Nghệ An thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã
Để kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) tỉnh Nghệ An phát triển xứng tầm, đòi hỏi Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng như cấp ủy, chính quyền các địa phương phải vào cuộc một cách đồng bộ trong việc thực hiện các giải pháp. Cụ thể, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các HTX, cán bộ, người dân bằng nhiều hình thức khác nhau; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh…
Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Sau 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012, các tổ chức kinh tế hợp tác trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có những chuyển biến tích cực, đi vào thực chất hơn, phát triển cả về số lượng và quy mô, hiệu quả hoạt động từng bước được nâng lên. Đến 30.6.2022, toàn tỉnh có 840 HTX, trong đó có 643 HTX nông nghiệp và 195 HTX phi nông nghiệp, chiếm 3% cả nước, đứng thứ 2 vùng Bắc Trung Bộ.
Khu vực kinh tế tập thể đóng vào GRDP của tỉnh chiếm khoảng 4,62%. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số HTX điển hình tiên tiến, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho người lao động như: HTX sản xuất và dịch vụ Sông Lam (thị xã Cửa Lò); HTX Dịch vụ nông nghiệp Sơn Lâm (huyện Quỳnh Lưu), HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Thọ Thành (huyện Yên Thành), Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn Nghệ An (XanhMark); HTX Pù Mát (Con Cuông), HTX Tinh bột sắn dây (huyện Nam Đàn), HTX Măng tây (huyện Quỳnh Lưu)... Nhiều HTX được củng cố, đổi mới về tổ chức và hoạt động, phần lớn các HTX đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi theo quy định của pháp luật, tiếp tục tăng về số lượng và chất lượng như: HTX Sen Quê Bác, HTX Công nghệ cao Chanh Nam Kim (huyện Nam Đàn), HTX Trà Lân (huyện Con Cuông)…
Giai đoạn 2012 - 2021, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban nhiều cơ chế, chính sách, đề án, kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX như: Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX; thành lập mới HTX, liên hiệp HTX; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng...
Thông qua HTX, các hộ thành viên có điều kiện tham gia và được hỗ trợ của Nhà nước qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; thu nhập của người lao động cũng như của thành viên được cải thiện, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Doanh thu bình quân hàng năm của 1 HTX là hơn 2 tỷ đồng, lãi bình quân hàng năm là 160 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX là 4,5 triệu đồng/tháng.
Mặc dù đạt được những thành tựu nhất định song kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu. Số HTX hoạt động có hiệu quả chưa nhiều; tổ chức kinh tế tập thể, HTX chưa mang lại nhiều lợi ích cho thành viên... Bên cạnh đó, các tổ chức kinh tế hợp tác vẫn còn yếu kém cả về cơ sở vật chất và năng lực quản lý, điều hành; quy mô nhỏ, hoạt động còn thiếu gắn bó, thiếu liên kết với nhau, với các doanh nghiệp để tìm thị trường, bao tiêu sản phẩm…
Đến thời điểm này, tỉnh Nghệ An đã cơ bản hoàn thành việc giải thể các HTX yếu kém kéo dài và toàn bộ các HTX trên địa bàn đã được tổ chức và hoạt động phù hợp với Luật Hợp tác xã năm 2012. Tổng vốn hoạt động của các HTX đạt gần 5.400 tỷ đồng; có 435 HTX hoạt động có hiệu quả, chiếm hơn 52%… Toàn tỉnh có 2.977 tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả; doanh thu bình quân một tổ hợp tác 588 triệu đồng/năm, lãi bình quân một tổ hợp tác 98 triệu đồng/năm; mức thu nhập của một lao động trong tổ hợp tác khoảng 2,8 - 3,5 triệu đồng/tháng. Riêng Liên hiệp HTX, doanh thu bình quân hàng năm 2,9 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân là 200 triệu đồng/năm.
Kịp thời tháo gỡ vướng mắc
Thực tế đó, để tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tỉnh Nghệ An kiến nghị sớm triển khai mô hình thí điểm và nhân rộng một số mô hình HTX kiểu mới; nghiên cứu, đổi mới việc ban hành chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX theo hướng cân đối đủ nguồn lực; sớm nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống Thông tin Quốc gia về đăng ký HTX…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu, phát triển kinh tế tập thể được tỉnh Nghệ An xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, liên tục. Khu vực này trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, tỉnh đánh giá đây là khu vực đóng góp nhiều cho công tác an sinh xã hội vì Nghệ An có diện tích lớn, dân số đông, đa phần đời sống người dân còn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Song, thể chế và nguồn lực của Trung ương bố trí cho khu vực này còn hạn chế.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về tình hình thực hiện Luật Hợp tác xã 2012, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Chu Thị Vinh đánh giá, kinh tế tập thể của tỉnh Nghệ An mặc dù chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế nhưng đã có nhiều điểm sáng. Trong đó, số lượng, quy mô HTX tăng hàng năm; hiệu quả hoạt động được nâng lên; ngành nghề hoạt động đa dạng; nội dung hỗ trợ HTX rất tốt. Các HTX đã ứng dụng tốt công nghệ thông tin, nâng cao năng lực quản lý điều hành, gắn với chuỗi giá trị mang lại hiệu quả cao; các chính sách hỗ trợ của tỉnh bước đầu đã đạt hiệu quả tốt.
Nhấn mạnh thách thức của Nghệ An trong phát triển kinh tế tập thể là không hề nhỏ, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã Chu Thị Vinh cho rằng: Thời gian tới, Nghệ An cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các HTX, cán bộ, người dân bằng nhiều hình thức khác nhau; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh… “Bên cạnh đó, tỉnh cần triển khai hiệu quả Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021- 2025 theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn”, bà Vinh nhấn mạnh.