Nghệ An tập trung dập dịch sâu róm phá hoại hơn 1.700ha rừng

Toàn tỉnh Nghệ An có trên 1.723,6ha rừng nhiễm sâu, trong đó có 601ha nhiễm nặng, 342,6ha bị sâu gây xơ trụi lá. Địa phương đang tập trung mọi biện pháp xử lý dịch sâu róm hoành hành trên địa bàn.

Nguy cơ dịch sâu róm lan rộng

Khoảng hơn 1 tháng nay, dịch sâu róm xuất hiện, hoành hoành tại các cánh rừng thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Sâu phát triển nhanh, mạnh khiến nhiều khu vực rừng rộng lớn bị sâu cắn phá nặng nề. Sâu róm xâm nhập đã ảnh hưởng đến việc phát triển của rừng và nguy cơ lan rộng ra nhiều diện tích rừng khác.

Theo thống kê, tính đến ngày 24/8/2024, toàn tỉnh có trên khoảng 1.723,6ha rừng nhiễm sâu, trong đó có 601ha nhiễm nặng, 342,6ha bị sâu gây xơ trụi lá (Diện tích xơ trụi lá tập trung chủ yếu tại các huyện Nghi Lộc, Yên Thành). Toàn tỉnh đã tổ chức phun phòng và phun trừ được trên 1.072ha, gồm: Huyện Nghi Lộc 142ha, Yên Thành 300ha, Đô Lương 200ha, Diễn Châu 60ha, Nam Đàn 370ha.

Nhiều khu rừng thông tại các xã ở huyện Nghi Lộc bị nạn sâu róm tàn phá.

Nhiều khu rừng thông tại các xã ở huyện Nghi Lộc bị nạn sâu róm tàn phá.

Tổng diện tích rừng thông ở huyện Nghi Lộc nhiễm sâu là 750ha, trong đó có khoảng 300ha rừng thông của các xã Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Quang, Nghi Xá (huyện Nghi Lộc) bị sâu róm cắn phá nặng nề. Mật độ sâu khoảng 350-400 con/cây thông. Đặc biệt sâu róm ăn trụi lá tại khu vực rừng La Nham, dọc đường D4 thuộc Khoảnh 2, tiểu khu 959 xã Nghi Yên; Khoảnh 1 tiểu khu 960 xã Nghi Tiến,…

Ngoài ra, có khoảng 450ha diện tích rừng bị nhiễm sâu róm mức độ trung bình với mật độ sâu khoảng 150-200 con/cây thông. Tập trung chủ yếu tại rừng Rú Tuần, Tùng Sơn, Cửa Mỏ thuộc khoảnh 1, tiểu khu 959 xã Nghi Yên; vùng Đập nước khoảnh 1, tiểu khu 960B xã Nghi Tiến và một phần Đồi 200 phía Đông giáp biển thuộc khoảnh 1, tiểu khu 960 xã Nghi Quang.

Theo báo cáo của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc, tình hình sinh trưởng, phát triển sâu róm thông trên địa bàn diễn biến cũng rất phức tạp. Thời gian qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc đã phối hợp với cán bộ Viện Khoa học Lâm nghiệp thực hiện biện pháp bẫy đèn bắt sâu trưởng thành thế hệ III/2024 (sử dụng 14 bộ đèn), thực hiện từ ngày 15/8/2024 tại các vùng rừng bị nhiễm nặng gây xơ, trụi tán lá thông tại các xã Nghi Quang, Nghi Xá, Nghi Tiến, Nghi Yên.

Theo kết quả điều tra, các khu vực rừng này đã bị sâu róm non thế hệ III/2024 xâm hại, ăn trụi cành lá.

Theo kết quả điều tra, các khu vực rừng này đã bị sâu róm non thế hệ III/2024 xâm hại, ăn trụi cành lá.

Tổng diện tích rừng thông bị nhiễm sâu ở huyện Yên Thành là 351,0/362,72ha. Hiện tại, sâu thế hệ III/2024 đang ở tuổi 5 - 6. Dự báo cuối tháng 9/2024, sâu róm thông thế hệ IV/2024 sẽ phát sinh và có nguy cơ phát sinh dịch hại trên diện rộng ở các lâm phần rừng thông của Ban quản lý. Thời gian qua, đơn vị đã tập trung nguồn nhân lực để phun phòng, phun trừ 3 đợt trên toàn bộ diện tích rừng thông. Khó khăn hiện nay là thông đang ở cấp tuổi VI – VIII. Chiều cao cây 20 - 25m khiến việc phun thuốc gặp rất nhiều khó khăn, các bình phun thuốc đã chắp vòi cao 2,5 - 3m nhưng có những điểm rừng dốc, cao, thuốc không bay lên ngọn cây được nên hiệu quả phun chỉ đạt 60 - 70%.

