Nghệ An: Tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5,79%

Ngày 5.7, tại TP Vinh, HĐND tỉnh Nghệ An đã khai mạc Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Khóa XVIII.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình, Nguyễn Như Khôi chủ tọa kỳ họp.

Các đại biểu làm lễ chào cờ. Ảnh: Khắc Ngọc

Các đại biểu làm lễ chào cờ. Ảnh: Khắc Ngọc

Dự kỳ họp về phía tỉnh Nghệ An có: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung; Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Thị Minh Sinh; Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Thị An Chung…

Cùng dự kỳ họp có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Tài chính và Ngân sách Nguyễn Vân Chi; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đặng Xuân Phương; Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu…

Tạo thống nhất cao để HĐND quyết định đúng, trúng

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý nhấn mạnh: Việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp; sức mua thị trường nội địa sụt giảm, sản xuất kinh doanh tăng chậm; thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt gây thiếu nước, thiếu điện cục bộ ở nhiều nơi…

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: Khắc Ngọc

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: Khắc Ngọc

Song, với quyết tâm, quyết liệt triển khai các giải pháp cụ thể, linh hoạt đã mang lại hiệu quả tích cực: tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt cao hơn mức trung bình chung của cả nước; một số ngành, lĩnh vực đạt kết quả tốt, nổi bật là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm. Công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp có chuyển biến tích cực; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội bảo đảm.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực gặp khó khăn; một số sản phẩm công nghiệp chủ lực bị suy giảm mạnh; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm vẫn còn chậm so với yêu cầu. Công tác cải cách hành chính mặc dù đã được chỉ đạo triển khai quyết liệt nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra...

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu kỹ báo cáo, tờ trình, tập trung thảo luận, đánh giá toàn diện về những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan trong khâu tổ chức thực hiện; đề xuất bổ sung, điều chỉnh các giải pháp cụ thể, khả thi để hoàn thành cao nhất mục tiêu năm 2023, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi cho cả nhiệm kỳ.

Để hoàn thành tốt chương trình kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần đổi mới, trách nhiệm, phát huy trí tuệ, nghiên cứu kỹ các nội dung, tích cực thảo luận tại Tổ và Hội trường, tham gia chất vấn, thể hiện chính kiến rõ ràng, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tạo sự thống nhất cao để HĐND quyết định đúng pháp luật, phù hợp tình hình thực tiễn.

Các ĐBQH tham dự phiên khai mạc kỳ họp. Ảnh: Khắc Ngọc

Các ĐBQH tham dự phiên khai mạc kỳ họp. Ảnh: Khắc Ngọc

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng. Cụ thể, HĐND tỉnh sẽ xem xét, cho ý kiến đối với các báo cáo của UBND tỉnh, Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh, một số cơ quan, đơn vị trình tại kỳ họp theo quy định; đồng thời, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; dự toán thu, chi ngân sách; thực hiện kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023… Cùng đó, HĐND tỉnh cũng sẽ xem xét Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cũng sẽ tiến hành chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề, gồm: Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm OCOP trong điều kiện thích ứng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và biến động của thị trường. Công tác phòng, chống bạo lực học đường; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; phòng chống đuối nước trẻ em; công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt… “Đây là hoạt động quan trọng của nghị trường nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm và trí tuệ của các đại biểu để trao đổi, thảo luận các nội dung được cử tri, Nhân dân quan tâm”, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý, tại kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ thảo luận và xem xét thông qua 30 dự thảo nghị quyết, trong đó nhiều nội dung rất quan trọng, tác động trực tiếp, sâu rộng đến đời sống Nhân dân cũng như việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và những năm tiếp theo. Cụ thể, như: Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023; chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các công trình, dự án; một số chính sách hỗ trợ tàu cá khai thác thủy sản vùng khơi; chính sách hỗ trợ cho chủ rừng để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng; chính sách hỗ trợ phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua cảng Cửa Lò; chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp; chế độ hỗ trợ công tác cai nghiện ma túy bắt buộc; cai nghiện ma túy tự nguyện và quản lý sau cai nghiện ma túy; chính sách hỗ trợ đầu tư bể bơi và tổ chức dạy bơi cho trẻ em; quy định một số nội dung chi, mức chi đặc thù cho công tác y tế - dân số; nội dung và mức chi thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” và một số chính sách về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh…

Đối với các nghị quyết trình kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, thảo luận về những nguyên tắc, mục tiêu, chính sách của từng nghị quyết; phân tích, đánh giá toàn diện tác động của chính sách, các nội dung cụ thể quy định trong từng nghị quyết bảo đảm nghị quyết HĐND tỉnh thống nhất, đồng thuận cao khi quyết nghị, tạo thuận lợi, hiệu quả trong tổ chức triển khai thực hiện.

