Nghệ có tốt đến mấy, 3 nhóm người sau vẫn nên hạn chế nếu không muốn rước họa vào thân

Nghệ chứa curcumin mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, nhưng có 3 nhóm người không nên sử dụng nghệ vì nguy cơ thiếu máu, sỏi thận và chảy máu. Kiểm tra xem bạn có thuộc nhóm này không.

Nghệ là một loại gia vị kiêm dược liệu quen thuộc trong đời sống. Nhờ chứa hoạt chất curcumin, nghệ có khả năng chống viêm, chống oxy hóa và hỗ trợ ngăn ngừa nhiều bệnh lý nguy hiểm như xơ vữa động mạch, rối loạn chuyển hóa hay thậm chí là ung thư.

Nghệ từ lâu đã được biết đến như một loại gia vị kiêm dược liệu quen thuộc trong đời sống.

Nghệ từ lâu đã được biết đến như một loại gia vị kiêm dược liệu quen thuộc trong đời sống.

Tuy nhiên, dù có nhiều lợi ích như vậy, không phải ai cũng phù hợp sử dụng nghệ. Với một số nhóm người, việc ăn nghệ thường xuyên có thể gây ra những tác hại không ngờ. Dưới đây là ba trường hợp tiêu biểu cần đặc biệt thận trọng.

1. Người bị thiếu máu, thiếu sắt

Curcumin, hoạt chất chính trong nghệ, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng hấp thu sắt của cơ thể. Khi đi vào ruột, curcumin dễ kết hợp với sắt, tạo thành phức hợp khó hấp thụ, khiến lượng sắt được đưa vào máu giảm sút.

Không dừng lại ở đó, curcumin còn có tác dụng làm giảm nồng độ ferritin, vốn là protein dự trữ sắt trong cơ thể. Chính vì vậy, đối với những người đang bị thiếu máu hoặc thiếu sắt, việc tiêu thụ nghệ có thể khiến tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng.

Những người đang bị thiếu máu hoặc thiếu sắt, việc tiêu thụ nghệ có thể khiến tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng.

Những người đang bị thiếu máu hoặc thiếu sắt, việc tiêu thụ nghệ có thể khiến tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng.

Đặc biệt, những người ăn chay trường hoặc có chế độ ăn uống ít thực phẩm giàu sắt càng cần hạn chế sử dụng nghệ để tránh làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu hụt vi chất này.

2. Người có nguy cơ bị sỏi thận

Ngoài curcumin, nghệ còn chứa oxalat là một hợp chất dễ kết hợp với canxi trong nước tiểu để tạo thành tinh thể sỏi canxi oxalat. Đây chính là loại sỏi phổ biến nhất gây bệnh sỏi thận hiện nay.

Khi ăn nhiều nghệ, đặc biệt là nghệ tươi hoặc bột nghệ, lượng oxalat đưa vào cơ thể tăng lên đáng kể, từ đó làm gia tăng nguy cơ hình thành sỏi. Những người có tiền sử sỏi thận hoặc thuộc nhóm dễ bị sỏi thận do di truyền, chế độ ăn uống hoặc thói quen sinh hoạt nên hết sức thận trọng.

Trong trường hợp vẫn muốn sử dụng nghệ để tận dụng lợi ích của nó, có thể cân nhắc kết hợp với các nguồn canxi như sữa. Canxi trong thực phẩm sẽ liên kết với oxalat ngay từ ruột, giúp giảm lượng oxalat đến thận và hạn chế nguy cơ tạo sỏi.

3. Người có nguy cơ chảy máu cao

Curcumin có đặc tính ức chế kết tập tiểu cầu và làm chậm quá trình đông máu. Khi tiêu thụ với lượng lớn hoặc thường xuyên, hoạt chất này có thể khiến những người có nguy cơ chảy máu trở nên nhạy cảm hơn, dễ xuất huyết dù chỉ với những va chạm nhỏ.

Đặc biệt, các đối tượng như người từng bị xuất huyết tiêu hóa, chảy máu dạ dày, xuất huyết não hoặc những người đang sử dụng thuốc chống đông máu cần đặc biệt lưu ý.

Ngoài ra, phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mãn kinh có dấu hiệu cường kinh, băng kinh cũng được khuyến cáo nên hạn chế sử dụng nghệ, bởi curcumin có thể khiến tình trạng chảy máu kéo dài và nặng hơn.

Nghệ tốt, nhưng đừng quên sử dụng một cách thông minh

Không thể phủ nhận những lợi ích sức khỏe mà nghệ mang lại, từ việc hỗ trợ chống viêm, cải thiện chức năng tiêu hóa đến phòng ngừa các bệnh mạn tính.

Nghệ tốt nhưng nên sử dụng một cách thông minh.

Nghệ tốt nhưng nên sử dụng một cách thông minh.

Tuy nhiên, "thuốc bổ cũng có thể thành thuốc độc" nếu sử dụng không đúng cách hoặc không phù hợp với cơ địa. Đối với những người nằm trong ba nhóm đối tượng kể trên, việc ăn nghệ cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Tốt nhất, nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi bổ sung nghệ vào chế độ ăn hằng ngày để vừa tận dụng được lợi ích, vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe lâu dài.

Quỳnh Hoa

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/song-khoe/nghe-co-tot-den-may-3-nhom-nguoi-sau-van-nen-han-che-202505071813374518.html