Nghề đóng đáy ngoài biển khơi

Trong những nghề đánh bắt thủy sản lâu đời nhất ở vùng biển phía Nam, nghề đóng đáy hiện nay chỉ còn ở một vài địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Trà Vinh, Cà Mau... với số lượng ngư dân tham gia khá ít ỏi. Đặc biệt, cùng với nghề đáy hàng khơi quen thuộc, ngư dân vùng Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) còn sáng tạo thêm nghề đáy chạy, với cách khai thác khá lạ và hiệu quả.

Những hàng đáy ven biển Gò Công Đông. Ảnh: Đoàn Xá.

Những hàng đáy ven biển Gò Công Đông. Ảnh: Đoàn Xá.

Sống đời đáy biển

Là một trong số những địa phương có nhiều ghe thuyền tham gia nghề đóng đáy nhất hiện nay, vùng biển Gò Công Đông là nơi thích hợp nhất với nghề đáy. Đó là mặt biển êm, đáy bằng phẳng và mực nước chỉ từ 20 tới 30 mét. Từ khu vực cảng Vàm Láng, tôi được ông Nguyễn Văn Huân, 61 tuổi, một chủ giàn đáy cho lên ghe để đi tháo đáy. Ông Huân kể: “Gia đình tôi nhiều năm làm nghề đáy. Từ lúc tôi còn bé xíu đã theo cha ra biển rút đáy. Hàng đáy dài khoảng một trăm mét, làm bằng cây tràm già đóng xuống biển. Mỗi cọc đáy cách nhau khoảng 5 mét, có dây nối để di chuyển, giữa các cọc lại. Khu vực đóng đáy cách cảng biển Vàm Láng chừng 6 hải lý. Những năm qua, cứ cọc nào hư hỏng thì gia đình đóng cọc khác thay thế chứ vị trí hàng đáy thì mấy chục năm vẫn vậy”. Cũng theo ông Huân, mỗi ngày ông ra gỡ đáy một lần nhưng tại hàng cọc thì có làm chòi canh, thuê thợ trông suốt ngày đêm.

“Ngày trẻ tôi trông coi hàng đáy nhưng hiện nay lớn tuổi rồi, cả ba đứa con lại không làm nghề biển nên phải thuê đứa cháu trong ấp canh giùm. Canh đáy rất vất vả vì phải ăn ngủ ngoài biển, nhiều khi sóng lớn ập vào ướt hết người. Chưa kể chuyện giàn đáy bị ghe thuyền lớn đâm va, người rơi xuống biển không chừng. Nhiều bạn đáy ở ngoài này đêm phải buộc can nhựa vào người để ngủ bởi có rơi xuống biển thì không nguy hiểm”, ông Huân chia sẻ chân thành.

Di chuyển chừng 30 phút là tới khu vực đóng đáy. Theo quan sát của chúng tôi, chòi canh đáy của ông Huân chỉ rộng chừng 6 mét vuông, được chằng buộc bằng dây, gỗ tràm vào chính hàng đáy. Ông Huân bảo “bạn đáy”, tức người trông coi hàng đáy là anh Út, 34 tuổi ngụ ở thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông).

Có lẽ đã quen công việc, khi thấy ghe của ông Huân gần tới là Út mở cửa chòi, chạy thoăn thoắt trên sợi dây nối những cọc đáy. Vừa chạy, Út vừa nói lớn, đêm qua trời mưa đúng lúc triều lên, cá tản đi hết không vào đáy rồi. Sau đó, ghe cập vào giàn đáy để thợ đáy lên kéo lưới. Đây là công việc quan trọng và cũng nguy hiểm nhất với người làm nghề đáy.

Anh Nguyễn Văn Sỹ, 34 tuổi, một người kéo đáy của ông Huân bảo toàn bộ công việc thu đáy đều sử dụng sức người, rất vất vả. “Hiện nay nhiều ghe tàu họ trang bị máy tời, máy kéo rất tiện mà giá cũng chỉ vài chục triệu đồng. Tuy nhiên nghề đáy không sử dụng máy kéo được, buộc phải dùng sức người. Các thợ đáy ngồi trên dây nối giữa các trụ, buộc mình vào dây để giữ thăng bằng rồi thu đáy. Mỗi giàn đáy mất khoảng 2 tiếng để thu và thả lại. Nếu chẳng may túi đáy bị vướng dây thì phải lặn xuống nước để gỡ, rất nguy hiểm”, anh Sỹ kể.

Theo anh Sỹ, mỗi buổi đi tháo đáy anh được trả công hai trăm ngàn đồng, cùng thêm ít hải sản để đem về.

Cũng theo người đàn ông có nước da đen sạm vì nắng gió này, ở khu vực biển Gò Công Đông ngư dân nghề đáy chủ yếu đánh bắt các loại cá nhỏ, cá tạp và ruốc. “Đáy là ngư cụ đánh bắt bị động, phụ thuộc vào dòng chảy của con nước triều. Khi thủy triều lên thì dòng chảy từ phía biển hướng vào bờ và ngược lại. Những dòng chảy này có kéo theo các loại hải sản và chúng chui vào túi đáy. Bình thường ở giàn đáy chỉ có một người canh và quan sát. Như hiện nay đang mùa đánh bắt ruốc, mỗi ngày ngư dân thu đáy 1 lần. Từ sáng sớm, ghe ở cửa biển Vàm Láng chạy ra đây rồi thu đáy, lấy ruốc đem về cảng bán cho thương lái. Nhưng các mùa khác, có thể vài ngày mới thu đáy một lần vì lượng hải sản ít”, anh Sỹ kể.

