Nghệ An: Sắp xếp cán bộ dôi dư như thế nào?

Trong giai đoạn từ năm 2023 - 2025, tỉnh Nghệ An sẽ có một đợt thay đổi lớn về đơn vị hành chính. Theo đó, sẽ làm dôi dư hơn 1.000 cán bộ cấp xã và huyện. Vậy Nghệ An sẽ xử lý, sắp xếp số cán bộ dôi dư này như thế nào để 'vẹn tròn'?

Nghệ An dự kiến dôi dư hơn 1.000 người sau sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: Điền Bắc.

Nghệ An dự kiến dôi dư hơn 1.000 người sau sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: Điền Bắc.

Hơn 1.000 người dôi dư

Thông tin từ Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An cho biết, trong giai đoạn 2023 – 2025, địa phương này có phương án sắp xếp hàng chục đơn vị hành chính, đồng thời điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số. Cụ thể, từ 21 đơn vị hành chính cấp huyện, sau sắp xếp sẽ còn 20 đơn vị hành chính cấp huyện (17 huyện, 1 thành phố thuộc tỉnh và 2 thị xã), giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện là thị xã Cửa Lò.

Sau khi sáp nhập thị xã Cửa Lò vào TP Vinh, số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư là 207 người. Ở cấp xã, sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng dôi dư 799 người.

Ngoài ra, số người hoạt động không chuyên trách cấp xã dự kiến bố trí 541 người, số còn dôi dư sẽ cho nghỉ và giải quyết chế độ theo quy định của Nghị quyết HĐND tỉnh về hỗ trợ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính.

Đây là vấn đề hết sức nan giải, bởi số lượng cán bộ dôi dư rất lớn, việc sắp xếp số cán bộ này theo tỉnh Nghệ An cần phải có lộ trình, thực hiện giảm dần trong thời gian 60 tháng theo quy định.

Đối với cấp xã, Nghệ An sẽ sắp xếp 92 đơn vị hành chính, thành lập 44 đơn vị hành chính (giảm 48 đơn vị) gồm: 43 đơn vị thành lập mới, 1 đơn vị hành chính điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số. Như vậy, sau sắp xếp, tổng số đơn vị hành chính cấp xã sẽ giảm từ 460 xuống còn 412 đơn vị (362 xã, 33 phường, 17 thị trấn). Dự kiến trong tháng 10/2024, trên cơ sở tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thông qua, làm cơ sở pháp lý để tỉnh thực hiện.

Sắp xếp như thế nào?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Hưng - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An cho biết, đối với số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư 207 người sau khi sáp nhập thị xã Cửa Lò vào TP Vinh, tỉnh đã xây dựng phương án và lộ trình giảm. Cụ thể năm 2025 là 44 người, năm 2026 là 39 người, năm 2027 là 42 người, năm 2028 và 2029 là 41 người. Đối với 799 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp, phương án, lộ trình giảm như sau: Năm 2025 là 297 người, năm 2026 là 129 người, năm 2027 là 111 người, năm 2028 là 119 người và năm 2029 là 143 người.

Việc giảm hơn 1.000 cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và cấp xã sẽ giảm theo các hình thức như: Nghỉ hưu đúng độ tuổi; nghỉ hưu theo Nghị định 26/2015/NĐ-CP, Nghị định số 29/2023/NĐ-CP; chuyển việc khác hoặc đơn vị khác khi còn thiếu biên chế.

Ông Hưng cho rằng, việc sắp xếp cán bộ dôi dư là theo lộ trình và phương án được thống kê, phân tích cụ thể trong quá trình xây dựng đề án trên cơ sở đề xuất của các địa phương, đơn vị. “Sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tùy tình hình thực tiễn, hàng năm, trong quá trình triển khai, các địa phương sẽ điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp, nhưng phải đảm bảo giải quyết trong vòng 5 năm theo quy định” - ông Hưng nói.

Cũng liên quan đến vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính, còn nhiều ý kiến về việc thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, người dân bị ảnh hưởng như thay đổi về giấy tờ tùy thân, chính sách đặc thù… Trước những ý kiến này, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An cho biết, theo quy định, các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, công dân, tổ chức trước khi thực hiện sắp xếp theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn vẫn được tiếp tục sử dụng.

“Chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai nghị quyết phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành thực hiện các nhiệm vụ liên quan, trong đó có việc chuyển đổi giấy tờ” - ông Hưng cho biết thêm.

Đối với chính sách đặc thù sau khi sáp nhập xã, ông Hưng cho biết, Nghị quyết 35/2023/UBTVQH 15 về thực hiện chế độ, chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp đã quy định cụ thể. Theo đó, khi sắp xếp cấp huyện mà không làm thay đổi tên gọi, địa giới thì vẫn được áp dụng các chế độ, chính sách đặc thù như trước khi thực hiện sắp xếp. Khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã mà không làm thay đổi phạm vi của xóm, khối thì tại xóm, khối vẫn được áp dụng các chế độ, chính sách đặc thù như trước khi thực hiện sắp xếp.

Còn khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mà làm thay đổi tên gọi, địa giới đơn vị hành chính thì việc áp dụng chế độ, chính sách đặc thù được thực hiện như thời điểm trước khi thực hiện sắp xếp cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền.

Ông Hưng khẳng định: “Trường hợp đơn vị hành chính cấp xã được thay đổi tên gọi, điều chỉnh nguyên trạng vào một đơn vị hành chính cấp huyện thì cán bộ, công chức cấp xã; viên chức, người lao động, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác tại đơn vị hành chính đó tiếp tục được hưởng chế độ, chính sách đặc thù theo khu vực, hoặc theo vùng như trước khi thực hiện sắp xếp cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền”.

Giai đoạn 2023-2025, Nghệ An xây dựng phương án sáp nhập toàn bộ thị xã Cửa Lò và 4 xã của huyện Nghi Lộc vào TP Vinh. Nghệ An từ 21 đơn vị hành chính cấp huyện, sau sắp xếp sẽ còn 20 đơn vị hành chính cấp huyện. Đối với cấp xã, Nghệ An sẽ sắp xếp 92 đơn vị hành chính thành 44 đơn vị hành chính, giảm 48 đơn vị hành chính; từ 460 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 412 đơn vị hành chính cấp xã.

Điền Bắc

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nghe-an-sap-xep-can-bo-doi-du-nhu-the-nao-10286261.html