Nghệ An: Khai thác đá trắng đẩy đồng bào dân tộc Thổ sống 'bất an' giữa Thung Mây

ng bảo dân tộc Thổ hiện đang sinh sống dưới chân núi Thung Mây, thuộc xóm Hồng Sơn, xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ, Nghệ An luôn phải sống trong cảnh hoang mang, lo sợ, ăn không ngon ngủ không yên vì nỗi lo nhà nứt tường, đá rơi võ ngói bất cứ lúc nào bởi tiếng nổ mìn, tiếng xay đá đêm ngày trên đỉnh núi.

Ám ảnh nổ mìn giữa “bữa cơm”

Xóm Hồng Sơn, xã Tân Hợp nằm tách biệt với các xóm khác trong xã. Đây vốn là nơi sinh sống của 152 hộ đồng bào dân tộc Thổ. Làng quê nhỏ này luôn phải sống trong nổi sợ hãi, lo lắng, bụi bẩn làm ô nhiễm môi trường bởi tiếng máy xay, tiếng nổ mìn làm nứt nhà dân, đá thải bồi lấp hồ đập, đồng ruộng, làm cho cuộc sống của người dân xóm Hồng Sơn bị ảnh hưởng. Việc khai thác đá trắng trên núi Thung Mây của Công ty TNHH Hoàng Danh đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của làng quê vốn yên bình này.

Mỏ đá vẫn hoạt động bình thường, nhưng không có Giám đốc điều hành, quản lý mỏ?

Qua tìm hiểu, Công ty TNHH Hoàng Danh được Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp giấy phép khai thác đá tại mỏ Thung Mây theo Quyết định số 142, ngày 20/02/2009. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân xóm Hồng Sơn, xã Tân Hợp, kể từ khi mỏ đá Thung Mây đi vào hoạt động đã gây không ít phiền hà, thậm chí bức xúc cho người dân nơi đây.

Bà Nguyễn Thị Bộ - xóm Hồng Sơn cho biết: “Khi Công ty TNHH Hoàng Danh lên đây để chuẩn bị khai thác mỏ đá này người dân chúng tôi đã phản đối nhưng không có tác dụng gì. Từ khi khai thác đá thì hàng chục hộ dân với hàng trăm nhân khẩu thuộc xóm Hồng Sơn này sống khốn khổ với bụi, tiếng ồn do nổ mìn, khai thác đá gây ra. Đá xay suốt ngày bụi mù mịt, ồn lắm, đau đầu lắm, trẻ em ko học hành chi được”.

Nhà bà Bộ cách mỏ đá chừng hơn 150m nhưng trên tường nhà đã xuất hiện nhiều vết nứt lớn kéo dài. Bà Bộ nói thêm: “Bình thường thì không sao, nổ mìn nhiều chúng tôi cũng quen rồi nhưng thỉnh thoảng có những tiếng nổ chát chúa, mặt đất rung chuyển, nhà cửa rung giật như động đất. Có mấy nhà gần mỏ đá đã bị nứt tường, đá văng thủng cả mái ngói. Đến giờ nổ mìn, người lớn, trẻ con chạy túa ra đường, có dám ở trong nhà mô. Chỉ tội cho mấy đứa nhỏ mới sinh giật mình thon thót. Mỗi lần ngói vỡ, chúng tôi phản ánh thì cứ chờ cho chúng tôi đi làm là phía Công ty cho công nhân xuống tự thay ngói. Họ nói “bể ngói đền ngói là được rồi”.

Nhà dân nằm lọt thỏm trong mỏ đá Hoàng Danh

Vết nứt trong nhà ông Lang Văn Lĩnh

Anh Lang Văn Lâm - xóm Hồng Sơn chia sẻ: “Các nhà gần đây nứt nhiều lắm, không nứt sao được khi họ nổ mìn với khối lượng thuốc nổ lớn như thế. Họ nổ 1 lần để phục vụ cho quá trình khai thác và sản xuất khoảng 1 tuần lễ cơ mà. Cứ 12h trưa là nổ, chúng tôi lo lắng vì cuộc sống bị ảnh hưởng do quá trình khai thác của mỏ đá này lắm. Phản ánh lên chính quyền và phía mỏ đá thì họ cũng chỉ xuống kiểm tra qua loa cho có chứ có giải quyết gì đâu”

Nhà ông Lang Văn Lĩnh - xóm Hồng Sơn ngay sát chân núi Thung Mây chỉ cách khu vực khai thác đá khoảng chừng 100m. Trên bức tường phía sau nhà, ngay sát giường ngủ xuất hiện một vết nứt lớn có thể bỏ lọt cả ngón tay. Đứng trong nhà có thể nhìn thấy cả khung cảnh bên ngoài qua vết nứt này. “Hồi tháng 4/2012, khi mỏ nổ mìn phá đá, một hòn đá to cỡ cái ấm rơi đúng mái nhà tôi lúc cả nhà đang ăn cơm, làm hỏng 3 viên ngói, rơi tọt vào trong nhà. Sau đó đại diện Công ty và công an xã đã đến lập biên bản và đưa hòn đá đi, Công ty cũng đã cho người lợp lại 3 viên ngói bị vỡ. Từ đó tới nay không thấy họ có động tĩnh gì nữa” - ông Lĩnh cho biết.

