Nghe cuộc gọi của 'cục trưởng', bị chiếm đoạt hơn 14,5 tỷ đồng

Sau khi nghe cuộc gọi và nói chuyện qua 'video call' với đối tượng tự xưng là 'cục trưởng', ông L. đã chuyển hơn 14,5 tỷ đồng số tiền tích góp cả đời đến số tài khoản do đối tượng cung cấp và bị chiếm đoạt.

Mạo danh lãnh đạo đơn vị trực thuộc Bộ Công an

Ngày 20-4, Công an TPHCM đang điều tra vụ nghe cuộc gọi của đối tượng tự xưng là "cục trưởng", nạn nhân bị lừa chiếm đoạt hơn 14,5 tỷ đồng. Kết quả điều tra ban đầu, sáng 17-4-2023, ông Đ.T.L (SN 1952, ngụ TPHCM) ở nhà thì nhận cuộc gọi nên bắt máy. Đầu dây bên kia nói đúng tên ông L. cùng địa chỉ và tự xưng là "cán bộ công an", cho biết có người khác sử dụng tên ông L. để lừa đảo, đã có lệnh bắt giam ông. Hoảng hốt vì bất ngờ nhận được tin xấu, ông L. bán tín bán nghi, nói rằng mình không liên quan đến việc lừa đảo thì đối tượng gọi qua "video call", gửi kèm hình ảnh và lệnh bắt giữ ông L. Sau đó, đối tượng vờ nói rằng sẽ nối máy cho ông L. nói chuyện với lãnh đạo Bộ Công an.

Tiếp đó, ông L. nhận cuộc gọi từ đầu số 03425..., có một giọng nói khác tự xưng là "Thiếu tướng công tác ở cục cục thuộc Bộ Công an". Đối tượng này dọa rằng ông L. liên quan đến một vụ án kinh tế, cần xác minh tài khoản mà ông L. đang mở ở Ngân hàng Vietcombank; đồng thời, ông L. phải kê khai tài sản để phục vụ việc điều tra, nếu bị oan thì sẽ được công an giải oan. Điều đáng nói, đối tượng xưng là "cục trưởng" bảo rằng ông L. chỉ được nghe điện thoại của mình và không được kể lại với người thân trong gia đình. Sau đó, đối tượng này gọi qua "video call", hướng dẫn ông L. đến Ngân hàng Vietcombank để chuyển tiền vào số tài khoản mà "cán bộ công an" trên cung cấp.

Tưởng những điều 2 đối tượng trên thông tin là sự thật, ông L. rất lo lắng, vội đến ngân hàng tiến hành chuyển tiền từ sổ tiết kiệm sang tài khoản ông mở tại ngân hàng này, rồi chuyển qua tài khoản do các đối tượng cung cấp, với số tiền là 6 tỷ đồng. Sau khi chuyển tiền xong, đối tượng xưng là "cục trưởng" gọi điện cho ông L., yêu cầu ông phải đi mua điện thoại, sim mới và đăng ký với ngân hàng. Còn đối tượng xưng là "cán bộ công an" cũng gọi điện, hướng dẫn ông L. cài app có tên "Cổng thông tin điện tử Bộ Công an" (đây là app giả mạo), yêu cầu ông khai báo họ tên, số CMND, số tài khoản ngân hàng, tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP... để giúp công an kiểm tra số tiền. Nạn nhân đã làm theo hướng dẫn của các đối tượng.

Ngày 18-4, ông L. tiếp tục nhận cuộc gọi của đối tượng xưng là "cục trưởng", yêu cầu chuyển tiền để kiểm tra. Ông L. tiếp tục chuyển thêm hơn 8,5 tỷ đồng vào tài khoản do đối tượng xưng là "cán bộ công an" cung cấp. Sau đó, chờ mãi không thấy đối tượng xưng là "cục trưởng" gọi điện lại, ông L. nghi ngờ nên hỏi người thân. Lúc này, người thân biết ông đã sập bẫy của các đối tượng lừa đảo nên cùng đến ngân hàng để kiểm tra. Ngân hàng cho biết, số tiền hơn 14,5 tỷ đồng trong tài khoản ông L. đã được chuyển tới 4 tài khoản ngân hàng khác nhau. Ông L. đành tới cơ quan công an trình báo vụ việc.

Nhiều người dễ dàng sập bẫy lừa đảo

Công an TPHCM cho biết, thời gian qua, có rất nhiều nạn nhân bị lừa đảo với thủ đoạn tương tự như vụ ông L. Dù thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại không mới, song vẫn có không ít người mắc bẫy, dễ dàng chuyển tài sản tích cóp cả đời cho các đối tượng tội phạm, sau khi nhận cuộc gọi và làm theo hướng dẫn của các đối tượng này.

Cụ thể, các đối tượng lừa đảo trong nước và nước ngoài lấy trộm thông tin cá nhân của công dân rồi lập nhiều tổng đài số để giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, gọi đến các nạn nhân, dọa rằng họ liên quan đến các vụ vi phạm pháp luật và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của cơ quan công an (thực chất là tài khoản của các đối tượng tội phạm) để xác minh. Nếu nạn nhân chậm chuyển tiền thì các đối tượng sẽ gửi những lệnh bắt giữ giả, khiến nạn nhân lo sợ, chuyển tiền ngay. Sau khi nạn nhân chuyển tiền đến tài khoản của các đối tượng, số tiền này sẽ được chuyển ngay sang nhiều tài ngân hàng khác nhau rồi chuyển ra nước ngoài, gây khó khăn trong việc điều tra, truy bắt thủ phạm.

Công an TPHCM cho biết, với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, người dân hiện nay có thể thực hiện mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử bằng hình thức online. Khi đăng ký tài khoản ngân hàng, ví điện tử online, sẽ có một bước gọi là KYC (định danh cá nhân) để kích hoạt tài khoản. Phần mềm thực hiện định danh cá nhân bằng cách quét khuôn mặt của người dùng, yêu cầu người dùng nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải, ngước lên, cúi xuống...

Lợi dụng thủ tục KYC trên, các đối tượng giả danh cán bộ cơ quan chức năng (công an, cơ quan thuế...) hoặc người thân, quen của nạn nhân (đối tượng sử dụng công nghệ Deepfake để giả dạng hình ảnh và giọng nói) thực hiện "video call" với nạn nhân để tạo sự tin tưởng. Trong lúc "video call", bằng nhiều thủ đoạn, các đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải... Cạnh đó, đối tượng sẽ quay video và dùng video này để mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử đứng tên nạn nhân. Tài khoản ngân hàng, ví điện tử đó có thể được sử dụng vào mục đích lừa đảo hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác. Nạn nhân khó có thể chứng minh sự vô can của mình, do đã thực hiện KYC.

Công an TPHCM khuyến cáo, người dân cần cảnh giác trước các cuộc gọi "video call" yêu cầu thực hiện các hành động lạ như nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải, ngước lên, cúi xuống... Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số CMND, CCCD, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa rõ nhân thân, lai lịch. Cơ quan Công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra đều làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo gửi đến chính quyền, cá nhân, tổ chức đó; tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội. Khi phát hiện các hành vi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần nhanh chóng trình báo cơ quan Công an gần nhất để xử lý kịp thời.

DUY NGỌC

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/canh-giac/nghe-cuoc-goi-cua-cuc-truong-bi-chiem-doat-hon-145-ty-dong_146223.html