Nghệ An tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, tôn vinh 112 hòa giải viên cơ sở tiêu biểu

Chiều 21/12, tại thành phố Vinh, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở; tôn vinh hòa giải viên cơ sở tiêu biểu tỉnh Nghệ An lần thứ III và tổng kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2023.

Theo Báo cáo tại hội nghị, 10 năm qua, công tác thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp quan tâm chỉ đạo, qua đó, tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, vững chắc cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nền nếp, thống nhất, hiệu quả, góp phần tích cực trong việc đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

 Các đồng chí: Hoàng Thị Thu Trang - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh; Nguyễn Thị Lan - Phó Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thành, thị. Ảnh: K.L

Các đồng chí: Hoàng Thị Thu Trang - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh; Nguyễn Thị Lan - Phó Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thành, thị. Ảnh: K.L

Công tác hòa giải đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết mâu thuẫn, vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp, ổn định tình hình cơ sở.

Quan tâm củng cố, nâng chất lượng tổ hòa giải và hòa giải viên

Đội ngũ quản lý Nhà nước về hòa giải cơ sở luôn được quan tâm, củng cố. Mạng lưới tổ hòa giải thường xuyên được kiện toàn; thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia, quy tụ được lực lượng nòng cốt, có kinh nghiệm trong cộng đồng dân cư; bảo đảm được sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân trong công tác hòa giải ở cơ sở.

 Giám đốc Sở Tư pháp Hoàng Thị Thu Trang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: K.L

Giám đốc Sở Tư pháp Hoàng Thị Thu Trang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: K.L

Triển khai Kế hoạch số 401/KH-UBND của UBND tỉnh Nghệ An về thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp đã lựa chọn 12 đơn vị cấp xã thuộc 4 huyện (Diễn Châu, Hưng Nguyên, Tân Kỳ, Quỳ Châu) là những địa bàn có tỷ lệ hòa giải thành thấp và có nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở để rà soát, đánh giá thực trạng và tiến hành hướng dẫn, kiện toàn tổ hòa giải, hòa giải viên. Qua đó, khích lệ được đội ngũ cán bộ, công chức đã nghỉ hưu tham gia vào các tổ hòa giải

 Tổ hòa giải thôn 2, xã Hoa Sơn (Anh Sơn) họp bàn phương án hòa giải. Ảnh: K.L

Tổ hòa giải thôn 2, xã Hoa Sơn (Anh Sơn) họp bàn phương án hòa giải. Ảnh: K.L

Hiện nay, toàn tỉnh có 3.870 tổ hòa giải, với 26.402 hòa giải viên; 55 câu lạc bộ hòa giải cơ sở, tổ hòa giải kiểu mẫu, tổ hòa giải cộng đồng... Tỷ lệ hòa giải thành hàng năm đạt từ 70-85% trở lên.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác hòa giải, bên cạnh chú trọng công tác biên soạn, phát hành tài liệu phục vụ công tác hòa giải cơ sở, hàng năm, Sở Tư pháp đều tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ hòa giải cơ sở cho đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã.

Riêng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở tổ chức được 100 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho hơn 1.000 người; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến, cập nhật chính sách pháp luật mới cho đội ngũ này cũng được các cấp, ngành, đơn vị quan tâm

Trong vòng 10 năm qua, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức thành công 2 hội thi hòa giải viên giỏi dưới hình thức sân khấu hóa, thu hút 28.000 lượt hòa giải viên và người dân tham gia; tổ chức 3 hội nghị tôn vinh hòa giải viên tiêu biểu toàn tỉnh.

 Tổ hòa giải thôn Đồng Tiến, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp trao đổi về kinh nghiệm hòa giải. Ảnh: Khánh Ly

Tổ hòa giải thôn Đồng Tiến, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp trao đổi về kinh nghiệm hòa giải. Ảnh: Khánh Ly

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong triển khai thực hiện Luật Hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Đội ngũ hòa giải viên kiêm nhiệm nhiều chức danh khác nhau ở cơ sở nên thời gian dành cho công tác hòa giải chưa nhiều, chất lượng hòa giải chưa cao. Tỷ lệ hòa giải thành ở một số địa phương còn thấp. Các vụ việc tranh chấp ngày càng đa dạng, phức tạp trong khi trình độ hòa giải viên còn có những hạn chế nhất định nên hoạt động hòa giải gặp nhiều khó khăn.

