng phải chăm sóc sản phẩm của mình, cần quản lý được chất lượng. “Không có nhanh, nhiều, tốt rẻ”. Phải xác định sản phẩm OCOP bỏ qua giai đoạn là "sản phẩm giảm nghèo" mà định hướng tiến tới giúp các chủ thể làm ăn khá giả…”, ông Phùng Thành Vinh cho biết thêm.

Để sản phẩm OCOP phát triển bền vững, Nghệ An hướng tới chất lượng, tập trung vào việc định vị thương hiệu và hướng tới xuất khẩu.

Để sản phẩm OCOP phát triển bền vững, Nghệ An hướng tới chất lượng, tập trung vào việc định vị thương hiệu và hướng tới xuất khẩu.

Ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An nhấn mạnh hai yêu cầu để sản phẩm “ra biển lớn” là phải chuẩn hóa về tiêu chuẩn sản phẩm và tiêu chuẩn thương mại. Sản phẩm OCOP chưa phải là thương hiệu – đây chỉ là cơ sở, tiền đề để xây dựng thương hiệu sản phẩm. Vấn đề quan trọng nhất là đánh giá của thị trường, có những sản phẩm không "Sao” nhưng vẫn được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ rất tốt. Điều đó cho thấy, vấn đề quan trọng là xây dựng thương hiệu, phát triển thương hiệu của sản phẩm nông sản.

Thời gian tới tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án khuyến nông, khuyến công… để hỗ trợ người dân ứng dụng quy trình, máy móc trang thiết bị, quy trình, nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất đa dạng, nâng cao sản lượng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm… để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng thị hiếu, yêu cầu của người tiêu dùng.

Ngoài ra, tỉnh này cũng đã có những kế hoạch đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đưa các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị và sàn thương mại điện tử. Chủ trương của địa phương là hướng sản phẩm OCOP theo hướng nâng cao chất lượng, sản xuất hàng hóa, đưa vào hệ thống siêu thị và hướng đến xuất khẩu.

Minh Tâm – Hà Hằng

Hà Thị Hằng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nghe-an-bai-toan-cho-nang-cao-chat-luong-thuong-hieu-san-pham-ocop-a618444.html