Nghệ An: Thương mại điện tử là cơ hội cho sản phẩm OCOP
Sau hơn 2 năm dịch Covid-19, tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử là giải pháp hiệu quả mà tỉnh Nghệ An đang hướng đến nhằm tạo ra một kênh tiêu thụ an toàn, hiệu quả, bền vững, vừa đảm bảo giá cả vừa giúp gây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản trên địa bàn.
100% sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử
Thông tin từ tỉnh Nghệ An, 100% sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên trong năm 2022 được đưa lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Postmart của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tại địa chỉ https://postmart.vn và sàn Vỏ sò của Tổng công ty CP Bưu chính Viettel tại địa chỉ https://voso.vn.
Theo đó, 100% của các hộ sản xuất nông nghiệp lần này được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh, các kỹ năng khác nhằm gia tăng kiến thức bán hàng, thanh toán trực tuyến trên nền tảng số; đẩy mạnh số lượng người truy cập và hoạt động trên sàn TMĐT từ 15-20%.
Cùng với đó, lựa chọn từ 30 - 40 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, xây dựng trở thành sản phẩm mũi nhọn đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, lịch sử, quy trình, môi trường nuôi trồng và các câu chuyện xoay quanh sản phẩm như văn hóa, lịch sử, tính năng sản phẩm... để tổ chức truyền thông lan tỏa.
Các doanh nghiệp bưu chính tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn các kiến thức về TMĐT cho các hộ sản xuất; hỗ trợ kích hoạt tài khoản trên sàn TMĐT và tài khoản thanh toán trực tuyến cho các hộ có nhu cầu. Đồng thời, hỗ trợ khách hàng tìm kiếm thông tin, tham gia trải nghiệm, mua bán các sản phẩm nông nghiệp Nghệ An trên sàn TMĐT.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồ Lâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An, so với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đặc biệt là vùng miền Tây xứ Nghệ thì vẫn chưa thực sự khai thác và phát huy hết hiệu quả.
Mặt khác, tính lan tỏa của sản phẩm OCOP trên thị trường còn hạn chế, chưa đạt được mục tiêu “hành động địa phương, hướng tới toàn cầu”, mà chủ yếu đang mang tính nội tiêu trong thị trường nội huyện, nội tỉnh.
Cũng theo ông Lâm, nguyên nhân là do các địa phương chưa thực sự quan tâm, chú trọng công tác thị trường, còn thiếu điểm để giới thiệu sản phẩm OCOP cũng như tiềm năng, lợi thế của địa phương; chưa đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá các sản phẩm trên cổng thông tin điện tử hoặc các trang web của địa phương.
Để nâng cao hiệu quả cạnh tranh, mở rộng thị trường, các địa phương, doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh phải đa dạng hóa các phương thức truyền thông, quảng bá để mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng tham gia các hoạt động giao thương.
Ký kết với cửa hàng trưng bày và bán các sản phẩm OCOP của địa phương và trên các kênh thương mại truyền thống, TMĐT, các điểm du lịch trong tỉnh. Tổ chức bán hàng qua mạng online, chủ động livestream giới thiệu sản phẩm trực tuyến.
Thích ứng với bán hàng "qua mạng"
Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, máy tính có kết nối Internet, những nông dân, chủ hợp tác xã hay doanh nghiệp ở nông thôn có thể dễ dàng đưa sản phẩm của mình lên sàn TMĐT.
Anh Phạm Kim Tiến - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sen quê Bác chia sẻ, đối với các sản phẩm OCOP của HTX Sen quê Bác, ngoài phục vụ cho người tiêu dùng trong tỉnh, thông qua các trang web và 5 sàn TMĐT, HTX cũng có nhiều đơn hàng từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng… Đặc biệt, 2 năm qua, sản phẩm của HTX được tiêu thụ ổn định ngay cả trong thời điểm dịch bệnh. Các sản phẩm OCOP Sen quê Bác đã có mặt tại thị trường Hàn Quốc thông qua doanh nghiệp phân phối Hàn Quốc.
Cùng là chủ thể có sản phẩm OCOP được tỉnh Nghệ An công nhận 3 sao, chị Đặng Thị Tâm - Giám đốc Công ty Cổ phần An An Agri (An An Agri), xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu cho hay, công ty thành công với dự án sản xuất rau củ quả thảo dược hữu cơ và ứng dụng trong chế biến mì sợi.
Ngay từ khi mới thành lập, ngoài kinh doanh theo hình thức truyền thống, chị Tâm đã đưa sản phẩm lên sàn TMĐT như Shopee, Lazada, trang Facebook và tại các siêu thị lớn nhỏ trên toàn quốc.
“Thị trường chính của chúng tôi là 80% qua sànTMĐT. Tôi nhận thấy, thị trường này rất tiềm năng, nhất là trong thời điểm dịch bệnh đang diễn ra thì thị trường online là phù hợp để sản phẩm tiếp cận tới khách hàng. Qua kênh TMĐT, chúng tôi còn có hướng phát triển sản phẩm để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài”, chị Đặng Thị Tâm cho biết.
Chị Tâm cho hay, trước kia, “Lần đầu tiên bán hàng livestream còn bỡ ngỡ nhưng tôi nhận thấy đây là cách bán hàng tiềm năng bởi nó giúp người bán trực tiếp giải đáp thắc mắc của khách hàng, không bị giới hạn về khoảng cách, nên có thể mở rộng được thị trường".
Tuy nhiên, do bối cảnh dịch bệnh, việc tiếp cận khách hàng là vô cùng khó. Do đó, các hình thức livestream trực tiếp chia sẻ giá trị sản phẩm, đồng thời tiếp cận hàng nghìn khách hàng trên mạng xã hội, hay bán hàng trên sàn TMĐT thực sự rất có ý nghĩa đối với các chủ thể này.
Theo Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Nghệ An, sau gần 4 năm triển khai, Nghệ An đã có 253 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 249 sản phẩm mới và 4 sản phẩm được nâng hạng, đứng thứ 3 cả nước sau Hà Nội và Quảng Ninh.
Trong đó, chiếm số lượng lớn là nhóm ngành nông sản, thực phẩm, đồ uống; hàng thủ công mỹ nghệ... Các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn cũng như được hưởng lợi từ sản phẩm OCOP, góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới của Nghệ An. Việc thúc đẩy thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ trong bối cảnh dịch bệnh, mà đây là kênh mua sắm hiện đại, phù hợp với người tiêu dùng trẻ hiện nay.
TMĐT không chỉ là kênh tiêu thụ hiệu quả mà còn giúp quảng bá sản phẩm của các vùng miền, kéo gần khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng, bỏ qua các khâu trung gian nên cắt giảm được chi phí cho cả người bán lẫn người mua.
Hoàng Trinh