Nghề giáo luôn cần sự sáng tạo và đổi mới

Nghề giáo luôn cần sự sáng tạo và đổi mới nhằm tìm kiếm phương pháp giảng dạy hay, mới giúp học sinh không chỉ học tốt hơn mà còn thích thú với việc học.

Gặp cô giáo Đoàn Thị Bích, giáo viên Trường Trung học cơ sở Lạc Viên (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) với thâm niên 31 năm trong nghề, ai cũng chung cảm nhận về một nữ giáo viên dịu dàng và đầy đam mê với nghề.

Sinh ra trong gia đình có bố là thầy giáo dạy văn giỏi của tỉnh Thái Bình, cô Bích thi đỗ trường Cao đẳng sư phạm Thái Bình vào năm 1988.

Ngay sau tốt nghiệp, cô trở thành giáo viên của Trường Trung học cơ sở Hồng Quỳnh (Thái Bình) từ năm 1991-1993.

Năm 1994, cô chuyển ra Hải Phòng và dạy học tại Trường Trung học cơ sở Tân Dương (huyện Thủy Nguyên).

Trong thời gian này, cô giáo Bích kịp học xong lớp chuyên tu khóa đầu tiên của Trường đại học Sư phạm 1 được tổ chức tại Hải Phòng với thời gian 5 năm.

Cô giáo Đoàn Thị Bích hướng dẫn học sinh sử dụng bản đồ tư duy trong môn học Ngữ văn (Ảnh: NVCC)

Cô giáo Đoàn Thị Bích hướng dẫn học sinh sử dụng bản đồ tư duy trong môn học Ngữ văn (Ảnh: NVCC)

Đến năm 2012, cô chuyển về Trường Trung học cơ sở Lạc Viên công tác. Để rồi, “con nhà nòi” tiếp tục đem tình yêu, niềm đam mê gắn với chị từ tuổi thơ là dìu dắt các thế hệ học sinh.

Ghi nhận những nỗ lực, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, từ năm 1994 đến nay, cô giáo Đoàn Thị Bích nhận được hơn 10 giấy khen, bằng khen từ các cấp bộ, ban, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng.

Đặc biệt, với sáng kiến “Giải pháp sử dụng bản đồ tư duy như một trò chơi nhằm nâng cao chất lượng dạy học” được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng Bằng lao động sáng tạo năm 2020, cô giáo Đoàn Thị Bích mang đến một giải pháp toàn diện vừa tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng và hiệu quả giờ học cho ngành giáo dục.

Cô giáo Đoàn Thị Bích cho biết: “Năm học 2014-2015, sau khi tìm hiểu về nguyên lý hoạt động của bản đồ tư duy, tôi nhận thấy được tính ưu việt của việc ứng dụng bản đồ tư duy vào các bài học cho học sinh trung học cơ sở.

Do đó, tôi ứng dụng luôn trong các tiết giảng dạy của mình và hoàn thành đề tài khoa học năm 2018”.

Theo cô Bích, bản đồ tư duy không phải là giải pháp mới, nhưng điểm mới trong đề tài là không chỉ hướng dẫn học sinh sử dụng bản đồ tư duy mà còn sử dụng nó như một trò chơi để học bài mới, củng cố kiến thức bài học, tổng hợp kiến thức chung, mà còn kích thích sáng tạo riêng của mỗi em.

Theo nhiều em học sinh lớp 9D1 (lớp do cô giáo Bích làm chủ nhiệm), học theo phương pháp sử dụng bản đồ tư duy trong môn Ngữ văn của cô Đoàn Thị Bích giúp học sinh dễ hiểu bài, dễ ghi nhớ bài học, đồng thời phát huy được trí tưởng tượng sáng tạo của bản thân.

Không chỉ áp dụng cho môn Ngữ văn, học sinh có thể áp dụng các học bản đồ tư duy vào tất cả các môn học ở trường cũng như nhiều vấn đề trong đời sống.

Đồng thời, sử dụng bản đồ tư duy như một trò chơi, tham gia Câu lạc bộ tranh biện, các em học sinh thấy việc học trở nên rất sinh động và hấp dẫn và hiệu quả vô cùng.

Sau khi nhận Bằng lao động sáng tạo năm 2020 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng với đề tài “Giải pháp sử dụng bản đồ tư duy như một trò chơi nhằm nâng cao chất lượng dạy học”, cô giáo Đoàn Thị Bích tiếp tục thực hiện các sáng kiến “Giải pháp phát triển năng lực tranh biện cho học sinh trung học cơ sở nhằm nâng cao chất lượng dạy học” và “Nâng cao hứng thú và hiệu quả trong dạy học trực tuyến môn Ngữ văn trung học cơ sở bằng phương pháp trò chơi”.

Cô giáo Bích chia sẻ, nghề giáo luôn cần sự sáng tạo và đổi mới. Từ đó, có thể tận dụng được những tiến bộ xã hội, tìm kiếm phương pháp giảng dạy hay, mới giúp học sinh không chỉ học tốt hơn mà còn thích thú với việc học.

Chồng cô, một người chiến sĩ Hải quân hy sinh khi đang làm nhiệm vụ trên đảo Bạch Long Vĩ năm 2007, một nách hai con, cô vẫn cố gắng hết lòng với nghề.

Với cương vị Tổ trưởng Tổ khoa học xã hội, cô Bích không chỉ nỗ lực đổi mới, sáng tạo phương pháp giảng dạy của mình mà còn lan tỏa đến đồng nghiệp qua việc tổ chức tập huấn nhiều chuyên đề “viết sáng kiến” để kích thích sự sáng tạo của các giáo viên trong tổ.

Cô giáo Đỗ Mai Hương - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lạc Viên đánh giá: “Cô giáo Bích là một trong những giáo viên giỏi luôn luôn sáng tạo, chủ động và linh hoạt trong từng phương pháp giảng dạy.

Cô chủ động ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng bài giảng, đi đầu trong các phong trào, tích cực tham gia các cuộc thi được tổ chức tại trường. Đồng thời, hướng dẫn nhiều học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp thành phố”.

LÃ TIẾN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nghe-giao-luon-can-su-sang-tao-va-doi-moi-post227742.gd