Nghệ An: Khẩn trương di dời người dân khu vực thủy điện Bản Vẽ đến nơi an toàn

Theo Thông báo khẩn số 604 do UBND tỉnh Nghệ An phát hành lúc 21h ngày 22/7/2025, lưu lượng nước đổ về thượng lưu hồ Thủy điện Bản Vẽ (tỉnh Nghệ An) đạt 9.543 m³/s, gần chạm ngưỡng lưu lượng đỉnh lũ kiểm tra là 10.500 m³/s, tương đương tần suất lũ 0,02%.

Người dân xã Mường Xén di dời tài sản đến nơi an toàn. Ảnh: TTXVN phát

Người dân xã Mường Xén di dời tài sản đến nơi an toàn. Ảnh: TTXVN phát

Ông Lê Văn Lương, Bí thư xã Tương Dương, tỉnh Nghệ An cho biết, sau khi thủy điện Bản Vẽ phải xả lũ khẩn cấp với lưu lượng quá lớn, nước lũ đã dâng rất nhanh. Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân cấp tập chạy lũ trong đêm khuya. Đến sáng nay, hàng trăm nhà dân đang bị ngập sâu, Quốc lộ 7 vẫn bị chia cắt vì ngập lũ.

Trước thực trạng trên, Thủy điện Bản Vẽ đang tiến hành cắt giảm lũ, hiện đã xả xuống hạ du với lưu lượng 1.727m³/s và dự kiến sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, cùng chính quyền các địa phương vùng hạ du của Thủy điện Bản Vẽ khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó; trong đó, nhấn mạnh việc khẩn trương huy động mọi lực lượng, phương tiện để hỗ trợ di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt và báo cáo kịp thời về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, cùng các cơ quan liên quan khi có tình huống, sự cố xảy ra.

Thủy điện Bản Vẽ là công trình thủy điện lớn nhất của tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ, với công suất thiết kế 320 MW. Hồ chứa có diện tích lưu vực rộng hơn 8.700 km², trải dài trên địa bàn các xã Lượng Minh, Hữu Khuông, Nhôn Mai…

Ngoài nhiệm vụ phát điện, Bản Vẽ còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều tiết lũ, cấp nước sinh hoạt, sản xuất, đẩy mặn và bảo đảm an ninh nguồn nước cho vùng hạ lưu sông Cả - đặc biệt trong các đợt mưa lũ lớn.

Trước đó, thông tin từ nhiều người dân và chính quyền địa phương cho biết, tối 22/7, do mưa lớn kéo dài, nước sông Nậm Mộ tiếp tục dâng cao, dòng chảy mạnh, cộng với việc các thủy điện xả lũ nên trung tâm xã Mường Xén (tỉnh Nghệ An) bị ngập nghiêm trọng. Cao điểm, mực nước có nơi dâng cao gần 2m. Mực nước lên quá nhanh khiến người dân bất ngờ, phải vất vả khẩn cấp di dời, chạy lũ và di chuyển đồ đạc, vật dụng trong đêm khuya. Nhiều gia đình không kịp cứu tài sản.

Ông Lô Đình Thụ, Chủ tịch UBND xã Mường Xén, tỉnh Nghệ An cho biết, từ chiều 22/7, nước từ thượng nguồn sông Nậm Mộ bất ngờ đổ về với lưu lượng lớn, khiến nhiều khu vực trung tâm xã bị ngập. Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, do nước dồn về rất nhanh, lòng sông không kịp thoát nên nhiều điểm đã ngập sâu từ 1m đến 1,5m. Trọng điểm khu vực ngập xảy ra ở địa bàn dân cư khối 1, 4 và 5. Khoảng hơn 23 giờ, trời mưa to, nước sông Nậm Mộ dâng cao khiến cho trung tâm xã chìm trong biển nước.

Đến gần 24 giờ ngày 22/7, trời vẫn mưa to, nước sông Nậm Mộ có chiều hướng dâng cao, mực nước trong vùng ngập trung tâm xã Mường Xén càng tăng. Người dân tại khu vực trung tâm xã trắng đêm để chạy lũ và di chuyển đồ đạc. Nhiều hộ bị ngập sâu, nước chảy mạnh làm trôi vật dụng, đồ dùng, máy tính, tủ lạnh, bếp ga, bàn ghế…

Trên suốt chiều dài hàng trăm mét Quốc lộ 7 đoạn chạy qua địa phận trung tâm xã Mường Xén là khung cảnh nước lũ đục ngầu. Nhiều vật dụng, đồ đạc lênh đênh trôi theo dòng chảy. Hàng chục nhà dân nằm ven sông Nậm Mộ có nguy cơ bị sạt lở, sụt trượt trước tác động của dòng chảy rất mạnh của dòng Nậm Mộ.