Theo quan sát của chúng tôi, ngoài việc nổ mình gây chấn động, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thì việc Công ty TNHH Hoàng Danh đổ đất, đá thải lấn chiếm cả đất trồng hoa màu, đặc biệt là mùa mưa lũ xuất hiện hiện tượng sạt lở và cuốn trôi đất, đá thải xuống phía dưới, gây ách tắc dòng chảy khiến cho nguồn nước chảy từ khu vực đổ thải mỏ đá này xuống phía dưới bị ô nhiễm, xuất hiện nguồn nước có màu trắng đục của bột đá.

Cũng theo các hộ dân nơi đây, do đất đá thải từ mỏ tích tụ trong mưa lũ nhiều năm nên đập nước gần đó của người dân dùng từ bao đời nay đã bị vùi lấp, ngoài ra Công ty TNHH Hoàng Danh sử dụng dàn xe chở đá quá tải thường xuyên lưu thông trên các tuyến đường làm đường xuống cấp nguy cơ gây tai nạn cao.

Doanh nghiệp coi thường quy trình vận hành khai thác đá?

Tiếp cận mỏ đá Thung Mây, chúng tôi đã trực tiếp ghi nhận những phản ánh của người dân là có cơ sở. Liên hệ làm việc với đơn vị này nhưng những người có trách nhiệm như quản lý mỏ, Giám đốc điều hành không có mặt tại khu mỏ mặc dù tại thời điểm PV tiếp cận mỏ đá (khoảng 15h chiều ngày 21/10) mọi hoạt động của mỏ đá vẫn diễn ra bình thường, tiếng máy xay, tiếng xe xúc, xả thải, xe vận chuyển vẫn tấp nập ra vào náo động cả khu rừng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết: “Phản ánh của người dân về những bất cập phát sinh trong quá trình khai thác, xay nghiền đá tại mỏ Thung Mây của Công ty TNHH Hoàng Danh hầu hết là có cơ sở. Vấn đề nổ mìn gây chấn động nứt nẻ nhà cửa và đá văng trước đây là có. Phía công ty cũng đã có đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Từ đó đến nay thì không thấy có phản ánh mới từ người dân về vấn đề này nữa. Tuy nhiên, ngày 20/10 vừa qua, chúng tôi có nhận được phản ánh từ Chủ tịch UBND xã Giai Xuân là dàn xe chở đá của Công ty TNHH Hoàng Danh quá tải, gây ô nhiễm và bị người dân phản đối; vấn đề này chúng tôi đang chuẩn bị cho kiểm tra xử lý. Còn về bụi bặm phát sinh trong quá trình sản xuất, gây ô nhiễm là có. Chúng tôi sẽ tiếp tục cho kiểm tra tổng thể để có biện pháp xử lý doanh nghiệp".

Xe chở đá của Công ty TNHH Hoàng Danh

Bãi đá thải của Công ty TNHH Hoàng Danh lấn chiếm đất canh tác

Ông Vương Đình Quang - Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Tân Kỳ, cho biết thêm: "Hiện, theo tôi được biết thì phía Công ty có đền bù phần đất phía dưới mỏ cho dân để làm bãi thải của đơn vị. Hơn nữa, đơn vị này có đắp một cái kè phía dưới để ngăn chất thải tràn xuống phía dưới ảnh hưởng đến dân".

Theo phản ánh của người dân thì đất đá thải và bùn thải, nước từ bột đá vẫn tràn xuống phía dưới mỗi khi có mưa. Đồng thời, theo quan sát của PV thì lượng đất đá thải của đơn vị này là rất lớn, đến hàng vạn khối được đổ tràn lan xuống phía ta luy âm của mỏ này, kéo dài đến khoảng gần cây số. Cảnh tượng hết sức ngổn ngang, khu vực xung quanh bao trùm bụi đá, ô nhiễm môi trường đang đe dọa khu vực này.

Được biết, năm 2012 mỏ đá này đã phải đền bù cho người dân 120 triệu đồng do nổ mìn gây nứt nhà cửa. Tuy nhiên, hoạt động khai thác đá của Công ty TNHH Hoàng Danh vẫn tiếp tục khai thác ngày càng lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường xung quanh cũng như cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân, nhất là vào mùa mưa bão. Vấn đề này đã kéo dài từ vài năm nay khiến cho dư luận hết sức bức xúc. Thêm vào đó là công tác quản lý, vận hành khai thác đá không được doanh nghiệp chú trọng nên mỗi lần người dân khiếu kiện thường không tiếp cận được với người có trách nhiệm dẫn đến những bức xúc của người dân như “ném đá ao bèo”.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc và có biện pháp khắc phục, xử lý triệt để các vấn đề nêu trên, trả lại cho đồng bảo dân tộc Thổ cuộc sống an nhiên như vốn có.

Tuyết Mây - Phi Long

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/nghe-an-khai-thac-da-trang-day-dong-bao-dan-toc-tho-song-bat-an-giua-thung-may.html