Nghe bài chòi ở Trường Sa

Nghệ thuật bài chòi không xa lạ gì đối với người dân miền Trung nói chung, Khánh Hòa nói riêng, nhưng khi được biểu diễn ở Trường Sa lại trở nên rất lạ và thiêng liêng đối với quân, dân nơi đây.

Những câu hò, điệu hát truyền cảm hứng

Theo chân đoàn công tác, chúng tôi luôn có mặt tại các buổi lưu diễn của đoàn văn nghệ xung kích với 10 gương mặt nghệ sĩ, diễn viên tập hợp từ 2 đơn vị: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh. Ngoài chương trình biểu diễn quen thuộc như những lần trước, đây là lần đầu đoàn đưa nghệ thuật bài chòi ra đảo, tạo sự mới lạ, thu hút đối với cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

Biểu diễn bài chòi tại đảo Trường Sa

Biểu diễn bài chòi tại đảo Trường Sa

Đặc biệt, vở diễn “Về với Trường Sa” bằng nghệ thuật bài chòi đã tạo “sóng” cảm xúc cho những cô gái trong đoàn văn công lần đầu đến với Trường Sa, được gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Sau phút xã giao, họ trao cho nhau những câu hò, điệu hát, khắc họa tình quân dân thắm thiết và hẹn một ngày tái ngộ trên quê hương yêu dấu... Gắn bó với đoàn từng ngày, chúng tôi biết các nghệ sĩ đã nảy ra ý tưởng với vở diễn mới này trong những ngày cuối của chuyến hải trình. Tất cả nhanh chóng hội ý, viết lời, làn điệu, khẩn trương tập luyện chỉ vỏn vẹn trong 1 đêm để ngày hôm sau biểu diễn. Và vở diễn đã được đón nhận nồng nhiệt. Xem buổi diễn trên đảo Trường Sa, Trung sĩ Nguyễn Trường Công Luận - chiến sĩ Tổng đài đảo Trường Sa không giấu được niềm cảm xúc: “Quê tôi ở Quảng Nam nên không lạ với nghệ thuật bài chòi, nhưng lần này được xem biểu diễn bài chòi trên đảo quả thật rất ấn tượng. Bao kỷ niệm của quê hương như ùa về…”.

Biểu diễn tại đảo Sinh Tồn.

Biểu diễn tại đảo Sinh Tồn.

Thiếu tá Lý Viết Cường - Chính trị viên Cụm chiến đấu số 2, đảo Trường Sa chia sẻ: “Đây là loại hình không mới, có nét hao hao như nghệ thuật hát đối của các cụ ngày xưa ở quê tôi nhưng để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Tôi mong sẽ được thưởng thức nhiều vở diễn bài chòi như vậy hơn nữa”.

Đề xuất tiếp tục đưa bài chòi ra đảo

Nghệ sĩ Ưu tú Võ Thị Ái Ly (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) cho biết, từ khi Nhà nước, quân đội có chủ trương đưa các đoàn văn công ra đảo phục vụ cán bộ, chiến sĩ thì các đoàn ra Trường Sa chủ yếu biểu diễn loại hình ca nhạc nhẹ với các giai điệu trẻ trung. Lần này, để tạo sự khác biệt, UBND tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao muốn đưa “món ăn tinh thần" mới lạ tới cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa, đó là nghệ thuật bài chòi. Đoàn đã chọn những vở gốc (vở trình diễn lần đầu) để biểu diễn nhằm tránh làm mòn cảm xúc khán giả. Lúc đầu, các nghệ sĩ, diễn viên nhà hát có chút lo lắng, nhưng qua biểu diễn các tiết mục bài chòi trên đảo, cảm xúc đã vỡ òa. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo đón nhận rất nồng nhiệt.

Biểu diễn tại đảo Đá Tây A.

Biểu diễn tại đảo Đá Tây A.

Theo bà Hoàng Yến - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh - Trưởng đoàn văn nghệ xung kích, lần công tác này, tỉnh cân nhắc và quyết định đưa nghệ thuật bài chòi ra Trường Sa nhằm làm mới loại hình nghệ thuật đối với khán giả. Đồng thời, loại hình này cũng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại nên việc quảng bá rộng rãi đến công chúng, nhất là vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đặc biệt ở Trường Sa là điều rất cần thiết. Trong những ngày lưu diễn, anh chị em trong đoàn đã sáng tác vở diễn mới “Về với Trường Sa” tạo ấn tượng sâu đậm cho quân và dân nơi đây. Sau lần này, đơn vị sẽ tham mưu cho tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục đưa bài chòi tiếp cận ngày càng gần hơn với quân và dân Trường Sa, thông qua những chuyến công tác lưu diễn ở Trường Sa.

VĨNH LẠC

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202306/nghe-bai-choi-o-truong-sa-d6e3b23/