Nghề báo – Nghiệp văn cho những tác phẩm báo chí thăng hoa

Tuy hai con người tưởng chừng đối lập nhau, song kỳ thực, nhà văn - nhà báo lại thực sự là hai thể thống nhất, bổ khuyết cho nhau rất nhiều. Họ trở thành một 'tác giả' đặc biệt và thường trong cả văn thơ lẫn báo chí, họ đều có những tác phẩm thăng hoa.

Có lẽ ít nơi như đất nước Việt Nam, người viết văn luôn song hành với việc đi làm báo và gần như việc “lấy báo nuôi văn” đã trở thành một câu chuyện thường ngày ở huyện đối với những nhà văn đi làm báo và ngược lại, đối với nhà báo viết văn.

Tuy hai con người tưởng chừng đối lập nhau, song kỳ thực, nhà văn - nhà báo lại thực sự là hai thể thống nhất, bổ khuyết cho nhau rất nhiều. Họ trở thành một “tác giả” đặc biệt và thường trong cả văn thơ lẫn báo chí, họ đều có những tác phẩm thăng hoa.

1. Nhà thơ – Nhà báo Lê Minh Quốc: ưu thế của nhà văn khi viết báo là… nhiều chữ

Ðôi lúc tôi nghĩ thế này, có những người đã được nghaề chọn lấy họ, chứ không phải ngược lại. Nói cách khác, có phải thiên phú đấy không? Nếu đúng, nghề ấy, chính là cái nghiệp. Tôi tin là thế. Tính đến nay, tôi đã có hơn 30 năm chỉ kiếm sống, nuôi lấy bản thân bằng một nghề duy nhất: viết báo. Nào có ai dạy cho đâu, chỉ mày mò tập viết, tự học hỏi để từng bước “nâng cao tay nghề”.

Nhà báo Lê Minh Quốc.

Nhà báo Lê Minh Quốc.

Bài học về nghề lớn nhất, quan trọng nhất đối với tôi là một đoạn trong hồi ký của nhà văn Tam Lang - tác giả Tôi kéo xe, mở đầu cho thể loại phóng sự của nước nhà. Cụ kể rằng, lúc mới tập tễnh vào nghề, khi nộp bài, ông chủ bút báo đại khái, cái tin này “hot” quá, phải kéo dài ra nửa trang báo, một trang báo hoặc nhiều kỳ; lại có lúc ông bảo, cái tin này nhạt quá, cắt lại còn đôi dòng là đủ.

Sau này, khi đã lăn lộn trong nghề, tôi mới thấy đây cũng là một trong những khả năng rất cần thiết cho những ai muốn theo nghề. Kế đến, thêm một bài học mà tôi rút ra là chỉ nên viết lĩnh vực mà mình thông thạo, chớ dại đụng cái gì cũng viết dù không am hiểu, thiên hạ cười cho.

Hơn nữa, có thế mình mới tập trung thời gian tìm hiểu cho thấu đáo lĩnh vực mà mình đang đeo đuổi. Tôi nhớ, lúc nhà văn Sơn Nam tâm tình, cà kê bàn chuyện làm báo, theo ông, một bài báo hay, hấp dẫn bạn đọc còn là lúc nhà báo cung cấp trong bài báo được một, hai thông tin mới lạ mà ngay cả người thuộc chuyên ngành giới đó cũng chưa biết đến và lấy làm thú vị vì chưa biết đến.

Theo tôi, ưu thế của nhà văn khi viết báo là họ có nhiều chữ. Khả năng sử dụng vốn từ phong phú, nhờ thế, cùng một vấn đề nhưng giữa nhà văn - nhà báo cùng tường thuật, trình bày thì ta sẽ thấy trong đó đã có sự khác biệt dù cùng chuyển tải một thông tin. Chỉ đáng sợ nhất, nếu xảy ra tình huống, nhà văn viết báo lại bằng… tưởng tượng của văn chương, chữ nghĩa. Mà điều này có xảy ra không?

Tôi nghĩ rằng có đấy. Phải thừa nhận rằng, nghề báo đã hỗ trợ cho nghề văn rất nhiều. Chỉ xin đơn cử một trường hợp tiêu biểu, có tính khái quát, nếu cụ Ngô Tất Tố chỉ “đóng cửa phòng văn hì hục viết”, không làm báo, tham gia viết báo mỗi ngày rượt đuổi theo dòng tin thời sự, chắc chắn cụ sẽ không có kiệt tác Tắt đèn.

Nói cách khác, Tắt đèn chính là vấn đề chính trị - xã hội đã được tái hiện bằng hình thức văn chương. Nhìn rộng ra, nhiều nhà văn, thi sĩ lớn trên thế giới cũng từng là nhà báo đấy thôi.

