Nghề đan gùi truyền thống của người M'Nông

Nghề đan gùi là truyền thống lâu đời của người M'Nông, một dân tộc thiểu số sống chủ yếu ở vùng Tây Nguyên Việt Nam. Gùi không chỉ là vật dụng hàng ngày mà còn mang giá trị văn hóa, tinh thần sâu sắc. Nghề đan gùi không chỉ đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn mà còn là sự kết hợp hài hòa giữa kinh nghiệm truyền thống và sự sáng tạo. Mỗi chiếc gùi là một tác phẩm nghệ thuật, thể hiện sự tinh tế và tâm huyết của người M'Nông.

Từ xa xưa, gùi là một vận dụng thân thuộc gắn bó với đời sống của người dân bon làng nơi đây. Trong đời sống hiện tại, dù nhiều thứ đã đổi thay, nghề đan gùi truyền thống vẫn âm thầm tồn tại trong cộng đồng người M’Nông ở Đắk Nông. Tại Làng nghề truyền thống của Bon Con How, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, nghề đan gùi truyền thống của người M’Nông được phát triển và gìn giữ bởi những đôi bàn tay khéo léo của người đàn ông M’Nông. Ở đây còn có rất nhiều sản phẩm đan lát truyền thống được làm từ tre, nứa, song mây như nong nia, rổ rá, nơm bắt cá, đặc biệt là những chiếc gùi đa dạng về màu sắc, mẫu mã.

Bon Con How có diện tích 963,5 ha, cư dân là người M’Nông chiếm số lượng lớn với khoảng 5.000 người. Ngoài ra, còn có dân tộc Mạ, Kinh, Dao cùng cộng cư sinh sống. Nghề đan lát truyền thống được người M’Nông lưu truyền từ đời này qua đời khác, hầu hết các vật dụng đan lát phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt đều do người đàn ông trong gia đình đảm nhiệm. Tại Bon Con How, hiện chỉ còn 4 nghệ nhân đan gùi nhưng tuổi cũng đã cao.

Ông K’Siêng, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông cho biết, thường thì đan một chiếc gùi mất 3 đến 4 ngày, cũng có lúc 5 ngày mới xong một chiếc. Mỗi chiếc bán được 500 nghìn đồng, nhưng tiền bán một chiếc gùi không đủ tiền công và nguyên liệu, vì tiền công của người bình thường đã 250 nghìn đồng một ngày. Ông cho biết, ông đan để cất giữ, đưa cho con cháu dùng, có khách mua thì bán. Ông biết đan lát từ năm 20 tuổi, năm nay đã 70 tuổi rồi. Ở tuổi này, ông không thể đi rừng, cũng không thể đi làm thuê làm mướn, chỉ ở nhà nên cố gắng đan gùi để có thêm thu nhập.

Ông K’Siêng, nghệ nhân đan lát xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đang đan gùi phục vụ khách du lịch

Ông K’Siêng, nghệ nhân đan lát xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đang đan gùi phục vụ khách du lịch

Gùi được đan bằng nan mây và tre, nan dùng để đan gùi được chọn rất kỹ lưỡng. Để có nguyên liệu đan được những chiếc gùi vừa đẹp, vừa bền, vừa chắc, vào khoảng tháng 7 dương lịch hàng năm, đàn ông trong bon lại lên núi chọn những cây lồ ô không già, không non, có đốt dài để về đan gùi. Đây là khâu quan trọng quyết định độ bền của chiếc gùi, bởi nếu chọn cây lồ ô già, các nan dễ bị gãy khi đan, ngược lại, nếu chọn những cây lồ ô non, khi đan hoàn thành rồi thì nan sẽ hay bị co, tạo khe hở cho gùi. Công đoạn chẻ nan cũng phải khéo léo, nan không được quá mỏng, cũng không được quá dày, nan chẻ xong không được khô quá vì khi đan sẽ rất khó luồn nan và làm nan dễ gãy.

Nếu đan bằng tre, phải lựa chọn loại tre già, đặc ruột. Tre chặt về được cắt thành khúc dài, rồi chẻ lạt chuốt nan. Loại nan này vừa dẻo vừa bền, nan chuốt xong đem hong gió cho khô, khi đan lại đem nhúng nước cho có độ dẻo để dễ đan hơn. Khâu chuẩn bị nguyên liệu là yếu tố quyết định để đan một chiếc gùi bền đẹp, vì thế các nghệ nhân đan gùi thường làm rất cẩn thận, tỉ mỉ.

