Nghệ An xử lý 278 cơ sở nhà, đất sử dụng kém hiệu quả

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện ghi nhận 278 cơ sở nhà, đất là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Để tăng cường công tác quản lý và sử dụng tài sản công, địa phương đã lên kế hoạch xử lý những tài sản này.

Cụ thể, đối với 12 cơ sở nhà, đất của các cơ quan, đơn vị trung ương đã có Quyết định chuyển giao về tỉnh Nghệ An quản lý, xử lý: UBND thành phố Vinh, UBND các huyện Quế Phong, Tân Kỳ, Quỳ Châu, Yên Thành, Diễn Châu, Tương Dương, Con Cuông, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc căn cứ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được phê duyệt, đề xuất phương án xử lý các cơ sở nhà, đất này, gửi về Sở Tài chính để thẩm định. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/4/2025.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Xây dựng và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện thẩm định phương án xử lý đề xuất của UBND thành phố Vinh, các huyện để trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt phương án, quyết định xử lý theo đúng quy định. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/5/2025.

Đối với 3 cơ sở nhà, đất của các đơn vị thuộc ngành Nông nghiệp và Môi trường quản lý: Sở Nông nghiệp và Môi trường lập phương án sắp xếp, hoặc đề nghị điều chỉnh phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất này theo các hình thức quy định tại pháp luật về Tài sản công, gửi về Sở Tài chính để thẩm định.

Đối với 190 cơ sở nhà, đất thuộc cấp huyện quản lý đã được phê duyệt phương án sắp xếp nhưng chưa thực hiện phương án sắp xếp hoặc phương án sắp xếp chưa phù hợp nên không thực hiện được phương án: UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được phê duyệt, đề xuất điều chỉnh phương án xử lý các cơ sở nhà, đất này từ các hình thức giữ lại tiếp tục sử dụng; bán tài sản trên đất, chuyển mục đích sử dụng đất sang các hình thức theo đúng quy định; thu hồi, điều chuyển, chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý... gửi về Sở Tài chính để thẩm định.

Trường hợp không phải điều chỉnh phương án sắp xếp thì UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động đề xuất phương án xử lý, trong đó, nêu rõ giải pháp, kiến nghị để thực hiện. Thời gian hoàn thành trước ngày 15/5/2025.

Đối với 73 cơ sở nhà, đất thuộc cấp huyện quản lý chưa được phê duyệt phương án sắp xếp: UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương lập và đề xuất phương án sắp xếp các cơ sở nhà, đất này theo các hình thức quy định tại pháp luật về Tài sản công và pháp luật về Đất đai, gửi về Sở Tài chính để thẩm định. Thời gian hoàn thành trước 15/5/2025.

Tính đến ngày 28/3/2025, thông tin từ Bộ Tài chính về kết quả trên Phần mềm tổng kiểm kê tài sản công cho thấy có thêm 5 địa phương, gồm: Thành phố Hà Nội và các tỉnh Cà Mau, Đắk Lắk, Phú Thọ, Bắc Kạn, đã hoàn thành 100% công tác kiểm kê tài sản công; nâng tổng số các bộ, ngành, địa phương hoàn thành tổng kiểm kê lên con số 43.

Trong đó, TP. Hà Nội có 5.145 đơn vị thuộc đối tượng thực hiện kiểm kê tài sản công đối với 11 nhóm tài sản là: tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; hạ tầng đường bộ; hạ tầng đường sắt đô thị; hạ tầng đường thủy nội địa; hạ tầng cấp nước sạch; hạ tầng thủy lợi; hạ tầng chợ; hạ tầng cụm công nghiệp; hạ tầng khu công nghệ cao; hạ tầng đê điều; hạ tầng văn hóa thể thao.

Tỉnh Cà Mau có 1.151 đơn vị thuộc đối tượng kiểm kê tài sản công đối với 11 nhóm tài sản là: tài sản cố định; hạ tầng đường bộ; hạ tầng đường thủy nội địa; hạ tầng cấp nước sạch; hạ tầng thủy lợi; hạ tầng chợ; hạ tầng khu công nghiệp; hạ tầng khu kinh tế; hạ tầng đê điều; hạ tầng cảng cá; hạ tầng văn hóa thể thao.

Hoàng Bách

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nghe-an-xu-ly-278-co-so-nha-dat-su-dung-kem-hieu-qua.htm