Khu rừng thông của xã Nghi Quang (huyện Nghi Lộc) bị sâu róm cắn phá nặng nề.

Khu rừng thông của xã Nghi Quang (huyện Nghi Lộc) bị sâu róm cắn phá nặng nề.

Trước tình hình đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện Yên Thành, Nghi Lộc đề nghị UBND tỉnh, sở NN&PTNT và UBND huyện Yên Thành, Nghi Lộc quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí để Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện thực hiện tốt công tác phòng trừ ngăn chặn dịch sâu róm thông có nguy cơ bùng phát trên diện rộng.

Nỗ lực dập dịch sâu róm

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An, biện pháp phòng trừ hiện nay là sử dụng phương pháp bẫy đèn phối hợp dẫn dụ từ xa bằng ánh sáng màu vàng nhạt cường độ sáng cao, và dẫn dụ gần bằng ánh sáng tím, tia UV có bước sóng (300-380nm) để bẫy và tiêu diệt sâu trưởng thành. Thời gian đặt bẫy đèn 5-7 ngày sau thời điểm xuất hiện nhộng. Đặt bẫy đèn vào lúc 6 - 7 giờ tối và thu sâu róm trưởng thành vào buổi sáng ngày hôm sau.

Hiện, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc đã triển khai phun thuốc phòng trừ sâu VBT.

Hiện, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc đã triển khai phun thuốc phòng trừ sâu VBT.

Ngoài ra, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học như: Bacillus thuringiensis var. kurstaki, Bacillusthuringiensis var. kurstaki 16.000IU + Granulosis virus 108PIB để phòng trừ theo liều lượng khuyến cáo khi đa số sâu ở tuổi 1 -3. Thời gian phun thuốc vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát.

Ngày 26/8, ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cùng các lãnh đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật đã đi kiểm tra công tác phòng, chống sâu bệnh hại cây rừng tại huyện Yên Thành và Nghi Lộc.

Đoàn công tác kiểm tra mô hình bẫy đèn bắt sâu trưởng thành thế hệ III/2024 do Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc phối hợp với cán bộ viện Khoa học Lâm nghiệp thực hiện. Ảnh Phan Quỳnh.

Đoàn công tác kiểm tra mô hình bẫy đèn bắt sâu trưởng thành thế hệ III/2024 do Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc phối hợp với cán bộ viện Khoa học Lâm nghiệp thực hiện. Ảnh Phan Quỳnh.

Để chủ động phòng trừ, ngăn chặn sâu róm thông thế hệ IV/2024 phát dịch trên diện rộng, hạn chế tối đa thiệt hại do sâu gây ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo UBND các huyện có rừng thông tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các chủ rừng tăng cường công tác điều tra, dự tính, dự báo tình hình, diễn biến của sâu, xác định những vùng có mật độ cao để tập trung tổ chức hướng dẫn chủ rừng phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Cùng với đó, chuẩn bị đủ lượng vật tư, máy móc, nhân lực để thực hiện phun phòng, trừ hiệu quả đối với sâu róm thông thế hệ IV theo phương án đã được phê duyệt và theo hướng dẫn của chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh. Kiên quyết không để sâu bùng phát gây thiệt hại nặng trên diện rộng.

Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các hạt Kiểm lâm có rừng thông phối hợp với các trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, UBND các xã hỗ trợ điều tra, phát hiện, khoanh vùng diện tích nhiễm sâu để chỉ đạo công tác phòng trừ sâu róm hại thông thế hệ III, IV/2024 có hiệu quả.

Các thành viên Ban chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh hại rừng tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo thực hiện công tác phòng trừ sâu bệnh hại rừng, nhất là tại những vùng trọng điểm có diện tích rừng thông lớn, nguy cơ bị sâu gây hại cao.

Tỉnh sẽ xem xét có kế hoạch hỗ trợ thêm kinh phí cho các ban quản lý bảo vệ rừng, các chủ rừng thực hiện công tác phòng trừ ngăn chặn dịch sâu róm.

Hà Hằng - Minh Tâm

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nghe-an-tap-trung-dap-dich-sau-rom-pha-hoai-hon-1700ha-rung-204240826151606521.htm