Trong cuộc đời làm báo, tôi có nhiều kỷ niệm. Nhưng chỉ xin kể lại một sự việc gắn liền với một kỷ niệm: Vào thập niên 1990 trong thị trường chữ nghĩa miền Nam rộ lên những cây nữ. Tên tuổi lạ hoắc, nhưng lại có nhiều tác phẩm dầy cộm và được mọi người tìm đọc!

Với một nhà báo chuyên theo dõi về lãnh vực văn hóa nghệ thuật quả là hiện tượng đáng lưu ý. Tôi tìm đọc thì thấy văn phong trong đó và cốt truyện dường như được viết... trước đó vài chục năm. Thế là tôi bỏ công đi điều tra.

Một người làm sách tư nhân cho biết, các tác giả đó đã lấy truyện in trước 1975, đổi tên nhân vật, sửa đổi một vài chi tiết nhỏ, ký tên mình rồi bán bản thảo cho đầu nậu sách. Biết thì biết như thế nhưng lấy gì để chứng minh sự đạo văn trắng trợn này?

Một trong những việc làm đầu tiên của tôi là phải vào thư viện tìm đọc lại những truyện in đó. Nhưng trước đây thị trường miền Nam đã in cả một rừng tiểu thuyết thì phải chọn đọc như thế nào?

Như thế, đứng trước tình hình này muốn giải quyết vấn đề không chỉ đòi hỏi nhà báo phải có kiến thức nhất định mà còn phải cần sự hỗ trợ của công tác tư liệu. Tư liệu đã sắp xếp từ nhiều năm qua giúp cho tôi hình dung ra “lịch trình tiến hóa” của tiểu thuyết miền Nam và phân loại ra các tác gia nào chuyên viết loại tiểu thuyết có cốt truyện tình ái tay ba, tay tư tương tự như thế?

Thời gian đọc đã giúp tôi phát hiện ra là các “tác giả” đó đã lấy lại truyện của Chu Tử, Nhã Ca... đem in và ký tên mình, cho dù họ khôn khéo cắt xén, bổ sung...

Thời ấy chỉ bằng chiếc xe honda cà tàng, tôi phải về tận Long An, tìm đến nhà in loại sách này để tìm thêm chứng cứ. Ðáng nhớ nhất là tôi đã tình cờ gặp… tác giả. Trời đất, cô ấy chỉ nội trợ, quá nghèo vì muốn có tiền nuôi con nên đã ra tay làm chiêu đó. Cuối cùng, chúng tôi trở nên thân thiết, quen biết.

2. Nhà thơ Vương Tâm: Nhà báo cần một cái đầu lạnh và một trái tim ấm

Tôi đã có tới 40 năm làm nghề kể từ khi làm cán bộ tuyên truyền báo chí ở ngành Khí tượng Thủy văn đến khi chuyển sang làm báo Hà Nội mới. Sau khi về hưu tôi còn làm thêm một số tờ báo với chức năng biên tập và tổ chức nội dung. Khoảng 14 năm qua tôi vẫn tiếp tục cộng tác viết bài đều đặn cho một số tòa soạn báo chí như một phóng viên tự do.

Nhà thơ Vương Tâm.

Nhà thơ Vương Tâm.

Ngoài sáng tác văn thơ, tôi chuyên viết phóng sự, bút ký, ghi chép và chân dung văn nghệ sĩ. Ðến nay tôi đã ra được hơn 40 đầu sách. Trong đó có 10 cuốn gồm ký sự, ký chân dung và những ghi chép. Ðây là những tác phẩm bài viết đã được chọn lọc qua hàng trăm bài đã in trên các tờ báo lớn như: Văn nghệ, Văn nghệ Công an, Cảnh sát toàn cầu, An ninh thế giới…

Nghề báo cũng là cái nghiệp của tôi trên nẻo đường mưu sinh gắn với tình yêu văn chương từ khi còn nhỏ. Giữa cái nghiệp văn chương và nghề làm báo có sự song hành đan xen khá mềm dẻo. Khi sáng tác phải bứt thoát khỏi những hiện thực trần trụi.

Sống hết mình với những cảm xúc và hình tượng thi ca hoặc hình tượng nhân vật mang tính khái quát hay điển hình cho một thời đoạn xã hội. Tư duy hình tượng phải giầu cảm xúc mới đem lại sự đồng điệu của người đọc và dẫn dắt bạn đọc đi tới cùng triết lý sống của mình.

Còn khi viết báo hay tổ chức một trang nội dung báo cần cái đầu “lạnh”, khách quan, chính xác về hiện thực đang xảy ra và sẽ xảy ra.

