Nghệ An: Đề xuất BHYT chi trả tư vấn, xét nghiệm, sàng lọc HIV, viêm gan B và giang mai
Người có bảo hiểm y tế (BHYT) được chi trả tư vấn, xét nghiệm, sàng lọc HIV, viêm gan B và giang mai, đây là một trong số những nội dung được đưa vào kế hoạch hành động tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2030.
Mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long ký ban hành Kế hoạch hành động số 351/KH-UBND tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2030.
Theo đó, kế hoạch được ban hành nhằm đạt được mục tiêu cụ thể gồm: Đảm bảo người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em được tiếp cận với các dịch vụ, can thiệp loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con một cách liên tục và có chất lượng. Tăng cường nhận thức của các đối tượng can thiệp về dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con.
Đồng thời, xây dựng mạng lưới triển khai và cơ chế theo dõi, đánh giá hiệu quả can thiệp. Trong đó, đưa ra mục tiêu, giai đoạn năm 2024 – 2025, trên 80% mạng lưới tế công lập cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản triển khai thực hiện, theo dõi, đánh giá can thiệp loại trừ từ mẹ sang con.
Giai đoạn năm 2026 – 2030, trên 90% y tế ngoài công lập cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản triển khai thực hiện, theo dõi, đánh giá can thiệp loại trừ 3 bệnh này từ mẹ sang con.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Nghệ An đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp liên ngành đối với công tác dự phòng các bệnh này.
Cụ thể, tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi nâng cao nhận thức trong cộng đồng. Giải pháp về chuyên môn, kỹ thuật. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống giám sát dự phòng bệnh và đảm bảo tài chính cho việc loại trừ bệnh. Trong đó, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị, các chương trình liên quan trong việc triển khai các can thiệp loại trừ bệnh.
Gắn kết chặt chẽ giữa các chương trình y tế liên quan đến dự phòng bệnh như chương trình mục tiêu y tế dân số, phòng chống HIV/AIDS, cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ trẻ em, tiêm chủng mở rộng, da liễu và truyền nhiễm.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị đối với công tác vận động chính sách, tạo nguồn lực và môi trường xã hội thuận lợi về phòng, chống HIV, viêm gan B, giang mai lây truyền từ mẹ sang con.
Nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng và cán bộ y tế về nguy cơ của việc mắc các bệnh này; các biện pháp dự phòng, lợi ích của việc sàng lọc trước, trong và sau sinh để phát hiện sớm, điều trị kịp thời và tuân thủ điều trị.
Nâng cấp, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở y tế đáp ứng nhu cầu công tác dự phòng và kiểm soát bệnh. Mở rộng triển khai dịch vụ tư vấn xét nghiệm sàng lọc ba bệnh tại trạm y tế xã và các cơ sở khám thai công lập và ngoài công lập có cung cấp dịch vụ quản lý thai nhằm tăng cường khả năng tiếp cận sàng lọc sớm trong 3 tháng đầu ở phụ nữ mang thai.
Tăng cường năng lực cho mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản về lập kế hoạch, triển khai thực hiện, theo dõi, giám sát và đánh giá can thiệp dự phòng bệnh lồng ghép trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ nhỏ tại các tuyến. Gíam sát hỗ trợ, kiểm tra việc tuân thủ các quy trình, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về dự phòng bệnh tại các cơ sở y tế, bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân, y tế ngành.
Ngoài ra, tổ chức đào tạo tập huấn cho cán bộ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản triển khai các hoạt động tư vấn, xét nghiệm sàng lọc, chuyển gửi, điều trị dự phòng, tiêm chủng và quản lý các can thiệp dự phòng bệnh…
UBND tỉnh Nghệ An, giao Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính trong việc xây dựng kế hoạch và phân bổ kinh phí của địa phương để thực hiện dự phòng lây truyền các bệnh này một cách chủ động, kịp thời.
Đưa việc tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV, viêm gan B và giang mai được bảo hiểm y tế chi trả trong đó nhà nước đảm bảo chi trả cho các đối tượng hộ nghèo, là người dân tộc thiểu số ở các vùng miền có điều kiện kinh tế khó khăn.
Tăng cường vận động nguồn lực tại địa phương đảm bảo nguồn tài chính cho việc xét nghiệm sàng lọc bệnh ở phụ nữ mang thai. Triển khai xã hội hóa trong việc cung cấp dịch vụ xét nghiệm sàng lọc cho phụ nữ mang thai nhằm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ dự phòng lây truyền cho các đối tượng...