Nghề bắt lươn ở Yển Vũ
Từ nhiều năm nay, ngoài thu nhập chính từ trồng rau màu thì nghề đặt trúm (ống) lươn cũng đem lại thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân ở thôn Yển Vũ, xã Đức Chính (Cẩm Giàng).
Nhiều người trong làng theo nghề này đến vài chục năm.
Khoảng chục năm trước ở Yển Vũ có đến gần trăm người đi đặt ống lươn. Thanh niên, học sinh trong làng cứ đến dịp nghỉ hè là lại làm ống, theo các bậc đàn anh đi khắp các cánh đồng, bờ ao, kênh, rạch để đặt ống bắt lươn. Sáng ra lái buôn từ TP Hải Dương, Hải Phòng về thu mua nhộn nhịp, có hôm cả thôn bắt được hơn 1 tạ lươn. Có người thu cả nửa triệu đồng sau một đêm đặt ống.
Anh Nguyễn Văn Hữu là một trong những thợ trúm giỏi ở thôn Yển Vũ còn theo nghề này. Anh cho biết nghề đặt ống lươn không cần đầu tư nhiều, chỉ cần một ít ống và chút mồi tự kiếm là có thể đi bắt lươn. Trước đây ống lươn được làm bằng ống nứa nhưng nay thay bằng ống nhựa. Ống dài khoảng 70 cm, đường kính khoảng 5 cm, một đầu được hơ nóng rồi bóp kín chỉ đục 2 lỗ nhỏ để lươn thở khi chui vào, đầu còn lại được đặt hom và cài 1 chiếc que tre vừa để giữ hom, vừa để cắm xuống bùn. Mồi lươn chủ yếu được làm từ giun và trong ống được bôi một loại chất gọi là thuốc nhử.
3 giờ chiều, anh Hữu xách ra 2 bao tải đựng 80 chiếc ống và một túi giun lẫn với đất chuẩn bị đi đặt ống. Khu vực đặt trúm hôm nay cách nhà anh Hữu gần chục km. Đó là một khu ruộng trũng rộng hàng mẫu bỏ hoang cỏ mọc um tùm. Anh Hữu chia sẻ, trước đây anh hay đi đặt ống ở những kênh, rạch, khu đồng ngập nước nhưng giờ những khu đó không còn nhiều lươn do thuốc sâu, thuốc trừ ốc bươu vàng… Mấy năm nay anh thường chọn những khu ruộng trũng bỏ hoang trong huyện. Những thanh niên trẻ khỏe chịu khó đi xa thì thu nhập sẽ khá hơn, có khi họ đi khắp tỉnh, rồi sang tỉnh ngoài…
Đầu ống có hom được anh Hữu cắm xuống dưới, đầu còn lại nổi trên mặt nước để hở 2 lỗ cho lươn thở khi dính bẫy. Sau khoảng 15 phút đặt xong 30 chiếc ống, anh Hữu tiếp tục di chuyển khoảng 3 km đến địa điểm thứ hai thuộc khu đồng thị trấn Cẩm Giàng để đặt nốt 50 chiếc còn lại. Đến gần 6 giờ chiều, anh Hữu hoàn thành việc đặt ống và về nhà.
Đúng 5 giờ sáng hôm sau, anh Hữu đi thu chiến lợi phẩm của mình. Sau khi nhấc mỗi chiếc ống, anh Hữu đổ hết nước để kiểm tra có lươn hay không. Những ống có lươn thì nước trong ống đổ ra sẽ trong và xóc ống sẽ thấy kêu sọc sọc. Sau khoảng một tiếng rưỡi, anh Hữu đã thu hết số ống đặt ở 2 bãi và đến một đoạn đường bê tông rộng gần đó để thu lươn. “Mấy hôm trước tôi đặt khu này thu được 4 kg, nhưng hôm nay chắc không ăn thua. Nghề này phải gặp hôm mưa rào, nước lên thì lươn mới đi kiếm ăn nhiều”, anh Hữu nói. Sau khi đổ hết lươn trong ống ra một chiếc bao, anh Hữu di chuyển đến điểm hẹn. Một lái buôn ở Bắc Ninh đã ngồi chờ từ trước. Hôm nay thất thu nên chỉ được 2 kg lươn, với giá bán 130.000 đồng/kg. Sau khi bán lươn xong, anh Hữu lại đi thẳng ra khu đồng bãi ngoài đê sông Thái Bình để đào giun, chuẩn bị cho buổi đặt ống tiếp theo.
Cứ như thế, những người thợ đặt ống lươn ở thôn Yển Vũ như anh Hữu buổi sáng ra bãi ngoài đê đào giun làm mồi, buổi chiều đi đặt ống và sáng sớm hôm sau họ lại đi thu ống lấy lươn. Mùa đặt ống lươn chủ yếu vào mùa mưa từ tháng 6-9 hằng năm. Công việc không mấy vất vả mà thu nhập lại khá, những người làm nông nghiệp có thể tranh thủ được thời gian rảnh rỗi lúc giao mùa.
Hiện nay, nghề bắt lươn ở Yển Vũ không còn thịnh hành như trước. Cả làng chỉ còn khoảng chục người theo nghề. Thanh niên đi làm công nhân hay làm ăn xa, người già thì không còn đủ sức khỏe đi đặt ống bắt lươn. Hơn nữa, do nông dân sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt ốc bươu vàng nên không còn nhiều lươn để bắt.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/lao-dong---viec-lam/nghe-bat-luon-o-yen-vu-116691