“Lạnh” để dự báo được câu chuyện sẽ đi tới đâu. “Lạnh” để thẩm định đúng sai và đánh giá bản chất của hiện thực cần phản ánh khi tiếp xúc hay đối thoại chất vấn…

Vậy nên để hòa chung được cái nghiệp văn chương và nghề báo chí đòi hỏi sự tách bạch rõ rệt khi triển khai bài viết. Có thể nói đây là một bản lĩnh của người làm nghề. Biết “nóng-lạnh” đúng lúc và truyền tải thông tin hoặc cảm xúc phải nhịp nhàng mới tạo nên tác phẩm có sức sống và thuyết phục bạn đọc.

Nhiều người nghĩ văn chương và báo chí khó có thể song hành vì tư duy khác nhau. Một là nghệ thuật (tư duy hình tượng đối với thi ca) còn một bên là tư duy logic, mang yếu tố thông tấn khách quan của báo chí.

Ðó là một va chạm và mâu thuẫn trong cuộc đời vừa sáng tác và viết báo của tôi. Nhưng trên thực tế hành nghề. Mới hay sáng tạo văn chương cần tới vốn sống và cảm quan của tác giả với cuộc đời và số phận con người thì nghề báo lại hỗ trợ bên cạnh. Ðó là khi dấn thân vào thực tế để phản ánh cuộc sống trên báo chí tôi đã va chạm với những hiện thực đầy ngổn ngang và phức tạp. Những cảm xúc bất ngờ ập đến. Sự phẫn nộ hay yêu thương bừng dậy.

Ðó là những ứng xử của sáng tạo lấp lánh trong tâm hồn tôi. Vậy nên khi viết báo thái độ công dân của tôi cũng đậm dấu ấn cá tính. Ðó là trục cảm xúc khi đối thoại với hiện thực cần phản ánh. Một thể loại có tính “phối” khá tinh tế giữa văn và báo chí là Bút ký (trong đó biến thể thân thiết có Du ký, Ký sự và Phóng sự xã hội).

Tựa vào hiện thực nhà báo nhà văn có những ghi chép, phân tích khách quan. Thậm chí có cả những thống kê để mô tả chính xác hiện thực đời sống. Nhưng có những góc cạnh đời sống hiện thực lại sống động gây cảm xúc cho tác giả tạo nên điểm nhấn cho bản chất hiện thực được bùng nổ.

Ðó chính là lúc tâm cảm áp sát và chan chứa nỗi niệm cảm thông và chia sẻ của tác giả được bày tỏ. Những ví von liên tưởng hay ẩn dụ xuất hiện làm lấp lánh hiện thực được viết ra và cuốn theo chủ đề đã được xác định. Chiều sâu của chủ đề bật lên tinh thần của tác giả.

Ðó là những bài báo có tư tưởng và cảm xúc chân thành mang yếu tố văn học phủ lên những chi tiết đời sống tạo ra những hình ảnh sống động và có phần lãng mạn hóa hiện thực. Ở đây giữa văn chương và báo chí đã tựa vào nhau để phản ánh đúng bản chất của hiện thực. Sự song hành luôn luôn xuất hiện. Có điều cần phải phân biệt bút pháp khi thể hiện và ngôn ngữ đặc thù của từng thể loại để triển khai bài viết báo chí hay sáng tác. Không thể lẫn lộn.

Tuy nhiên có thể hòa trộn cái khách quan chặt chẽ và thể hiện cảm quan đúng lúc và hình tượng liên tưởng hay ẩn dụ sẽ đem lại chiều sâu cho vấn đề mình đặt ra trong bài báo. Chính đó là hiệu quả của sự hợp tác giữa hai luồng tư duy khác nhau. Cái được còn lại là con chữ. Linh hồn của đời người. Tâm cảm của một thi nhân trao gửi cho người đời cho dù bị ghẻ lạnh, bỏ rơi. Hơn nữa hiện nay văn hóa đọc đã bị bào mòn theo năm tháng.

Kênh truyền thông xã hội tràn lan. Sách báo ít người trẻ cầm trên tay. Sự cao sang của con chữ dày công tìm tòi trở nên lạc lõng. Nhưng thân phận đã trọn kiếp tằm nhả tơ. Cứ âm thầm dệt nên những tấm lụa chữ nghĩa hy vọng sẽ có người đọc nó. Nghiệp chướng đời người khó thể thoát được. Tôi vẫn chọn nghề là vì niềm hy vọng đó...

Trần Hoàng Thiên Kim

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/db-22-nghe-bao-nghiep-van-cho-nhung-tac-pham-bao-chi-thang-hoa-549992/