Nghệ An khai mạc Kỳ họp thứ 21 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 18

Sáng 10/7, tại thành phố Vinh, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa 18 (nhiệm kỳ 2021-2026), trọng thể khai mạc Kỳ họp thứ 21.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 21. (Ảnh: Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An)

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 21. (Ảnh: Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An)

Tại kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ xem xét, thông qua 26 dự thảo nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm 2024 và các cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực: kế hoạch, đầu tư; tài chính, ngân sách; đất đai, tài nguyên; đô thị; y tế, dân số...

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý thông tin: Kỳ họp thứ 21, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 18 diễn ra sau thành công của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV với nhiều nội dung rất quan trọng. Đặc biệt, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An với tỷ lệ tán thành cao, tạo căn cứ pháp lý và động lực quan trọng để huy động tối đa các nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, góp phần đưa Nghệ An phát triển nhanh, bền vững theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý phát biểu khai mạc kỳ họp.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý phát biểu khai mạc kỳ họp.

Thời tiết ổn định, hạ tầng giao thông, nhất là cao tốc bắc-nam đoạn qua Nghệ An được đưa vào sử dụng đã tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống dân sinh trong sáu tháng đầu năm 2024 .

Mặc dù tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, bất ổn, giá cước vận tải quốc tế tăng cao; tỷ giá USD và giá vàng biến động mạnh, tạo sức ép lên lạm phát và tăng trưởng chung.

Tuy nhiên, đến nay Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Đặc biệt một số nhiệm vụ lớn; một số công trình trọng điểm của quốc gia triển khai trên địa bàn và công trình trọng điểm của tỉnh đã hoàn thành, hoặc trong giai đoạn nước rút để hoàn thành, bảo đảm tiến độ đề ra.

Thu ngân sách Nhà nước, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp, công nghiệp-xây dựng, thu hút đầu tư, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt ở mức khá cao; an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh…

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 6,76%, trong đó, quý II tăng 7,22%, đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 26 cả nước, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (6,15%). Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 4,13%; khu vực công nghiệp-xây dựng ước tăng 9,95%; khu vực dịch vụ ước tăng 5,85%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 6,77%.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GRDP chưa đạt kịch bản đề ra, khu vực dịch vụ tăng thấp; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp hoạt động trở lại giảm, số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng so cùng kỳ năm 2023.

Cơ cấu thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn chưa thật sự bền vững. Một số nguồn vốn đầu tư công giải ngân còn chậm như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững... đặt ra những áp lực rất lớn trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị 6 tháng cuối năm 2024.

Các đại biểu tập trung xem xét, thông qua 26 dự thảo nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm 2024 và các cơ chế, chính sách liên quan.

Các đại biểu tập trung xem xét, thông qua 26 dự thảo nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm 2024 và các cơ chế, chính sách liên quan.

Tại kỳ họp, các đại biểu sẽ tập trung đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội; dự toán thu, chi ngân sách; thực hiện kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024. Tập trung thảo luận, đánh giá cụ thể, khách quan, toàn diện việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là các chỉ tiêu dự kiến khó đạt trong năm 2024 và ảnh hưởng đến cả nhiệm kỳ như tốc độ tăng trưởng; thu ngân sách Nhà nước; GRDP bình quân đầu người; khả năng duy trì thứ hạng cao về thu hút đầu tư FDI; việc tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện để doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động; tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm…

Các đại biểu tập trung làm rõ những bất cập, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân khách quan, chủ quan và trách nhiệm của các ngành, các cấp; đề xuất bổ sung, điều chỉnh các giải pháp cụ thể, sát với tình hình thực tế để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 đã đề ra.

Tại kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An sẽ xem xét, thông qua 26 dự thảo nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm 2024 và các cơ chế, chính sách liên quan.

Kỳ họp xem xét Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025). Tiến hành chất vấn đối với hai nhóm vấn đề chính là Nội vụ và Công thương cùng các nội dung về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh, đối ngoại...

Kỳ họp lần này, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII sẽ đổi mới cách thức tổ chức theo hướng giảm số lượng, thời gian trình bày các báo cáo; dành nhiều thời gian hơn để thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường, chất vấn và trả lời chất vấn. Chất vấn và trả lời chất vấn sẽ thực hiện theo hướng vừa có lĩnh vực, nhóm vấn đề trọng tâm.

Kỳ họp này sẽ diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 10-11/7.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nghe-an-khai-mac-ky-hop-thu-21-hoi-dong-nhan-dan-tinh-khoa-18-post818310.html