Duy trì mức tăng trưởng và đạt nhiều kết quả tích cực

Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ những tháng cuối năm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An cho biết: 6 tháng đầu năm, cùng với cả nước, Nghệ An đối mặt với rất nhiều khó khăn, bất lợi từ tình hình thế giới, kinh tế toàn cầu. Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, đơn hàng, sức mua giảm; thị trường bất động sản trầm lắng; thời tiết nắng nóng kéo dài, gây thiếu nước; thiếu điện cục bộ,... ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Thanh An báo cáo tình hình kinh tế - xã hội. Ảnh: Khắc Ngọc

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Thanh An báo cáo tình hình kinh tế - xã hội. Ảnh: Khắc Ngọc

Trước thực tế đó, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì mức tăng trưởng và đạt được nhiều kết quả tích cực: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 5,79%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước (dự báo đạt khoảng 4,59%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,26%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,31% (riêng công nghiệp tăng 3,31%); khu vực dịch vụ tăng 7,91%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,24%.

Thu NSNN ước thực hiện 8.489 tỷ đồng, đạt 53,5% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu nội địa 7.858 tỷ đồng, đạt 53,9% dự toán và bằng 82% so với cùng kỳ năm 2022; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 630 tỷ đồng, bằng 50,5% dự toán và bằng 66,5% so với cùng kỳ năm 2022... Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 16.862 tỷ đồng, đạt 50,8% dự toán HĐND tỉnh giao; trong đó chi đầu tư phát triển 5.590 tỷ đồng, đạt 60,6% dự toán; chi thường xuyên: 11.102 tỷ đồng, đạt 47,5% dự toán; chi dự phòng ngân sách địa phương 163 tỷ đồng, đạt 29,8% dự toán.

Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Khắc Ngọc

Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Khắc Ngọc

Thu hút đầu tư tiếp tục đạt kết quả tích cực, tính đến ngày 22.6, có 65 dự án cấp mới và 81 dự án điều chỉnh; tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 22.186 tỷ đồng, trong đó vốn cấp mới là 19.714 tỷ đồng, tăng 1,32 lần so với cùng kỳ. Đặc biệt, Nghệ An vươn lên vị trí thứ 8/63 địa phương về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 725,4 triệu USD.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo và có nhiều khởi sắc. Đặc biệt là việc triển khai kịp thời và hiệu quả Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025… Ước tính 6 tháng đầu năm 2023, giải quyết việc làm cho 26.950 người, đạt 62,67% kế hoạch, bằng 90,18% so với cùng kỳ, trong đó: đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 11.500 người, đạt 79,3% kế hoạch, tăng 73,6% cùng kỳ.

Công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và có những chuyển biến tích cực. Việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án số 06 được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, sâu sát và đạt kết quả rất tích cực… Quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại có nhiều hoạt động nổi bật. Công tác thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, tồn tại. Đó là hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là lĩnh vực công nghiệp, một số loại hình dịch vụ nhà hàng, karaoke...; thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm và thiếu đơn hàng; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt thấp và có xu hướng tăng chậm lại; thu ngân sách nhà nước đạt thấp hơn so với cùng kỳ; tình trạng nợ đọng thuế vẫn còn cao... Công tác mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện; tình trạng thừa, thiếu lao động cục bộ tại các địa phương, nhất là các nhà máy sản xuất trong khu kinh tế và các khu công nghiệp; tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước; bạo lực, xâm hại vẫn còn xảy ra tại một số địa phương...

Chủ tọa điều hành kỳ họp. Ảnh: Khắc Ngọc

Chủ tọa điều hành kỳ họp. Ảnh: Khắc Ngọc

Bên cạnh đó, quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực vẫn còn bất cập, vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác đất, cát, sạn trái phép, khai thác chế biến gây ô nhiễm môi trường tại một số địa phương. Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo còn một số hạn chế như: Một số vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài chưa được xử lý dứt điểm; chất lượng, tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo của một số cơ quan, đơn vị còn thấp; chế độ thông tin, báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số ngành, địa phương thực hiện chậm...

Để hoàn thành kế hoạch cả năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An cho biết: Những tháng cuối năm, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tập trung chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục, triển khai thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện quyết, liệt hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, kế hoạch năm 2023. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia…

Toàn cảnh kỳ họp. Ảnh: Khắc Ngọc

Toàn cảnh kỳ họp. Ảnh: Khắc Ngọc

Đồng thời, UBND tỉnh sẽ tăng cường công tác thu ngân sách, quản lý chi ngân sách bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả; tăng cường công tác thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; phát triển các lĩnh vực văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số; tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; bảo đảm quốc phòng, an ninh; thực hiện hiệu quả các hoạt động đối ngoại; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, góp phần tạo đồng thuận xã hội…

+ Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Nghệ An Khóa XVIII sẽ diễn ra từ ngày 5-7.7.2023.

Diệp Anh- Khắc Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-dong/nghe-an-tang-truong-grdp-6-thang-dau-nam-2023-uoc-dat-5-79--i335002/