Nghề giáo tôi yêu!
Tôi vừa chuyển đến nhà mới để tiện việc chợ búa, đưa đón con đi học và quan trọng nhất là được gần trường, nơi tôi công tác hơn mười lăm năm. Sát vách, chung tường với nhà tôi là một dãy phòng trọ của những cặp vợ chồng công nhân từ nhiều nơi đến ở.
Những lúc rảnh rỗi, tôi thường tạt ngang qua quán nước trước dãy trọ gọi một cốc cà-phê. Đó cũng là dịp tôi được ngắm cuộc sống thường nhật của những con người lao động sống bên tôi. Họ thường cùng đưa nhau đi làm thật sớm và kết thúc một ngày trong những bộ quần áo thấm đẫm mồ hôi hay dính đầy vôi vữa, tay xách những bọc dưa, cá, rau, cà,… Ấy vậy mà bao giờ tôi cũng bắt gặp nụ cười hiện hữu trên môi họ khi cùng sóng bước bên nhau về căn phòng trọ chật chội. Tôi dần dần quen và thân họ sau vài dạo uống chung cà-phê vào sáng chủ nhật. Có hôm, tôi buột miệng hỏi thăm: "Cả ngày làm việc giữa trời nắng nóng chắc là mệt lắm nhỉ!". Họ cười thật tươi: "Ở đây mọi người làm công nhân, kẻ thợ xây, thợ máy, ai cũng hơn chín, mười năm làm việc nên cũng yêu nghề rồi, giờ chỉ biết sống chết với nghề nghiệp đã chọn,…". Xuất thân mỗi người một hoàn cảnh, vì nhiều lý do khác nhau họ phải chọn công việc vất vả hơn bình thường. Nhưng tôi biết, họ đang rất yêu công việc mình đã chọn, mang ơn công việc không chỉ cho họ miếng cơm manh áo, những đồng tiền tích lũy lúc gặp ốm đau, hoạn nạn…
Nghĩ lại bản thân mình, tốt nghiệp THPT, tôi thi đậu vào ngành sư phạm và kế toán. Giữa hai con đường tôi phải chọn một. Học sư phạm thì không phải đóng học phí, nhưng không phải ngành tôi thích cho dù ba mẹ tôi đều làm nghề giáo. Đứng trước sự chọn lựa cho tương lai, tôi đành phải nghe theo lời ba mẹ, chọn sư phạm để sớm có nghề nghiệp ổn định. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, cầm tấm bằng loại ưu trên tay, tôi dễ dàng tìm được việc làm ổn định. Hơn mười lăm năm đi dạy, ấy vậy mà đôi lần thấy nản với nghề bởi áp lực đứng lớp ngày càng nhiều. Nhưng tôi luôn nhắc nhở mình, nghề dạy học là một nghề vinh quang, do đó đã trở thành một nhà giáo phải chân chính, phải lao động thật nghiêm túc, không ngừng học tập nâng cao trình độ của mình và phải luôn luôn tu dưỡng đạo đức. Nghề dạy học đòi hỏi người đứng trên bục giảng phải có bản lĩnh, đem hết sức mình cống hiến cho những thế hệ tương lai của đất nước. Một nghề mà cho dù hoàn cảnh, cuộc sống chung có khó khăn hay cuộc đời riêng nhiều trắc trở, cũng không được u sầu, bất mãn trước học trò. Rồi tháng ngày trôi qua, tôi cảm thấy mình yêu mến và đam mê nghề giáo từ lúc nào không biết! Tôi luôn tìm những phương pháp dạy học tích cực để học trò mình hiểu bài và yêu thích môn học mình phụ trách hơn. Tôi học hỏi từ sách vở, đồng nghiệp, mạng Internet… để làm phong phú thêm kiến thức chuyên môn của mình. Đến giờ, thì tôi tin mình sẽ đứng vững trong sự nghiệp trồng người, sẽ tiếp tục ươm mầm đất nước vì "đã chọn, đã yêu nghề thì phải sống cùng nghề" - một bài học tôi rút ra được từ những người lao động hằng ngày sống quanh tôi. Là một giáo viên, niềm vui và hạnh phúc thật giản đơn lắm. Có thể là khi học sinh đạt được những thành tích cao trong những kỳ thi quan trọng, hay khi học sinh chăm chỉ học hành từ bỏ được những thói xấu, hay một tiếng gọi reo vui "cô ơi" giữa chốn đông người, hay một lời hỏi thăm đơn giản qua điện thoại: Cô ơi, cô còn nhớ em không?...
Lại thêm một mùa tri ân nữa, thêm một năm miệt mài bên từng trang giáo án, tình yêu nghề trong tôi vẫn vẹn nguyên. Là người lái đò chở khách sang sông, khách lên bờ có mấy ai ngoảnh lại, nhưng người lái đò vẫn cầu mong cho khách luôn thành công trên mọi bến sông cuộc đời. "Có một nghề bụi phấn bám đầy tay/Ta vẫn gọi là nghề cao quý nhất/Có một nghề không trồng cây vào đất/Mà cho đời những đóa hoa thơm…".
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nghe-giao-toi-yeu-post286567.html