Về quản lý Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương một số nơi chưa thực sự quan tâm đúng mức đến tầm quan trọng của công tác hòa giải. Kinh phí phục vụ cho công tác hòa giải ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu; chưa huy động được nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Một số cán bộ chuyên trách xã, phường, thị trấn chưa thực hiện tốt công tác tham mưu cho UBND xã cùng cấp trong công tác hòa giải cơ sở, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự chỉ đạo của cấp trên…

Ứng dụng công nghệ số trong công tác hòa giải và tuyên truyền pháp luật

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hoàng Thị Thu Trang - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp; Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đánh giá cao những kết quả đạt được và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở nói riêng và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung trên địa bàn tỉnh.

 Phần thi tiểu phẩm của đội thi thuộc huyện Kỳ Sơn tại Hội thi Hòa giải viên cơ sở giỏi lần thứ V năm 2023. Ảnh: An Quỳnh

Phần thi tiểu phẩm của đội thi thuộc huyện Kỳ Sơn tại Hội thi Hòa giải viên cơ sở giỏi lần thứ V năm 2023. Ảnh: An Quỳnh

Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị các đại biểu đại diện cho các cơ quan, đơn vị dự hội nghị phát huy ý thức, trách nhiệm, thảo luận, đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm nhân rộng những cách làm hay, mô hình tốt trong công tác hòa giải cơ sở.

Đồng thời, đánh giá đúng thực tế, nghiêm túc, thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm và nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả và chất lượng hoạt động công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác hòa giải ở cơ sở nói riêng để có những biện pháp khắc phục.

 Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: K.L

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: K.L

Hội nghị đã tập trung thảo luận, xác định mục tiêu, nội dung và những giải pháp chủ yếu để công tác hòa giải ở cơ sở và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Nghệ An tiếp tục đi vào chiều sâu và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đó là:

- Nâng cao chất lượng hoạt động, công tác tham mưu của cán bộ tư pháp phường, xã, thị trấn; Thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải, cung cấp tài liệu cho hòa giải viên; kịp thời biểu dương, khen thưởng các hòa giải viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 Thừa ủy quyền, các đồng chí: Hoàng Thị Thu Trang - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp; Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ; Trưởng ban Thi đua khen thưởng tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho 20 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm triển khai Luật Hòa giải cơ sở. Ảnh: KL

Thừa ủy quyền, các đồng chí: Hoàng Thị Thu Trang - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp; Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ; Trưởng ban Thi đua khen thưởng tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho 20 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm triển khai Luật Hòa giải cơ sở. Ảnh: KL

- Tiếp tục động viên và phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác hòa giải. Huy động đội ngũ Luật gia, Luật sư, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, cán bộ đã nghỉ hưu… tham gia hỗ trợ hòa giải viên trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.

- Chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền và lựa chọn nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực và nhu cầu xã hội, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, chất lượng, hiệu quả. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

 20 hòa giải viên cơ sở tiêu biểu tỉnh Nghệ An lần thứ III vinh dự nhận Bằng khen của UBND tỉnh. Ảnh: K.L

20 hòa giải viên cơ sở tiêu biểu tỉnh Nghệ An lần thứ III vinh dự nhận Bằng khen của UBND tỉnh. Ảnh: K.L

Dịp này, 20 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở vinh dự nhận Bằng khen của UBND tỉnh; 112 hòa giải viên cơ sở tiêu biểu trong toàn tỉnh được biểu dương, tôn vinh tại hội nghị (trong đó có 20 hòa giải viên được UBND tỉnh tặng Bằng khen, 92 hòa giải viên được Sở Tư pháp tặng Giấy khen).

Khánh Ly

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nghe-an-tong-ket-10-nam-thi-hanh-luat-hoa-giai-o-co-so-ton-vinh-112-hoa-giai-vien-co-so-tieu-bieu-post281997.html