Nghệ An quyết liệt xử lý tình trạng nợ đọng thuế

Tính đến ngày 30-6-2024, nợ đọng thuế của tỉnh Nghệ An là hơn 3.700 tỷ đồng, chiếm 26% tổng dự toán thu ngân sách năm 2024. Thực trạng nợ đọng thuế lớn đã kéo dài hai năm nay, gây ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách của tỉnh và các vấn đề kinh tế-xã hội.

Tâm lý chây ỳ thuế

Vừa qua, Cục Thuế tỉnh Nghệ An thực hiện công khai thông tin 74 người nộp thuế còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước với số tiền hơn 1.700 tỷ đồng do trốn thuế, chây ỳ không nộp tiền thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

Đứng đầu danh sách doanh nghiệp nợ thuế lớn bị cưỡng chế là Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, có trụ sở tại đường Lê Mao, TP Vinh (Nghệ An) với hơn 1.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực buôn bán xuất, nhập khẩu xăng dầu bán lẻ trên toàn quốc, ngoài ra còn mở rộng kinh doanh trong các lĩnh vực bất động sản, sản xuất giấy, bao bì, dịch vụ nhà hàng, khách sạn... ở nhiều địa phương.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này là bà Chu Thị Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty, đã có thông báo tạm hoãn xuất cảnh do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Doanh nghiệp này đang tìm cách tháo gỡ khó khăn để nộp thuế Nhà nước.

 Cán bộ Cục Thuế tỉnh Nghệ An hướng dẫn người dân kê khai thuế.

Cán bộ Cục Thuế tỉnh Nghệ An hướng dẫn người dân kê khai thuế.

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến nợ đọng thuế của Nghệ An cao là do khoản nợ tiền sử dụng đất và nợ thuế bảo vệ môi trường của các đơn vị kinh doanh đầu mối xăng dầu, chiếm 70% tổng số nợ. Các doanh nghiệp có số tiền nợ đọng thuế lớn và kéo dài qua nhiều năm, lên đến hàng trăm tỷ đồng vì kinh doanh thua lỗ; tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh; làm thủ tục phá sản, giải thể.

Còn những đơn vị nợ lớn, mới phát sinh nằm trong thời hạn cho phép và đang bố trí nguồn lực để hoàn thành nghĩa vụ thuế. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Nghệ An có 1.024 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; 204 doanh nghiệp thông báo giải thể.

Ngoài các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, còn một số doanh nghiệp không quá khó khăn, số tiền nợ thuế cũng không phải quá lớn nhưng vẫn có tâm lý chây ỳ, có nhiều “chiêu bài” để kéo dài thời gian nộp thuế. Một cán bộ ngành thuế Nghệ An than thở: Có những công ty, doanh nghiệp, sau nhiều lần gửi giấy thông báo nợ thuế nhưng không thấy phản hồi, cán bộ thuế phải đến tận trụ sở công ty để nhắc nhở, đôn đốc. Biết cán bộ, nhân viên cơ quan thuế gọi điện thoại đến thì không bắt máy.

Có đơn vị lại tìm các lý do như đang chờ xem xét miễn giảm thuế; thay đổi địa chỉ, chưa cập nhật cho cơ quan thuế nên không nhận được thông báo nợ thuế... Chỉ khi số tiền nợ thuế lớn, quá thời hạn cho phép, cơ quan thuế phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế thì doanh nghiệp mới chịu hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Những biện pháp mạnh tay

Với tổng số hơn 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng hiện nay nợ thuế hơn 3.700 tỷ đồng, đây là con số đáng báo động và điều đáng nói là quá trình truy thu gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu của Cục Thuế tỉnh Nghệ An, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiến hành thông báo, nhắc nhở qua điện thoại, tin nhắn 123.803 lượt; ban hành 668.738 lượt thông báo nợ và tiền chậm nộp; ban hành 12.130 lượt quyết định cưỡng chế; thực hiện công khai 10.464 lượt người nộp thuế có số thuế nợ lớn, quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài ra, đơn vị đã tiến hành hàng nghìn lượt cưỡng chế tài khoản doanh nghiệp; cưỡng chế hóa đơn; đề nghị thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh; đề nghị cơ quan công an tạm hoãn xuất cảnh đối với các chủ doanh nghiệp có số tiền nợ đọng thuế lớn công khai trên các trang thông tin điện tử của ngành. Đây được xem là những biện pháp mạnh tay nhằm thu hồi và giảm nợ đọng thuế, góp phần đạt chỉ tiêu thu ngân sách của tỉnh.

Đại diện Cục Thuế tỉnh Nghệ An cũng cho biết, ngành thuế đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong công tác đôn đốc, thu hồi nợ thuế. Đối với ngành tài nguyên và môi trường, ngành thuế phối hợp đôn đốc, thu nợ, cưỡng chế nợ thuế đối với các đơn vị nợ tiền sử dụng đất, nợ tiền thuê đất, nợ thuế khai thác khoáng sản. Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp để nắm thông tin các doanh nghiệp nợ thuế để thu hồi đăng ký kinh doanh khi đã áp dụng hết các biện pháp cưỡng chế nợ thuế; phối hợp với cơ quan công an tạm dừng xuất cảnh đối với người nợ thuế mà không hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định.

Song song với các biện pháp thu hồi nợ thuế, các cơ quan thuế tại Nghệ An cũng tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách về nghĩa vụ nộp thuế, đồng thời thực hiện Nghị định số 12/2023/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân hoạt động bình thường.

Tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, trả lời câu hỏi của cử tri về vấn đề nợ đọng thuế kéo dài, ông Trịnh Thanh Hải, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Nghệ An cho biết: "Công tác thu thuế và thu hồi nợ đọng thuế tiếp tục được ngành triển khai với nhiều giải pháp quyết liệt. Năm 2023, nợ đọng thuế của tỉnh lên đến 5.500 tỷ đồng nhưng năm nay đã giảm được 2.000 tỷ đồng. Nguyên nhân nợ đọng thuế tăng cao trong hai năm gần đây là do cách hạch toán, tổng hợp nợ đọng thuế được cộng thêm nợ từ bất động sản mà thời gian trước được tổng hợp riêng. Giải pháp cho câu chuyện này là tiếp tục áp dụng các biện pháp để truy thu nợ đọng thuế...".

Bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2024 và kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại trong công tác thu hồi nợ thuế, Cục Thuế tỉnh Nghệ An đã có công văn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tăng cường thu hồi nợ đọng thuế.

Theo đó, đơn vị thực hiện rà soát, phân loại nợ thuế, tăng cường các biện pháp đôn đốc thu nợ, nhất là các đơn vị nợ mới phát sinh, đồng thời áp dụng nghiêm các biện pháp cưỡng chế đối với các đơn vị chây ỳ nợ thuế; đăng tải kịp thời, đầy đủ danh sách công khai nợ thuế, các thông báo tạm hoãn, gia hạn tạm hoãn, hủy tạm hoãn xuất cảnh trên trang thông tin điện tử của Cục Thuế tỉnh Nghệ An. Cùng với các giải pháp trên, Cục Thuế tỉnh Nghệ An cũng chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước cho người dân và doanh nghiệp.

Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nghe-an-quyet-liet-xu-ly-tinh-trang-no-dong-thue-787845