Nghệ An thực hiện Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội

Nghị quyết số 36/2021/QH15 ngày 13.11.2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An đã góp phần tạo thêm nguồn lực và sự chủ động cho tỉnh trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt, tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, bất cập cần sớm có giải pháp tháo gỡ...

Tạo cơ chế “mở” trong phát triển kinh tế - xã hội

Kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 36 của Đoàn ĐBQH tỉnh cho thấy, Nghị quyết số 36quy định 6 chính sách thuộc 3 lĩnh vực tài chính - ngân sách; quản lý rừng, đất đai; quản lý quy hoạch. Thông qua các cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực tài chính - ngân sách, tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 45% số chi ngân sách địa phương tính theo định mức phân bổ dân số đối với các định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước. Trong năm 2023, nguồn Ngân sách Trung ương phân bổ thêm cho tỉnh Nghệ An theo Nghị quyết số 36 khoảng 1.800 tỷ đồng. Do đặc thù của tỉnh có diện tích rộng lớn, dân số đông, địa hình phần lớn là đồi núi… nên nhu cầu ngân sách chi cho an sinh xã hội và đầu tư phát triển rất lớn.

Nguồn ngân sách tăng thêm từ Nghị quyết số 36 đã tạo điều kiện cho địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chủ động đầu tư thực hiện các dự án quan trọng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là cơ sở hạ tầng khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp tập trung, là cơ sở thu hút các dự án trọng điểm, quy mô lớn, tạo động lực, không gian phát triển mới cho kinh tế của tỉnh.

Đối với chính sách quản lý quy hoạch, Nghị quyết số 36 đã cho phép tỉnh Nghệ An được phân cấp điều chỉnh cục bộ các quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 3 Đồ án quy hoạch xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện, UBND tỉnh đã phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP. Vinh. Theo đoàn giám sát, Nghị quyết số 36 đã tạo ra bước đột phá về cải cách hành chính, bởi thay vì trình các bộ, ngành Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã chủ động điều chỉnh cục bộ các quy hoạch, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục phù hợp với Điều 2 Quyết định số 15/2022/QĐ-TTg ngày 27.5.2022 của Thủ tướng Chính phủ và quy định pháp luật khác liên quan.

Đối với các chính sách quản lý rừng, đất đai, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất đai theo Nghị quyết số 36 đã góp phần thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phù hợp với chủ trương, quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, tăng tính chủ động cho địa phương, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, rút ngắn thời gian, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng so với quy định hiện hành. Đây là giải pháp tạo điều kiện cho chính quyền địa phương chủ động và phản ứng nhanh với những yêu cầu cấp bách về nguồn lực đất đai, tài nguyên rừng, từ đó tạo môi trường thông thoáng cho địa phương để thu hút các dự án đầu tư động lực trên địa bàn.

Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát tại Dự án Khai thác mỏ cát Silic, tại xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai

Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát tại Dự án Khai thác mỏ cát Silic, tại xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai

Nghiên cứu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc

Đoàn giám sát khẳng định, sau gần 2 năm triển khai, Nghị quyết số 36 đã góp phần tạo thêm nguồn lực và sự chủ động cho tỉnh trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt, tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, việc triển khai nghị quyết trong thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Điển hình như: Nghị quyết có thời gian thực hiện trong 5 năm nhưng đến nay chính sách vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước vẫn chưa thực hiện được do chi phí vay quá cao.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị quyết số 36, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho HĐND cấp tỉnh thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50ha; đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000ha. Tuy nhiên các công trình, dự án có hạn mức diện tích loại đất, rừng đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng theo các chính sách quy định của Nghị quyết số 36 trên địa bàn tỉnh không nhiều. Do đó, đối với các diện tích đất trồng lúa khác, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ không phải đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn, diện tích các loại rừng không phải là rừng sản xuất vẫn phải thực hiện theo các quy định của pháp luật về đất đai và lâm nghiệp.

Như vậy, chính sách chưa thực sự đủ mạnh để tạo điều kiện cho tỉnh trong thực hiện phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động trong thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút kêu gọi đầu tư. Chưa kể, Nghị quyết số 36 cho phép Thủ tướng Chính phủ ủy quyền, phân cấp cho HĐND tỉnh thực hiện chuyển mục đích đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha, trong khi đó lại không đề cập đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước 1 vụ. Thực tế, đây là một điểm bất cập, bởi nhiều dự án được thực hiện trên cả phần diện tích đất trồng lúa 2 vụ và 1 vụ đan xen lẫn nhau.

Từ bất cập đó, Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản hướng dẫn cho phép HĐND tỉnh được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa (không chỉ là đất trồng lúa từ 2 vụ trở lên) đối với quy mô dưới 500ha; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng dưới 50ha (không chỉ là đất rừng phòng hộ đầu nguồn). Đối với Chính phủ, kiến nghị nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 10/2022/QĐ-TTg ngày 6.4.2022 của Chính phủ theo hướng chỉ tổ chức lấy ý kiến 1 lần đối với người sử dụng đất bị ảnh hưởng bởi dự án, bao gồm thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đánh giá tác động môi trường; hủy bỏ nội dung tổ chức thẩm định của UBND tỉnh. Điều này sẽ góp phần bảo đảm hiệu quả về mặt cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh trong thu hút đầu tư, triển khai các công trình, dự án.

Mặt khác, để tạo thuận lợi cho địa phương trong thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An kiến nghị Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quyết định số 15/2022/QĐ-TTg ngày 27.5.2022 tại khoản 2 Điều 1 nội dung: “Trong trường hợp có điều chỉnh mục đích sử dụng đất, nếu chỉ tiêu sử dụng đất toàn đô thị của loại đất đó vẫn nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn về quy hoạch xây dựng thì được phép điều chỉnh mà không cần dựa trên nguyên tắc cân đối chỉ tiêu”.

Mỹ Hạnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/nghe-an-thuc-hien-nghi-quyet-so-36-2021-qh15-cua-quoc-hoi-i347687/