Nghề giao rơm

Mùa nắng, nguồn thức ăn cho gia súc khan hiếm do lượng cỏ trong tự nhiên giảm đáng kể. Đây là nỗi lo của nhiều người chăn nuôi gia súc. Hiểu được khó khăn này, hơn 10 năm qua, ông Phan Thế Vinh (ngụ xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng) luôn bám trụ với 'nghề giao rơm'.

Nhân công của ông Vinh vác cuộn rơm chất lên xe để chở về kho tập kết.

Nhân công của ông Vinh vác cuộn rơm chất lên xe để chở về kho tập kết.

Xã Phước Chỉ hiện có nhiều người làm nghề thu mua rơm tại ruộng, sau đó vận chuyển về kho để bán cho những hộ chăn nuôi gia súc hoặc trồng hoa màu (dùng đậy luống giữ ẩm, lót trái). Hầu hết những người làm nghề này chỉ bán rơm cho người dân địa phương. Riêng ông Vinh thì chở rơm đi bán trên địa bàn toàn tỉnh, thậm chí ra ngoài tỉnh như Bình Dương, Bình Phước, Long An. Ông Vinh tự đặt tên cho công việc của mình đang làm là “nghề giao rơm”.

“Tôi cũng là người từng chăn nuôi và trồng đồ hàng bông nên hiểu rất rõ nỗi khổ khi thiếu nguồn nguyên liệu rơm. Nếu không có rơm hoặc chậm mua được rơm thì trâu, bò đói; cây trồng trễ vụ mùa ảnh hưởng đến năng suất. Vậy nên, tôi luôn tranh thủ giao rơm đúng hẹn khi bà con có nhu cầu, dẫu xa ngoài tỉnh Tây Ninh cũng chở rơm đi giao, bất kể ngày hay đêm”- ông Vinh cho hay.

Thực tế, để có được những cuộn rơm khô đạt yêu cầu của người mua, người làm nghề phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ đầu tư mua máy cuốn rơm thành cuộn. Theo ông Vinh, tại thời điểm mà ông mới bắt đầu vào nghề, một hệ thống thùng cuốn rơm có giá khoảng 180 triệu đồng.

Hiện nay, giá thành của loại thùng này có giảm, nhưng cũng khoảng từ 50-120 triệu đồng, tùy loại. Đó là chưa kể khoản tiền đầu tư mua máy (thông thường là đầu máy cày) để vận hành hệ thống thùng cuốn rơm; máy cày kèm theo rơ-moóc hoặc xe tải chở rơm.

Máy cày trên đường chở rơm về kho tập kết.

Máy cày trên đường chở rơm về kho tập kết.

Sau khi mua được các phương tiện nêu trên, người làm nghề giao rơm phải đi khắp các cánh đồng tại địa phương và vùng lân cận để quan sát, chọn ruộng có rơm tốt, liên hệ chủ ruộng mua rơm. Tùy vào thời điểm, giá mua rơm tại ruộng dao động từ 1,2-1,8 triệu đồng/ha.

Ban đầu, một mình ông Vinh làm hết các khâu như điều khiển máy cuốn rơm, chất rơm lên xe và chở về tập kết trong kho chứa. Về sau, khách hàng đặt mua rơm ngày càng nhiều, ông Vinh làm không xuể, phải thuê thêm người làm các khâu này. Tùy theo khoảng cách từ ruộng về kho xa hay gần, giá thuê nhân công được tính từ 5.000-10.000 đồng/cuộn rơm.

Hơn 10 năm làm nghề, đến nay, ông Vinh đã đầu tư được 4 hệ thống thùng và máy cuốn rơm, 1 xe tải chở rơm đi giao trong và ngoài tỉnh. Ông Vinh kể, để có được lòng tin từ phía người mua rơm là cả một quá trình dài gây dựng “thương hiệu” Vinh Rơm. Người làm nghề giao rơm phải chọn được rơm tốt, cuốn khô và chặt, giá bán phải “mềm”, giao rơm đúng hẹn, quan trọng là phải chịu bán thiếu hoặc bao vụ cho những nông dân trồng hoa màu (như bầu, bí đậu, dưa hấu, dưa gang, ủ nấm rơm).

Nguồn rơm tại 3 xã cánh Tây của thị xã Trảng Bàng hiện nay tương đối dồi dào, nên giá mua rơm đầu vào tại ruộng chỉ khoảng 1,2 triệu đồng/ha. Với 1 ha, máy có thể cuốn được từ 100 - 120 cuộn. Nhờ đó, ông Vinh bán rơm với giá khá “mềm”. Tại xã Phước Chỉ và các xã lân cận, ông Vinh bán rơm với giá 17.000 đồng/cuộn, khu vực hồ Dầu Tiếng 28.000 đồng/cuộn; đến địa bàn huyện Tân Châu là hơn 30.000 đồng/cuộn, giá bán rơm ra ngoài tỉnh sẽ cao hơn các mức này một chút.

Rơm của ông Vinh được bán cho người dân trồng dưa hấu tại Nông trường cao su Đồng Rùm (xã Tân Thành, huyện Tân Châu).

Rơm của ông Vinh được bán cho người dân trồng dưa hấu tại Nông trường cao su Đồng Rùm (xã Tân Thành, huyện Tân Châu).

Thời tiết đang cao điểm mùa nắng nóng, người chăn nuôi gia súc, trồng cây hoa màu, cây ăn trái đang rất cần sử dụng nguồn rơm. Điện thoại của ông Vinh hầu như đổ chuông liên tục, đó là cuộc gọi của những người đặt mua rơm. Ngày 6.3.2024, tại một cánh đồng rộng lớn thuộc địa bàn ấp Phước Hòa, xã Phước Chỉ, ông Vinh cùng các nhân công tranh thủ làm việc luôn cả buổi trưa. Dưới cái nắng gay gắt, mọi người đều đẫm ướt mồ hôi nhưng ai cũng cố gắng tăng tốc làm việc từ đám ruộng này sang đám ruộng khác.

Thời điểm hiện nay, số cuộn rơm tập kết tại nhà kho của ông Vinh luôn không kịp đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Do vậy, ông Vinh và nhân công phải tranh thủ tăng tốc làm việc hết mức có thể.

Minh Quốc – Bảo Thi

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nghe-giao-rom-a169976.html