Nghệ An dừng vận tải hành khách ở vùng đỏ; Thanh Hóa linh động xử lý khi F0 trong trường học tăng

Ngày 16/2, ông Nguyễn Văn Hải - Phó Giám đốc Sở GTVT Nghệ An cho biết, trên địa bàn dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương có dịch cấp độ 4.

Bởi vậy, các hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô ở các địa bàn này sẽ tạm dừng hoạt động từ 0h ngày 16/2.

Hiện trên địa bàn có 22/25 phường xã ở TP Vinh có dịch ở cấp độ 4. Ngoài ra, 77 phường, xã ở các huyện Quỳnh Lưu, Thái Hòa, Nghĩa Đàn, Diễn Châu, Yên Thành… cũng ở cấp độ này.

22/25 phường xã ở TP Vinh có dịch ở cấp độ 4.

22/25 phường xã ở TP Vinh có dịch ở cấp độ 4.

Theo đó, vận chuyển hành khách bằng xe ô tô, gồm: vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh, nội tỉnh đi/đến các bến xe: Phía Đông thành phố Vinh, chợ Vinh, miền Trung, xe buýt, xe hợp đồng, xe du lịch; xe taxi, xe vận chuyển học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Vinh và trên các xã, phường, thị trấn của các huyện, thị xã có dịch được công bố cấp độ 4 sẽ tạm dừng hoạt động.

Riêng, xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ ngồi (xe hợp đồng, xe du lịch sử dụng hợp đồng điện tử) có vách ngăn với khách, thanh toán điện tử được phép hoạt động.

Sở GTVT Nghệ An cũng yêu cầu hành khách tuân thủ nghiêm túc 5K và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định, hạn chế tiếp xúc gần đối với lái xe, đeo khẩu trang trong suốt hành trình.

Bản tin sáng 16/2 về dịch COVID-19 trên địa bàn Nghệ An ghi nhận 1.188 ca mắc mới, trong đó có 284 ca cộng đồng, 904 ca đã được cách ly từ trước (902 ca là F1, 02 ca từ ngoại tỉnh có dịch về).

Các địa phương có số bệnh nhân cao nhất trong 12h qua gồm: TP.Vinh, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thanh Chương.

Từ đầu mùa dịch đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 37.853 ca mắc COVID-19. Số BN điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 16.949 BN. Lũy kế số BN tử vong: 62 BN. Số BN hiện đang điều trị: 20.842 BN.

Thanh Hóa: Thích ứng linh hoạt, đảm bảo chất lượng dạy học

Dù ghi nhận nhiều trường hợp giáo viên, học sinh mắc COVID-19 sau khi triển khai dạy học trực tiếp, nhưng tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thích ứng linh hoạt với công tác phòng chống dịch và đảm bảo chất lượng dạy học.

Kể từ khi cho học sinh đến trường học trực tiếp trở lại, tại thành phố Thanh Hóa, Trường Tiểu học, Trung học cơ sở Lý Tự Trọng; Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi; Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám… và rất nhiều trường học khác đã ghi nhận hàng chục trường hợp học sinh, giáo viên mắc COVID-19. Trên tinh thần tổ chức học trực tiếp, các nhà trường đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, đảm bảo công tác dạy và học trong các nhà trường.

Thanh Hóa đưa ra nhiều giải pháp thích ứng dạy học trực tiếp. Ảnh minh họa: Sỹ Đức

Thanh Hóa đưa ra nhiều giải pháp thích ứng dạy học trực tiếp. Ảnh minh họa: Sỹ Đức

Bà Lê Thị Hồng Minh, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Bình Minh và bà Lê Thị Phương, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Đông Cương, thành phố Thanh Hóa cho biết: "Nhà trường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch cho các con như rửa tay sát khuẩn thường xuyên, các món ăn chế biến thì nhà trường đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe và sức đề kháng cho các con".

Các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh được triển khai kịp thời, đồng bộ, thế nhưng số học sinh, giáo viên mắc COVID-19 trong trường học vẫn tăng từng ngày. Ông Lê Thành Đồng, Quyền Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Thanh Hóa cho biết, mỗi ngày phát hiện hàng trăm F0 trong trường học, vì vậy phải linh hoạt trong xử lý tình huống.

"Vẫn phải đảm bảo cả 2 là học sinh đến trường nhưng đảm bảo an toàn. Toàn thể tinh thần là học trực tiếp là chính, nếu cứ có F0 mà cho nghỉ thì trường nào cũng nghỉ vì trường nào cũng có F0. Tất nhiên đối với các trường họp F0 thì phải nghỉ, F1 và những cháu nguy cơ cao phải nghỉ", ông Đồng cho hay.

Dù dịch bệnh COVID-19 vẫn đang có chiều hướng gia tăng trong trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhưng cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp linh động trong xử lý tình huống phòng, chống dịch là cần thiết, nhưng cũng không thể không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Tại buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, quan điểm chung của ngành Giáo dục là phối hợp với ngành Y tế là nhất quán, cương quyết, kịp thời trong việc mở cửa trường học từ mầm non cho tới đại học. Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chúng ta xác định phải sống chung với dịch bệnh lâu dài chứ không phải một sớm một chiều. Vì vậy, các cơ sở giáo dục cần tuyên truyền để phụ huynh hiểu đúng về dịch bệnh và cùng phối hợp trong chuẩn bị, xử lý tình huống phát sinh một cách phù hợp.

Xem thêm video đang được quan tâm:

V. Đồng - Dương Tú

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//nghe-an-dung-van-tai-hanh-khach-o-vung-do-thanh-hoa-linh-dong-xu-ly-khi-f0-trong-truong-hoc-tang-169220216155921278.htm