Nghề đẩy ruốc của người dân vùng ven biển Cà Mau thường bắt đầu từ tháng 3 âm lịch, tùy theo năm có thể kéo dài đến hết năm
Ngư cụ chính của ngư dân gồm lưới chủ và gọng (cây để mắc lưới chủ). Bà con dùng máy đẩy ghe biển cùng gọng được mắc chủ về phía trước để đánh bắt ruốc
Nghề đẩy ruốc phát triển mạnh nhất ở huyện Trần Văn Thời, với hàng trăm hộ gia đình làm nghề
Chỉ những ngày biển êm, ít sóng gió, ngư dân mới ra khơi và cũng chỉ đánh bắt từ khoảng 7 hải lý trở vào bờ
Thông thường mỗi tháng chỉ có từ 1 - 2 đợt biển êm nhiều ngày, những đợt biển êm như vậy ruốc mới vào gần bờ để ngư dân đánh bắt
Những ngày trúng, các ghe có công suất lớn có thể đánh bắt được vài tấn ruốc tươi
Trời nắng, ruốc sẽ được vận chuyển vào bờ để phơi khô, khoảng 3 - 4 kg ruốc tươi sẽ được 1kg khô, tùy ruốc lớn nhỏ
Cũng có những ghe đánh bắt chuyên bán ruốc tươi, hoặc trời mưa thì buộc ngư dân phải bán tươi cho các cơ sở chế biến
Giá ruốc khô tùy loại đang ở mức khoảng 35.000 - 50.000 đồng/kg; giá ruốc tươi thì khoảng trên dưới 10 ngàn đồng/kg, tùy kích cỡ
Có những ngày trúng đậm, ngư dân kiếm lời hơn chục triệu đồng nhưng năm nay đã gần hết mùa mà bà con chỉ mới được vài ngày trúng đậm như vậy
Nghề đẩy ruốc ở Cà Mau nhiều năm trước cho thu nhập cao, giúp kinh tế nhiều gia đình vùng ven biển Tây Cà Mau vươn lên
Mấy năm qua, sản lượng ruốc ngày càng giảm, không ít ngày bà con ra đánh bắt không có ruốc, lỗ vài trăm ngàn tiền dầu cũng là bình thường
Nghề đẩy ruốc ngày càng bấp bênh nên đa số người dân vùng ven biển Tây tỉnh Cà Mau đang xem đó là nghề phụ để phát triển kinh tế
Phạm Hải/VOV-ĐBSCL