Nghe chuyên gia tiết lộ tuyệt chiêu 'thả con săn sắt bắt con cá rô' khi đấu giá
Với mức đấu giá lên tới 2,4 tỷ đồng/m2 tại khu đô thị Thủ Thiêm, nhiều chuyên gia đánh giá đây chỉ là tuyệt chiêu 'thả con săn sắt bắt con cá rô' của doanh nghiệp.
Mức đấu giá phi thực tế
Thời gian gần đây, một doanh nghiệp bất động sản bất ngờ đấu giá thành công lô đất 10.000m2 tại khu đô thị Thủ Thiêm (TP.HCM) với mức giá lên tới 24.500 tỷ đồng. Như vậy, mỗi mét vuông đất tại đây có giá 2,4 tỷ đồng một m2 đất, gấp 8 lần giá khởi điểm. Đây cũng là mức giá đất cao nhất thị trường TP.HCM hiện nay, đồng thời là kỷ lục giá đất Việt Nam.
Theo quy định, sau khi đấu giá đất thành công, doanh nghiệp này sẽ phải đặt cọc 5% giá trị đất đấu giá. Như vậy, số tiền đặt cọc sẽ lên tới hàng trăm triệu đồng. Trong trường hợp không nộp đủ số tiền đấu giá, thì doanh nghiệp sẽ mất trắng tiền cọc.
4 lô đất Thủ Thiêm được đấu giá. (Ảnh: Người lao động)
Doanh nghiệp này chia sẻ, lô đất tại Thủ Thiêm sẽ được dành để phát triển các dự án bất động sản, căn hộ hàng hiệu, với mức giá lên tới hàng trăm triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhận định: Ở góc độ doanh nghiệp, việc chấp nhận mua với mức giá 2,4 tỷ đồng/m2, chắc chắn cũng là bước đi mạo hiểm. Với mức giá đất cao như vậy, doanh nghiệp phải làm căn hộ với giá 500 - 700 triệu đồng/m2, thậm chí 1 tỷ đồng/m2 mới có lợi nhuận.
“Hiện tại, thị trường có phân khúc căn hộ siêu sang, giá bán lên tới hàng trăm triệu đồng cho mỗi mét vuông, thế nhưng chiếm tỷ trọng quá nhỏ. Phân khúc này thường kỳ vọng vào tệp khách hàng quốc tế, nhưng lượng khách quốc tế theo quy định cũng chỉ được mua 30%, nên đầu ra rất khó khăn, nhiều bất hợp lý”, ông Đính chia sẻ.
Phát triển nhà ở siêu sang hay chỉ là chiêu trò
Một số chuyên gia còn đưa ra giả thuyết, liệu đây có phải là chiêu trò của doanh nghiệp bất động sản.
Ông Nguyễn Trung Tuấn, chuyên gia có 20 năm kinh nghiệm trên thị trường bất sản đưa ra quan điểm cá nhân: “Chỉ có điên mới đi đấu giá đất Thủ Thiêm với mức giá 2,4 tỷ đồng/m2”.
Theo ông Tuấn, có trường hợp, sau khi đưa ra mức đấu giá đất rất “khủng”, phi thực tế, doanh nghiệp sẽ sử dụng nó làm bàn đạp “thổi giá” cho các lô đất xung quanh.
“Có trường hợp doanh nghiệp có quỹ đất rất rộng ở xung quanh, thế nhưng họ vẫn tham gia đấu giá và đưa ra mức giá rất cao. Sau khi đấu giá thành công, đương nhiên sẽ có sự cộng hưởng đối với thị trường. Nhờ đó, thị trường có hiện tượng “sốt” cục bộ, giá đất ở các khu vực xung quanh cũng tăng theo và được hưởng ké lợi ích”, ông Tuấn nói.
Có thể sau khi đạt được mục đích, doanh nghiệp sẽ chấp nhận hủy hợp đồng đấu giá, chấp nhận mất vài chục tỷ, thậm chí vài trăm tỷ đồng đã đặt cọc trước đó. Nhưng lợi ích mang lại sẽ cao hơn rất nhiều so với số tiền đặt cọc. Trong giới kinh doanh bất động sản gọi đây là tuyệt chiêu “thả con săn sắt bắt con cá rô”.
“Tôi không rõ mục đích của doanh nghiệp này khi đấu giá 10.000m2 đất tại khu đô thị Thủ Thiêm với mức giá 24.5000 tỷ đồng. Thế nhưng, khi nhìn vào mức giá 2,4 tỷ đồng/m2, tất cả mọi người đều thấy đây là một mức giá phi thực tế”, ông Tuấn nói.
Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Văn Đính nhận xét: Trên thị trường bất động sản hiện nay, những căn hộ giá bình dân gần như đã “mất hút” thì nay có lẽ sẽ không còn. Bởi lẽ, khi xác lập giá đất 2,4 tỷ đồng/m2, đồng nghĩa với mặt bằng giá sẽ tăng đột biến.
Ông Đính dẫn giải: Trước đây, việc tại quận 9 các dự án thiết lập đỉnh giá mới từ 60 - 80 triệu đồng/m2 đã khiến mặt bằng dự án ở TP.HCM cũng tăng giá theo. Kể cả chung cư bình dân trong khu vực này trước đây có giá hơn 20 triệu đồng/m2 cũng bị đẩy lên cao, từ phân khúc bình dân lên phân khúc trung cấp dù chất lượng bình dân.
Không chỉ khu vực quận 9 và TP.HCM mà mức giá trên còn khiến những vùng xung quanh như Bình Dương, Đồng Nai… giá đất cũng được đẩy lên theo. Đơn cử như Bình Dương trước đây giá đất hơn 10 triệu đồng/m2 thì nay đã lên tới 40 triệu đồng/m2.
“Điều đáng nói là việc tăng giá này không đúng với bản chất, tăng theo kiểu nước lên bèo nổi theo”, ông Đính nhấn mạnh.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện 1767 về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường.