Nghề báo cho tôi sức mạnh, hoàn thiện bản thân hơn

Mới đó cũng đã gần 20 năm tôi gắn bó với Báo Tuyên Quang. Nghề báo đã giúp tôi hoàn thiện hơn mỗi ngày, để mỗi khi nhớ lại những ngày đầu làm báo, tôi lại thấy thêm yêu nghề hơn.

Tác giả trong lần tác nghiệp tại điểm sạt lở tại thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) tháng 9/2024.

Tác giả trong lần tác nghiệp tại điểm sạt lở tại thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) tháng 9/2024.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, theo lời khuyên của người chị gái, Nhà báo Đoàn Thị Ký, tôi dự tuyển vào Báo Tuyên Quang. Dù không đúng với chuyên ngành được đào tạo, song quá trình làm việc đã cho tôi nhiều trải nghiệm và những đam mê. Đây chính là động lực để tôi hoàn thành văn bằng 2 Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (khoa Báo chí) và gắn bó với nghề báo đến nay.

Còn nhớ khi mới bước vào nghề, tôi được Ban Biên tập phân công về phòng Chính trị - Xã hội, ngày đó cố Nhà báo Trọng Hùng - một trong những cây bút "đại thụ" của làng báo tỉnh là Trưởng phòng. “Bác Trọng” - cách cánh phóng viên trẻ chúng tôi thời ấy gọi cách thân mật những người lớn tuổi, cũng như U Hòa, U Sơn, U Chính… và cũng để phân biệt với “Bác Đỗ”- cố Nhà báo Đỗ Hùng.

Không nhiều lời, “bác Trọng” nói với tôi, “Mang báo đọc đi!”. Một 1 tuần sau đó tôi đều đặn sáng, chiều có mặt tại tòa soạn để nghiền tất cả các tin tức, bài báo trên Báo Tuyên Quang ra trong tuần đó và những tập báo lưu. Đọc Báo Tuyên Quang rồi, tôi đọc cả các báo Trung ương, báo bạn gửi lưu chiểu về để học cách họ viết.

Nửa tháng đọc, nghiền ngẫm, chúng tôi còn được những phóng viên dày dạn như: Nhà báo Duy Hùng, Nhà báo Lam Sơn (nay là Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy); cố Nhà báo Thành Công...cho đi theo để chúng tôi học cách tiếp cận vấn đề, khai thác, xử lý thông tin và viết bài. Những tin bài đầu tay đều có phần nhẹ nhàng như hội diễn văn nghệ, tập huấn…Nhà báo Trọng Hùng bảo “Cứ làm từ cái dễ đến cái khó, bọn bay bập vào cái khó không nhằn được là nhụt chí ngay”.

Và cứ thế, chúng tôi được các đồng nghiệp đi trước như nhà báo Ngô Thị Thu Hà - Phó Tổng biên tập, “bác Đỗ”, Nhà báo Hoài Yên - Phó Tổng biên tập; cố Nhà báo Thành Công - nguyên Trưởng phòng Phóng viên…giúp nhen lên niềm đam mê với nghề báo. Tất cả các bậc tiền bối đều nhắc phóng viên chúng tôi rằng: Ngoài những lúc đưa tin hội nghị, gặp nhân vật phải chỉn chu thì nhà báo không nhất thiết phải cổ cồn, áo trắng mà phải lăn lộn, phải hóa thân để khai thác bằng được thông tin cần thiết phục vụ bài viết. Làm được điều này tác phẩm mới đắt giá. Như khi thực hiện phóng sự điều về tình trạng tận diệt giun đất ở vùng nông thôn bản, chúng tôi đã vào vai con buôn thứ thiệt để dễ dàng tiếp cận với người kích bắt giun đất và các lò sấy giun. Hay khi thực hiện phóng sự điều tra tận diệt chim trời, chúng tôi cũng đã phải công phu hóa thân thành người mua chim...

Những chỉ bảo của thế hệ đi trước đã cho tôi những kinh nghiệm quý để làm nghề, nhất là khi thực hiện các phóng sự điều tra.

Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/nghe%C2%A0bao-cho-toi-suc-manh-hoan-thien-ban-than-hon-205158.html