Theo tìm hiểu, công việc của nghề đáy không cần các kỹ thuật đánh bắt như những nghề biển khác, cũng không tốn nhiều chi phí xăng dầu và thu nhập cũng không cao. Do hàng đáy ven bờ và bị động, lượng hải sản đánh bắt phụ thuộc vào tài nguyên của biển và một chút may mắn. Như ông Huân kể thì mùa này mỗi ngày thu đáy được khoảng 6, 7 tạ ruốc, bán được chừng hơn 12 triệu đồng. Tuy nhiên ông phải thuê thêm nhân công, chi phí dầu chạy ghe và người canh giàn đáy, chỉ còn khoảng 3 triệu đồng. Đây là khoản thu nhập khá cao nhưng mùa ruốc chỉ kéo dài chừng 1 tháng. Các mùa khác chủ yếu là cá tạp, ghẹ nhỏ và bạch tuộc nhưng phải vài ngày mới thu một lần.

Ngư dân chuẩn bị rút giàn đáy.

Ngư dân chuẩn bị rút giàn đáy.

Nghề đáy chạy

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang, hiện nay ở khu vực Gò Công Đông có khoảng 60 hộ dân làm nghề đóng đáy. Tuy nhiên, phần lớn lại không phải là nghề đáy hàng khơi như gia đình ông Huân. Dù có truyền thống lâu đời nhưng nghề đáy hàng khơi đã mai một khoảng 10 năm trở lại đây. Nguyên nhân là chủ yếu là trữ lượng hải sản đã giảm, đáy không mang lại thu nhập khả quan. Đặc biệt, ngư dân phải đầu tư khoảng 150 triệu đồng để làm giàn cọc, dây và chòi canh. Ngoài ra, mật độ ghe thuyền hiện cũng nhiều, tai nạn do va chạm với giàn đáy tăng lên. Nhiều ngư dân đêm ngủ bị tàu hàng tông gãy cọc đáy, cuốn chòi xuống nước. Vì vậy, ngư dân Gò Công Đông đã chuyển sang nghề đáy chạy. Đây là nghề khá mới mẻ và chủ yếu ở khu vực Gò Công Đông.

Ngồi trên chiếc ghe gỗ dài chừng 20 mét, có mái che chắc chắn ở cảng Vàm Láng, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoa, 31 tuổi, cho biết, anh chị làm nghề đáy chạy được gần 10 năm nay. Nếu như ở các tỉnh miền Trung, ngư dân thường có phong tục cấm phụ nữ đi ghe thuyền thì ở miền Tây Nam Bộ, phụ nữ đi biển là chuyện khá bình thường. Chị Hoa kể anh Viễn, chồng chị trước làm công nhân canh chòi cho chủ đáy. Sau đó anh chuyển qua làm bốc vác cho mấy vựa thu mua cá cảng Vàm Láng, dành dụm được tiền nên mua ghe ra làm riêng.

“Cả hai vợ chồng tôi đều quê bên Kiểng Phước, giờ sang bên này thuê nhà trọ rồi nhờ bà ngoại qua trông hai đứa nhỏ. Nghề đáy chạy nên đi miết. Từ gần nửa đêm là chạy ghe ra ngoài cửa biển đóng đáy. Bữa nào nhiều thì đóng 2, 3 cữ, bữa nào ít phải đóng 5, 6 cữ mới về cảng lại. Được bao nhiêu bán hết cho thương lái rồi về phòng trọ nghỉ ngơi, nửa đêm hôm sau lại tiếp tục đi. Cứ nửa ngày ở trên biển, nửa ngày ở trên bờ. Cuối năm gió chướng thì đưa con về nhà ở chừng hai tháng, qua Tết mới đi biển lại”, chị Hoa kể.

Theo vợ chồng chị Hoa, nghề đáy chạy về cơ bản không khác đáy hàng khơi, cũng đánh bắt dựa vào cơ chế dòng chảy nước thủy triều. Theo đó, ngư dân chạy ghe thuyền ra ngư trường, sử dụng những cọc cừ đóng xuống biển, có giăng lưới và túi để đón luồng cá di chuyển vào. Nhiều ghe lưới nhỏ thì đánh đơn, ghe lưới lớn có thể đánh đôi để vây đàn, di chuyển luồng lưới nhưng phải trang bị máy kéo, chi phí cao hơn nhiều. Tuy nhiên đáy chạy có ưu điểm là chi phí ít, chủ động hơn. Nếu gặp ngư trường ít thì có thể di chuyển tìm luồng cá rồi đóng đáy.

Là một trong những cảng cá lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn, cảng cá Vàm Láng (huyện Gò Công Đông) là nơi hầu hết ghe thuyền nghề đáy, cả đáy chạy và đáy hàng khơi cập bến để bán sản phẩm cho thương lái. Do chất lượng hải sản nghề đáy thu được phần lớn là cá nhỏ và bị dập nên các sản phẩm ở đây được chọn là làm khô, còn lại chủ yếu bán cho nhà máy bột cá để chế biến thức ăn thủy sản. Tuy nhiên, so với nhiều nghề khác, vùng biển Gò Công Đông vẫn là ngư trường tốt dành cho nghề đáy. Đó là lý do hàng trăm năm qua, những ngư dân vùng này vẫn gắn bó với nghề đánh bắt rất đặc thù này.

ĐOÀN XÁ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nghe-dong-day-ngoai-bien-khoi-5694578.html