Theo chính quyền địa phương xã Mường Xén, ngay trong đêm khuya 22/7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn xã đã khẩn trương triển khai lực lượng phối hợp với lực lượng dân quân, các tổ chức đoàn thể hỗ trợ người dân di dời người, chuyển tài sản đến nơi cao, an toàn. Việc thực hiện công việc gặp nhiều khó khăn vì trong điều kiện ban đêm, nước ngập sâu, dòng chảy mạnh và có vùng bị mất điện.

Trong khi đó, tại xã Tương Dương, lúc gần 1 giờ ngày 23/7, cầu treo bắc qua sông Nậm Mộ, nối Quốc lộ 7 sang di tích Đền Vạn - Cửa Rào đã bị nước lũ làm đổ sập cột trụ, hư hỏng nghiêm trọng.

Tại xã Yên Hòa, từ đêm 21 đến ngày 22/7, trên địa bàn xảy ra mưa lớn kéo dài, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống và nhiều công trình hạ tầng của địa phương. Đến tối 22/7, hơn 210 hộ dân ở các bản Xốp Cốc, Tạt, Cành Khỉn và Xốp Khấu bị cô lập hoàn toàn do nước từ các khe suối dâng cao làm ngập sâu các cầu tràn, đập tràn, khiến các tuyến đường liên bản bị chia cắt; trong đó, cầu tràn Xốp Cốc bị ngập sâu hơn 1m, gây chia cắt tuyến đường vào hai bản.

Ông Đậu Đức Truyền, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết, chính quyền địa phương đã triển khai các tổ công tác đến từng bản, đặc biệt là các khu vực thấp trũng, ven khe suối, vừa tổ chức sơ tán dân, vừa trực gác tại các điểm cầu tràn, không để người dân qua lại vùng nguy hiểm....

Tại xã Quế Phong, cầu treo bản Quạnh dài gần 60m nối bản Hiền với bản Quạnh đã bị nước cuốn trôi trong chiều 22/7. Trên địa bàn xã có 4 cầu tràn bị ngập, tuyến Quốc lộ 48D có 3 điểm bị ngập, xã đã cắt cử lực lượng chức năng canh gác cấm phương tiện và người dân qua lại. Có 9 hộ gia đình bản Pún và bản Cu có nguy cơ bị sạt lở đất và lũ quét đã được di dời đến nơi an toàn. Tại đoạn ngã ba Châu Kim đi vào Nậm Giải, nước ngập tràn đường, dòng chảy xiết, mạnh. Chính quyền xã đã chỉ đạo lực lượng chức năng căng dây cấm mọi phương tiện và người dân qua khu vực.

Tại xã Tri Lễ, tối 22/7, lượng nước đổ về sông suối có xu hướng tăng khiến nhiều hộ bị ngập. Tuyến đường từ xã Tri Lễ đi xã Tương Dưng có nhiều điểm bị nứt, nguy cơ đứt gãy đường rất cao. Quốc lộ 16 qua bản Pà Khốm (xã Tri Lễ) cũng có hiện tượng nứt đường. 30 hộ dân bản Tân Thái (xã Tri Lễ) bị cô lập hoàn toàn do đường liên bản bị sạt lở; 10 hộ dân bản Nậm Nhóng cũng bị cô lập do đất sạt lở chặn hai đầu đường.

Tại xã Quỳ Châu, lúc hơn 23 giờ 30 phút ngày 22/7, do mưa lớn kéo dài, nước lũ từ thượng nguồn đổ dồn về nên mực nước sông Hiếu dâng nhanh khiến đoạn Quốc lộ 48 qua địa phận dốc Bù Bài giáp ranh giữa hai xã Quỳ Châu và Châu Tiến bị ngập sâu. Chính quyền địa phương phải cắm biển, bố trí lực lượng cấm các phương tiện qua lại và tiến hành cứu hộ các phương tiện tại khu vực bị ngập.

Tại xã miền núi Nga My, đến sáng 23/7, ngoài một số điểm xảy ra sạt lở, trụt sượt thì 3 bản Na Kho, Na Ngân, Xốp Kho với hàng trăm hộ dân đồng bào Thái vẫn bị cô lập giữa đại ngàn Pù Huống do suối Nậm Ngân dâng cao, chảy mạnh, ngập cầu tràn trên đường độc đạo liên bản....

Chính quyền các xã ảnh bị hưởng mưa lũ, thiên tai cực đoan cho biết, trong mọi hoàn cảnh, địa phương luôn chủ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, lực lượng công an, dân quân, các ban, ngành, đoàn thể để hỗ trợ nhân dân ứng phó với mưa lũ, cứu hộ cứu nạn, tổ chức di dời nhà, đồ đạc đến nơi an toàn; bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát người và phương tiện qua các tràn, khu vực ngập, nước chảy xiết, điểm sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sớm khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông...

Trịnh Duy Hưng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/nghe-an-khan-truong-di-doi-nguoi-dan-khu-vuc-thuy-dien-ban-ve-den-noi-an-toan-20250723115251814.htm