Nghệ An: Hoàn lưu bão số 4-Noru khiến 3 người chết và mất tích
Mưa bão đã khiến nhiều tuyến đường, cầu cống trên địa bàn tỉnh Nghệ An bị sạt lở, hư hỏng, người và phương tiện không thể qua lại; hàng trăm hécta lúa, hoa màu và cây công nghiệp bị thiệt hại nặng.
Tại Nghệ An, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 gây mưa lớn, tính đến 16 giờ ngày 29/9 đã có 2 người chết và một người bị mất tích; 71 hộ phải di dời, 7.306 nhà bị ngập, 25 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất.
Mưa lớn cũng gây thiệt hại 577ha lúa, 3.271ha hoa màu, 89ha cây công nghiệp; khiến 56 con gia súc và 17.167 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều tuyến đường, cầu cống bị sạt lở, hư hỏng, người và phương tiện không thể qua lại. Đơn cử, Quốc lộ 48 có 2 vị trí, Quốc lộ 48E có 9 vị trí, Quốc lộ 15 có 5 vị trí, Tỉnh lộ có 17 vị trí bị ngập...
Ngoài ra còn có 38 vị trí khác trên các tuyến đường bị sạt lở taluy âm, taluy dương. Hiện nay, tại các vị trí bị sạt lở, ngập nước, đơn vị quản lý đường đã rào chắn, cấm người qua lại.
Chiều cùng ngày, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Văn Thông cùng đoàn công tác của tỉnh đã đi kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 gây ra trên địa bàn huyện Thanh Chương.
Công an huyện Nghi Lộc cũng huy động lực lượng, phối hợp với lực lượng dân quân và nhân dân địa phương khắc phục hậu quả sau mưa bão tại một số địa phương trên địa bàn.
Chiều 29/9, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An ban hành công điện khẩn, đề nghị Chủ tịch-Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, các đơn vị liên quan trong tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, bằng mọi hình thức thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, tổ chức di chuyển người dân khỏi vùng nguy cơ cao ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Các ngành chức năng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; tuyên truyền để người dân không đánh bắt cá, vớt gỗ ở các khu vực nước chảy xiết; chủ động, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Cùng với đó, cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản; bố trí lực lượng thường trực để vận hành, điều tiết, đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu.
Các ngành chức năng triển khai phương án bảo vệ đê điều; vận hành công trình tiêu úng, bảo vệ sản xuất khu công nghiệp và các khu vực đô thị, vùng trũng thấp; chỉ đạo cơ quan truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại./.