Chiếc gùi của người M’Nông có nhiều chức năng khác nhau, được cả phụ nữ và đàn ông sử dụng hàng ngày nên các loại gùi cũng có nhiều cách đan khác nhau. Gùi để lấy nước thì đan thưa, gùi đựng thóc thì đan kín, gùi đựng ngô thì đan dày. Riêng loại gùi nhỏ đựng tư trang hoặc đồ dùng cá nhân thì được đan rất cẩn thận và cầu kỳ với nhiều hoa văn trang trí khéo léo. Người đan gùi thường là những người đàn ông M’Nông có tài đan lát, khéo léo và có óc thẩm mỹ tinh tế. Họ dùng những sợi nan có màu sắc khác nhau để đan thành những chiếc gùi có nhiều màu sắc và hoa văn trang trí đẹp mắt.

Tùy theo mục đích sử dụng và hình dáng, trang trí hoa văn của gùi mà người đan thiết kế đế gùi, nắp gùi, thân gùi và phần quai khác nhau. Đế gùi nhỏ hơn miệng, có hình tròn, hình chữ nhật hoặc hình vuông, trong khi miệng gùi luôn có hình tròn. Hoa văn trang trí thân gùi được tạo bằng các sợi nan nhuộm màu hoặc các nan không nhuộm màu. Các dải hoa văn thường nằm gần miệng, gần đáy hoặc giữa thân gùi. Chiếc gùi gắn bó mật thiết với đồng bào M’Nông từ khi lọt lòng mẹ đến khi trở về với đất với rừng. Vì thế, các nghệ nhân người M’Nông luôn nối tiếp, truyền tay đan gùi cho nhau.

Ông K’Siêng, nghệ nhân đan gùi ở xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, cho biết thêm: Chiếc gùi có vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày của người M’Nông. Tùy thuộc vào hình dáng, kích thước của gùi mà mục đích và đối tượng sử dụng cũng khác nhau. Gùi nhỏ dành cho trẻ em, gùi lớn dành cho người trưởng thành. Gùi được dùng làm phương tiện vận chuyển, đựng rau quả, cơm nước khi lên rừng; đựng thóc giống khi đi gieo hạt, gùi thóc về nhà khi thu hoạch, đựng những bầu nước về nhà, cất giữ trang phục, trang sức... Ngoài ra, còn có những chiếc gùi cao chân giúp giảm sức nặng vì không phải cúi, khom lưng. Bây giờ tuổi già rồi không làm nương, làm rẫy được nữa, chỉ đan gùi thôi. Mình sẽ đan gùi đến khi nào không đan được nữa hoặc đến khi đi rừng mà không còn tre để làm thì mới nghỉ. Nếu không, mình vẫn giữ gìn nghề đan gùi truyền thống của dân tộc M’Nông.

Với đồng bào M’Nông, chiếc gùi vừa là vật dụng để mang, xách, vận chuyển, vừa là vật trang sức. Vì thế, gùi gắn bó với đời sống của bà con bon làng khi đi lên rẫy, đi chợ, đi thăm họ hàng và cả khi đi lễ hội. Việc đan gùi của người M’Nông ban đầu chỉ phục vụ cho việc đi nương, đi rẫy hàng ngày, nhưng khi hoạt động du lịch có nhu cầu, những người đan gùi cũng đầu tư công sức, sáng tạo hoa văn để tạo ra những sản phẩm vừa giữ nét đặc trưng của người M’Nông vừa phục vụ thị hiếu của người tiêu dùng. Những chiếc gùi để sử dụng cho việc đi làm ruộng, nương rẫy của bà con chỉ mất khoảng 3 ngày để hoàn thành, còn những chiếc gùi có nhiều hoa văn cầu kỳ bán cho khách du lịch thì mất khoảng 1 tuần.

Hiện nay, cuộc sống của đồng bào M’Nông đã có nhiều thay đổi trong sinh hoạt và sản xuất, nhưng với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, chiếc gùi vẫn không thể thiếu trong mỗi gia đình. Đặc biệt là đối với người phụ nữ, chiếc gùi không chỉ là vật dụng tiện ích trong mọi sinh hoạt mà khi đeo trên vai, đong đưa theo nhịp bước chân, còn tôn thêm vẻ đẹp và sự mạnh mẽ của người phụ nữ. Chính vì sự gắn bó mật thiết trong vòng đời của người phụ nữ, chiếc gùi không chỉ được xem là vật dụng hàng ngày mà còn trở thành người bạn đồng hành, biểu trưng cho vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ M’Nông.

Lập Nguyễn

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/nghe-dan-gui-truyen-thong-cua-nguoi-m-nong-438293.html