Nghề đầy tình người
Đúng là nghề y quá khổ, quá cực, không đơn thuần chỉ là nghề để kiếm sống, mưu sinh mà còn thực hiện sứ mệnh thiêng liêng là trị bệnh cứu người.
Sáng ra, bà Thanh đã than thở:
- Dịch bệnh khổ đủ đường. Muốn đi thăm cháu ở viện mà không đi được.
Ông Luân đặt tờ báo xuống bàn uống nước rồi quay sang hỏi bà Thanh:
- Bà muốn đi thăm ai? Đứa nào đang điều trị ở bệnh viện?
- Cái Lành, con dì Thoa. Nó vào viện cấp cứu trong tình trạng mất máu cấp, chảy máu ổ bụng. 4 người nhà mình đi cùng nhưng không ai có nhóm máu phù hợp với nhóm máu O của nó. May quá, có 2 điều dưỡng trong bệnh viện cùng nhóm máu với cái Lành. Họ đã không ngần ngại hiến 3 đơn vị máu, kịp thời cứu nó qua cơn nguy kịch.
- Tốt quá, đúng là “lương y như từ mẫu”.
Anh Lam từ trên tầng 2 đi xuống cũng góp chuyện:
- Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các hoạt động hiến máu ít được tổ chức nên thiếu máu dự trữ, không đủ cung cấp cho các bệnh viện tuyến dưới. Ít nữa dịch dã lắng xuống, con sẽ kêu gọi đoàn viên thanh niên tích cực hiến máu tình nguyện.
Chị Thỏa từ trong phòng bếp đi ra cũng hồ hởi:
- Nếu có đợt hiếu máu tình nguyện, anh nhớ đăng ký cho em nhé.
Việt Anh đang xem ti vi cũng quay lại tươi cười nói:
- Sau này con muốn làm bác sĩ như chú Tính nhà mình.
Nhắc đến anh Tính, bà Thanh lại nhớ con. Bà bảo ông Luân:
- Từ năm ngoái đến nay chưa được gặp nó. Mỗi lần nó gọi điện về nhà chỉ nhìn thấy cặp kính cận thôi, mặc áo bảo hộ kín mít.
Ông Luân bật cười:
- Nó mới vắng nhà hơn 3 tuần nay mà bà cứ làm như vài năm không bằng.
- Ngày xưa tôi bảo ông khuyên nó không nên học ngành y mà ông không nghe, lại còn khuyến khích nó. Nhà cậu Báu làm ở bệnh viện tỉnh ấy, hai đứa con có đứa nào theo nghề của bố mẹ đâu.
- Đúng là nghề y quá khổ, quá cực, không đơn thuần chỉ là nghề để kiếm sống, mưu sinh mà còn thực hiện sứ mệnh thiêng liêng là trị bệnh cứu người. Người thợ vụng cùng lắm làm hỏng chiếc xe. Còn thầy thuốc nếu sơ sẩy sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của cả một con người. Sơ sẩy ấy rất khó và thậm chí không thể sửa chữa được.
Ngừng một lát, ông Luân nói tiếp:
- Tôi cũng phân tích trái phải cho nó và cuối cùng nó bảo vất vả thì ngành nào cũng có, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai. Thằng Tính mấy lần ra bệnh viện với cậu Báu, thấy nhiều bệnh nhân nặng, hoàn cảnh khó khăn, nó đồng cảm và kính nể nghị lực sống, nghị lực chống chọi với bệnh tật của họ nên nó quyết chọn cái nghề đầy tình người này.
- Tôi biết rồi, nhưng tôi không muốn nó vất vả. Hơn tháng nay, dịch dã xảy ra, bữa cơm nào nó cũng ăn vội, giấc ngủ không tròn. Tôi xót lắm.
- Con thì thấy tự hào về thằng Tính, biết ơn những hy sinh thầm lặng của đội ngũ y bác sĩ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 này. Nếu thằng Việt Anh yêu thích nghề y, chúng con sẽ ủng hộ nó - anh Lam cười nói.
- Việt Anh mà theo nghề y nữa thì nhà mình có 3 bác sĩ nhỉ? - chị Thỏa quay sang hỏi anh Lam.
- Ai nữa mà những 3? Thôi đúng rồi, chúng mày giấu mẹ đúng không? Đã bảo thằng Tính không được lấy vợ là bác sĩ, thế mà nó vẫn theo đuổi cô bé kia à? Ít nữa sinh con đẻ cái, cả hai đều vất vả, bận bịu, ai chăm con cơ chứ. Lại ông bà già chúng tôi thôi. Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời vậy. Nhỉ!
Nghe bà Thanh nói thế, ông Luân và vợ chồng anh Lam đều cười.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/nghe-day-tinh-nguoi-160190