Nghệ An chủ động giải pháp thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở tiểu học
Sau 3 năm thực hiện, chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học tại Nghệ An được triển khai đúng kế hoạch, mục tiêu và đạt nhiều kết quả tích cực.
Ngày 3/8, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức Hội nghị đánh giá 3 năm thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp tiểu học.
Nhiều kết quả tích cực
Năm học 2022 – 2023 là năm thứ 3 ngành Giáo dục thực hiện Chương trình GDPT 2018, và đối với cấp tiểu học triển khai lần lượt từ lớp 1,2,3.
Theo đánh giá của ngành giáo dục Nghệ An, chương trình mới có nhiều ưu điểm như bảo đảm tính đồng bộ giữa mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục của chương trình. Bảo đảm tính tiếp nối liên thông giữa các cấp học lớp học, môn học. Đồng thời bảo đảm yêu cầu tinh giản, thiết thực, cập nhật với xu thế hiện đại của thế giới, kế thừa ưu điểm của chương trình hiện hành đồng thời tham khảo tiếp thu kinh nghiệm có chọn lọc, có tính mở...
Qua 3 năm, chương trình GDPT 2018 và sách giáo khoa mới tại Nghệ An được thực hiện đúng kế hoạch, đảm bảo yêu cầu, mục tiêu đặt ra. Đối với tiểu học, là bậc đầu tiên triển khai chương trình mới, ban đầu gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ nhưng các địa phương, cơ sở giáo dục đã từng bước khắc phục, linh hoạt, sáng tạo và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, trong bối cảnh thiếu giáo viên nhưng nhiều huyện, thành, thị đã nổ lực để tổ chức dạy học theo chương trình từ 32 tiết/tuần, cho các khối lớp, 100% cơ sở giáo dục tổ chức dạy Tiếng Anh và Tin học cho học sinh lớp 3. Ngoài các môn học bắt buộc, nhiều địa phương đã tổ chức được nhiều nội dung tăng cường, các hoạt động ngoài giờ chính khóa.
Nhờ thực hiện chương trình GDPT 2018, việc xây dựng kế hoạch, phương pháp dạy học có nhiều đổi mới. Giáo viên đã chú trọng thiết kế các hoạt động dạy học theo định hướng tổ chức hoạt động trải nghiệm, học thông qua chơi, giải quyết vấn đề. Đặc biệt, việc đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá cũng được 100% trường tiểu học thực hiện, theo hướng đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh. Giúp học sinh phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực, không gây áp lực thành tích, ganh đua đối với độ tuổi tiểu học.
Các cơ sở giáo dục cũng tích cực đổi mới quản trị, chủ động xây dựng chương trình nhà trường. Đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin, sử dụng nhiều giải pháp phần mềm trong quá trình quản lý.
Việc lựa chọn sách giáo khoa theo chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” được đánh giá hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội. Qua đó, tạo điều kiện để các nhà trường, học sinh có nhiều sự lựa chọn để tìm bộ sách có chất lượng và phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi địa phương.
Phát huy vai trò chủ động của nhà trường, giáo viên
Tại hội nghị, bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được, các đại biểu cũng phân tích những tồn tại, khó khăn chưa thể giải quyết ngay như tình trạng thiếu giáo viên dạy văn hóa, thiếu giáo viên Tiếng Anh, Tin học, các môn nghệ thuật… Tình trạng này dẫn đến việc bố trí giáo viên của các trường gặp khó khăn. Tại nhiều địa phương hiện phải huy động cả ban giám hiệu đứng lớp giảng dạy, hoặc bố trí giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc… dạy liên trường.
Trong quá trình triển khai, nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học nhất là thiết bị tối thiểu đáp ứng yêu cầu thực hiện là rất lớn nhưng nguồn ngân sách đầu tư hạn hẹp, không đủ để cung ứng hoặc cung ứng chậm và chưa đồng bộ
Ông Đào Công Lợi – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đánh giá, Chương trình GDPT 2018 được thực hiện trong bối cảnh cơ sở vật chất, đội ngũ còn nhiều khó khăn, chưa đồng bộ. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của hệ thống chính trị địa phương, nỗ lực của toàn ngành giáo dục và trách nhiệm, tâm huyết của giáo viên, Chương trình GDPT 2018 tại Nghệ An nói chung, đặc biệt là bậc tiểu học đạt nhiều kết quả tích cực.
Trong các năm tới, ngành Giáo dục xác định những khó khăn về cơ sở vật chất, về đội ngũ giáo viên sẽ tiếp tục tác động đến quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018. Vì vậy, bên cạnh trách nhiệm của Sở GD&ĐT, ông Đào Công Lợi đề nghị các nhà trường, các giáo viên linh hoạt, xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh. Tăng cường sinh hoạt chuyên môn liên trường, cụm trường để rút kinh nghiệm, chia sẻ giải pháp dạy học hiệu quả. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tiếp tục làm tốt công tác truyền thông để nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của phụ huynh học sinh.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đề nghị các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng chương trình nhà trường với mục tiêu, tầm nhìn rõ ràng, phù hợp với thực tiễn. Đồng thời thực hiện đảm bảo chất lượng. Trong quá trình thực hiện, giao quyền chủ động cho các giáo viên trong tổ chức dạy và học, lấy kết quả và sự tiến bộ của học sinh là thước đo đánh giá cuối cùng.
Về phía ngành sẽ tiếp tục tham mưu chính sách tạo động lực, hành lang pháp lý thực hiện các giải pháp phát triển giáo dục. Tích cực tuyển dụng giáo viên theo định biên được giao để đảm bảo bố trí đủ 2 tiết/tuần. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học, ưu tiên mua sắm máy tính để học Tin học, phòng học Ngoại ngữ. Đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền để xã hội, phụ huynh hiểu, ủng hộ và đồng hành với nhà trường, giáo viên trong thực hiện Chương trình GDPT 2018 trong những năm tới.