Nghệ An: Nhiều huyện nghèo xây chợ tiền tỷ để... bỏ hoang

Tại các huyện nghèo của tỉnh Nghệ An, sự tồn tại của những ngôi chợ tiền tỷ không được sử dụng gây bức xúc với người dân, dư luận, điển hình cho sự lãng phí.

Chuyện tréo ngoe đó đang diễn ra ở nhiều khu chợ tiền tỷ các huyện nghèo của tỉnh Nghệ An. Theo phản ánh của người dân xã Tiền Phong, vào năm 2021 khu chợ Tiền Phong (xã Tiền Phong, huyện Quế Phong) được xây dựng trên diện tích 4.857m2. Tuy nhiên đến nay, toàn bộ khu chợ hoang tàn, nhiều hạng mục xuống cấp. Trong khi đó, các tiểu thương không ngồi trong các ki ốt mà kéo nhau ra mặt đường để ngồi buôn bán.

Chợ Tiền Phong (xã Tiền Phong, huyện Quế Phong) bị bỏ hoang nhiều năm qua khiến nhiều hạng mục xuống cấp

Chợ Tiền Phong (xã Tiền Phong, huyện Quế Phong) bị bỏ hoang nhiều năm qua khiến nhiều hạng mục xuống cấp

Nguyên nhân ngôi chợ này “thất thủ” bởi theo bà con tiểu thương khi xây chợ đã bố trí không hợp lý nên bà con không vào. Chưa kể đến việc các hộ tiểu thương cũng phải tự kéo điện để dùng. Vì thế có một số hộ dân dù vẫn đăng ký chỗ ngồi phía trong chợ, nhưng do không bán được hàng nên họ lại kéo nhau ra trước đường ngồi.

"Chúng tôi không thể vào chợ được, họ xây rất bất hợp lý. Giá thuê lô sạp lại quá cao nên tiểu thương ở đây nhất quyết không vào", bà Nguyễn Thị Nga- tiểu thương chợ Tiền Phong cho biết.

Ông Võ Khánh Toàn - Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cũng thừa nhận, thực tế có việc người dân không ngồi trong chợ bán mà kéo nhau ra trước đường lớn ngồi. Hiện tại do khu vực chợ thấp hơn mặt đường nên mỗi khi trời mưa, nước lại chảy từ trên đường xuống làm ngập cả khu chợ, vì thế không ai muốn vào. Chưa kể do thói quen của người dân khi mua bán chỉ muốn dừng lại bên đường mua xong quay xe đi luôn, nên việc yêu cầu người dân vào kinh doanh buôn bán phía trong gặp khó khăn.

Tệ hơn, chợ Nam Thái (xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, Nghệ An) được triển khai xây dựng từ năm 2013, đây là công trình chợ hạng 3 trên diện tích khoảng 3.000 m2. Công trình gồm hạng mục hệ thống quầy ốt bán hàng 400m2; hệ thống sân nền, hàng rào, mương thoát nước, phòng cháy, chữa cháy và các công trình phụ trợ khác…

Ngày 6/1/2014, UBND xã Nam Thái đã ban hành Quyết định số 18/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả chỉ định thầu. Trong đó, nhà thầu được chỉ định là Công ty CP Xây dựng Hoàng Kim (có trụ sở đóng tại xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương), với giá chỉ định thầu là hơn 3,6 tỷ đồng. Đến ngày 8/4/2014, giữa UBND xã Nam Thái và Công ty CP Xây dựng Hoàng Kim đã ký kết hợp đồng xây dựng số 04/2014/HĐ-XD, công trình dự kiến hoàn thành trong vòng 360 ngày kể từ ngày hợp đồng được ký kết.

Nghệ An xây chợ tiền tỷ để bỏ hoang gây lãng phí rất lớn

Nghệ An xây chợ tiền tỷ để bỏ hoang gây lãng phí rất lớn

Tuy nhiên, sau một thời gian thi công, công trình này đã phải dừng lại vì thiếu vốn. Hiện nay theo quan sát của phóng viên, phần đình chính chợ có 2 dãy ki ốt trước mặt đã được dựng lên. Thế nhưng, xung quanh sân nền thì chưa thực hiện, đang ngổm ngang đất đá cùng cây, cỏ dại. Sau hơn 7 năm, đến nay một số vị trí cũng đã bị xuống cấp, hư hỏng.

Ông Lê Văn Sỹ - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nam Đàn cho biết: “Hạng mục chợ nông thôn Nam Thái tồn tại lâu rồi, nằm trong quy hoạch đất kinh doanh thương mại. Hiện nay, nếu muốn chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác thì cần phải được các cấp có thẩm quyền cho phép, nhưng cũng chưa biết đến khi nào?”.

Chợ Tân Long (xã Tân Long, huyện Tân Kỳ) cũng được xây dựng từ năm 2009. Nguồn vốn được huy động từ ngân sách Nhà nước và nhân dân đóng góp trị giá 1,1 tỷ đồng. Giống như chợ Nam Thái, chợ Tân Long cũng rơi vào tình cảnh "cửa đóng, then cài" suốt một thời gian dài từ nhiều năm nay, cả khu chợ trở thành sân chơi bóng chuyền và bãi thả trâu, bò của người dân trong vùng.

Theo Đề án phát triển hạ tầng thương mại tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025, chợ Tiền Phong sẽ được nâng cấp. Thế nhưng, việc nâng cấp chưa biết khi nào mới thực hiện nên bà con tiểu thương vẫn cứ tràn ra đường để buôn bán

Theo Đề án phát triển hạ tầng thương mại tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025, chợ Tiền Phong sẽ được nâng cấp. Thế nhưng, việc nâng cấp chưa biết khi nào mới thực hiện nên bà con tiểu thương vẫn cứ tràn ra đường để buôn bán

Đối với chợ Tân Long, huyện Tân Kỳ, đây là dự án được xây dựng với mục đích đón đầu cho dự án Nhà máy xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ và phục vụ nhu cầu cho người dân. Tuy nhiên, dự án Nhà máy xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ không về nên chợ sau khi xây dựng lên không có tiểu thương nào hoạt động.

Ông Trần Văn Toàn - Chủ tịch UBND xã Tân Long, huyện Tân Kỳ thừa nhận: Lâu nay chợ Tân Long bỏ hoang là có thật, hiện nay UBND xã Tân Long đang trình với UBND huyện Tân Kỳ để tìm ra giải pháp phát huy hiệu quả chợ. Hiện nay Nhà máy may Minh Anh đang xây dựng gần đây sắp đi vào hoạt động, hy vọng sẽ thu hút được các tiểu thương vào chợ để phục vụ cho nhân dân và nhà máy may.

Ðiều đáng nói là mặc dù tình trạng các chợ được xây dựng xong rồi... bỏ hoang đã diễn ra nhiều năm nay và báo chí cũng đã nhiều lần lên tiếng như các khu chợ ở các huyện như Nam Đàn, Quế Phong, Tân Kỳ, Quỳ Châu, Anh Sơn và thành phố Vinh... nhưng các ngành chức năng của tỉnh cũng như chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp khắc phục hậu quả nhằm đưa các chợ này vào sử dụng, khai thác, đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mua bán của nhân dân. Do không có ai quản lý, trông coi nên ngày càng hư hỏng, xuống cấp, gây lãng phí lớn và gây bức xúc trong nhân dân. Ðáng chú ý, đến nay vẫn chưa thấy sở, ngành, địa phương hay cán bộ nào chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghe-an-nhieu-huyen-ngheo-xay-cho-tien-ty-de-bo-hoang-178461.html