Nghề cả xã hội trọng vọng, tôn vinh

ĐBP - 'Uống nước nhớ nguồn', 'tôn sư trọng đạo'... là truyền thống, đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam bao đời nay. Tư tưởng 'nhất tự vi sư, bán tự vi sư' như sợi chỉ đỏ xuyên xuốt tâm hồn bao thế hệ trẻ, được rèn dũa, quện chặt và thấm nhuần trong mỗi tâm tưởng, ăn sâu vào tận đáy lòng mỗi con người Việt Nam.

Truyền thống tốt đẹp ấy được tiếp nối qua các thế hệ, tỏa sáng trong mọi thời đại, là mạch nguồn bền bỉ nuôi dưỡng tinh thần hiếu học, coi trọng giáo dục của nhân dân ta. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện khát vọng và tầm nhìn lớn lao, sâu sắc về giáo dục. “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Người khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế văn hóa”. Bởi thế người ta mới nói: Nghề giáo thiêng liêng nhất, khó khăn nhất và cũng đáng quý nhất; là biểu tượng cao quý, tượng trưng cho trí tuệ, tài năng của xã hội.

Cách đây 40 năm theo nguyện vọng của các nhà giáo và của toàn dân, theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Công đoàn Giáo dục Việt Nam, ngày 28/9/1982 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra Quyết định số 167-HĐBT, chính thức lấy ngày 20/11 là “Ngày Nhà giáo Việt Nam”. Ngay sau khi Quyết định ra đời, “Ngày Nhà giáo Việt Nam” đầu tiên được tổ chức trọng thể vào ngày 20/11/1982 tại Hội trường Ba Đình (Hà Nội).

Ôn lại truyền thống, mỗi nhà giáo càng thiết tha yêu nghề dạy học và tự hào về vị trí xã hội, sự vinh quang của nghề nghiệp như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo, là người vẻ vang nhất, những thầy giáo tốt là anh hùng vô danh”.

Trong suốt những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Điện Biên đã luôn quan tâm dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục, hiện thực hóa quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” vào thực tiễn địa phương. Trong đó chú trọng quan tâm chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo, nhất là các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa. Quan điểm nhất quán là “thầy không giỏi sao dạy nên được trò giỏi”. Cha ông xưa vẫn nói “danh sư xuất cao đồ”.

Với sự nỗ lực không mệt mỏi của thầy trò ngành giáo dục và đào tạo, Ngành Giáo dục tỉnh nhà đã hoàn thành tốt các lĩnh vực công tác, các chỉ tiêu được giao. Quy mô trường lớp ổn định và phát triển ở các cấp học. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn có cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục tiểu học và THCS, 100% huyện, thị xã, thành phố có trường THPT. Mạng lưới trường lớp về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu được tới trường của trẻ.

Chúng ta đã cơ bản xóa bỏ tình trạng phòng học 3 ca, học nhờ, học tạm. Nhiều trường đã được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, có phòng chức năng, thư viện, phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, phòng học tin học... Ở những địa bàn thuận lợi đã đủ điều kiện để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học, đồ dùng học tập, đồ chơi được tăng cường, đáp ứng cơ bản yêu cầu tổ chức hoạt động giáo dục của các nhà trường theo tinh thần đổi mới giáo dục trong tình hình mới.

Đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo ngày càng nhiều. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Học sinh của chúng ta đạt nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi quốc gia. Những thành tựu đó có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ các thầy cô giáo.

Toàn tỉnh đã có 39 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; nhiều thầy cô được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; Cờ thi đua và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ Giáo dục - Đào tạo cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.

Chặng đường chúng ta đi tới còn dài; khó khăn, gian khổ còn nhiều, ngành giáo dục và đào tạo còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, ở vùng sâu, vùng xa - nơi có nhiều điểm trường, lớp lẻ có ít học sinh, cơ sở vật chất còn chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học. Vẫn còn một số lớp học chưa được kiên cố, hoặc kiên cố chỉ đang ở mức “ba cứng”; thiếu các phòng ở bán trú cho học sinh, nhiều cơ sở giáo dục còn chung khuôn viên, chưa tách được độc lập, dẫn tới khó khăn trong thực hiện các hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa, các môn học ngoài trời. Ngành Giáo dục còn thiếu hơn 2.000 giáo viên theo quy mô dân số, đặc biệt là giáo viên Mầm non, giáo viên các loại hình chuyên biệt, do không có chỉ tiêu biên chế và thiếu nguồn tuyển... Đây là những khó khăn không thể khắc phục trong thời gian ngắn.

Song chúng ta tin rằng, với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự năng động, sáng tạo và nỗ lực không ngừng của hơn 16.000 thầy cô giáo, cán bộ quản lý các đơn vị, ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên sẽ vượt qua mọi khó khăn thử thách, cống hiến như những người anh hùng, để đưa sự nghiệp “trồng người” nơi cực Tây Tổ quốc vững bước đi lên trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Tùng Lĩnh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/giao-duc/201260/nghe-ca-xa-hoi-trong-vong-ton-vinh