Nghệ An: Khóc, cười cùng hoa

Sắp đến Tết Nguyên đán, nhiều vườn trồng hoa 'thấp thỏm' không yên khi thời tiết ấm lên bất thường. Cả năm chỉ trông vào mỗi vụ hoa Tết, thế nhưng với việc làm nông nghiệp phụ thuộc vào thời tiết, thì 'khóc- cười' cùng hoa là điều không tránh khỏi.

"Đánh cược" với… hoa ly

Hoa ly đã giúp nhiều gia đình ở xã Nghi Long - huyện Nghi Lộc, có cuộc sống ổn định, Thế nhưng, năm nay thời tiết thất thường, gần như không có mùa đông đã ảnh hưởng đến chất lượng hoa cũng như người trồng hoa Tết. Đây là loại hoa được người dân ưa chuộng, nhưng cũng là giống hoa duy nhất người dân không thể tự sản xuất được củ giống mà phải nhập về. Với điều kiện thời tiết thuận lợi, hoa nở đúng dịp Tết, bán được giá sẽ giúp người nông dân thu lãi cao. Chính vì vậy, đa phần người dân ở Nghi Long đã dồn lực vào trồng hoa ly, đặc biệt là trông chờ ở vụ hoa Tết.

Một số vườn đào ở xã Kim Thành đã nở hoa

Một số vườn đào ở xã Kim Thành đã nở hoa

Tuy nhiên, trồng hoa ly cũng tiềm ẩn rủi ro vì sinh trưởng và phát triển của cây chịu ảnh hưởng rất lớn từ thời tiết, người trồng khó kiểm soát thời điểm hoa nở. Để trồng được một sào ly chi phí bỏ ra cũng khá nhiều. Giá mua vào một củ ly vàng hoặc hồng lên tới 16.000 đồng, củ ly đỏ từ 20.000 – 25.000 đồng/củ.

Anh Nguyễn Đình Tuấn (Nghi Long) cho hay: "Riêng tiền giống của 1 sào ly đã lên đến 160-170 triệu đồng. Xuống giống xong, nếu thành công, tỷ lệ cây sống chiếm khoảng 90%, còn 10% là thối, chết, bệnh phải loại bỏ là đã mất cả chục triệu đồng. Rồi phân đạm, thuốc trừ sâu, trừ cỏ tính ra mất 4 triệu cho một vụ, còn chưa tính tiền cọc, tiền bạt che… Nếu thời tiết thuận, ly nở đúng Tết, giá bán cao (khoảng 30.000 đồng/cành) thì có lãi (khoảng 100 triệu đồng/sào). Nhưng chẳng may nắng ấm kéo dài, ly nở sớm, coi như thất bại, không đủ vốn".

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tứ Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Long – chia sẻ: "Như hoa cúc còn bán được vào mùng một, rằm và cúng ông Công, ông Táo, còn hoa ly thì chỉ bán vào dịp Tết. Trồng ly cũng như "đánh cược" với trời, việc chủ động kỹ thuật chăm bón, chọn giống chỉ được 50% còn 50% nữa phụ thuộc vào thời tiết".

Nỗi lo hoa đào nở sớm

Người dân làng đào xã Kim Thành (huyện Yên Thành, có năm thu về cả trăm triệu đồng (mỗi hộ) nếu đào nở đúng dịp giáp Tết. Nhưng năm nay mưa nhiều, ít lạnh, nắng ấm kéo dài nên cây đào sinh trưởng, phát triển kém hơn. Nỗi lo đào nở sớm đang hiện rõ trên khuôn mặt những hộ dân trồng đào.

Gia đình chị Phan Thị Định - xóm Đồng Bản - xã Kim Thành trồng 300 gốc đào ở trong vườn nhà và cả ngoài đồng. Vụ đào Tết năm 2019, gia đình chị thu về 30 triệu đồng từ bán đào. Năm nay, chị mạnh dạnh chuyển 1,5 sào đất màu kém hiệu quả sang trồng đào phai. Song những ngày này, khi thời tiết nắng nóng, chị cũng như "ngồi trên lửa" vì sợ đào nở sớm. Có vườn đã tuốt lá xong, có những vườn chỉ mới tuốt phần gốc, còn phần ngọn vẫn đang "ngóng" thời tiết, nếu nắng thì tuốt lá muộn hơn để ra hoa đúng dịp Tết - chị Định cho biết.

Hiện toàn xã Kim Thành có 25 ha trồng đào, riêng xóm Đồng Bản có 15 ha … trồng đào Tết là thu nhập chính của người dân Kim Thành, nên những ngày này, người trồng đào "nín thở" chờ trời, mong cây đào ra hoa đúng dịp, để bà con có một cái Tết ấm no.

Đào là cây hoa phụ thuộc nhiều vào thời tiết, do đó bên cạnh việc tuốt lá, thì người trồng đào phải canh thời tiết để tìm cách hãm hay thúc đào nở hoa đúng dịp.

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghe-an-khoc-cuoi-cung-hoa-131456.html