Nghe gió hú trên non cao Tây Yên Tử
Hò hẹn mãi, cuối cùng tôi cũng có ngày rảnh rang về thăm quê non cao Mai Sưu - Tây Yên Tử (Bắc Giang). Từ đầu tuần, tôi gọi điện gọi chú em cựu binh Nguyễn Hà: 'Anh em mình có hai ngày lên non. Đến những nơi cao nhất chú từng đến. Sẽ hóng gió, ngắm trăng, ngủ lán qua đêm nhé'…
Tám giờ sáng, lỉnh kỉnh chuẩn bị đồ nghề. Đi núi, quan trọng nhất là giày, loại giày bộ đội, giày ba ta. Rồi áo trong, áo ngoài, áo ấm, áo mưa. Thêm túi khoác, dao quắm, bật lửa. Tôi hỏi: “Ăn uống thế nào?”. Chú Hà bảo: “Trên ấy đầy thức ăn”…
Từ xóm Bãi Đá, chú Hà kèm xe máy đưa tôi qua Cầu Bình, xóm mới Bình Giang rồi tới xóm Nghè Mản (Lục Nam). Từ hơn bốn mươi năm trước tôi đã vào đây, chỉ thấy lác đác mươi nóc nhà sàn đồng bào Cao Lan. Năm tháng qua đi, một xóm Nghè Mản xưa nay thành ba xóm mới, nối dài cả chục cây số: Suối Mản, Mản Giữa, Đá Húc. Trục đường chính đã đổ nhựa. Hai bên đường có nhà ba, bốn tầng. Nhạc xập xình. Có cửa hiệu tạp hóa, bàn đánh bi a, bi lắc. Hỏi ra, có rất nhiều đồng bào các dân tộc đã tụ cư nơi đây như Kinh, Cao Lan, Nùng, Dao, Hoa, Sán Chay, Sán Dìu; đủ dân tứ trấn, phố huyện, người Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương có cả.
Ngang qua cánh rừng lim xanh Đá Húc, xe rẽ trái, bắt đầu leo núi, ngược dốc Ba Huyện. Gọi tên dốc Ba Huyện vì đây là đường lâm nghiệp (ban đầu do lâm tặc mở) trên đất Lục Nam, giáp Lục Ngạn bên trái và trên kia là Sơn Động. Đường dốc, ngoằn ngoèo, vòng lên, lộn xuống, càng lên cao càng thêm nhiều bờ rãnh, hộc đá. Tiếc quá, ở kia có bụi sim cao vượt đầu người, rực rỡ hoa. Muốn dừng lại chớp mấy kiểu ảnh mà không nỡ bảo chú em dừng lại. Chẳng còn đâu rừng nguyên sinh. Hai bên đường bạt ngàn rừng bạch đàn. Gió reo vi vút. Đã có thể thu hoạch được rồi. Mười mấy, đôi chục năm rồi, ngày mới quy hoạch phân lô, khoanh vùng, giao rừng, giá rẻ lắm. Bây giờ thì thành vàng chín, vàng mười cả rồi.
Gần trưa chúng tôi lên đến đỉnh núi, tính ra cao đến nghìn mấy trăm mét. Quay ngang quay dọc một lúc thì đến lán trại. Chú Hà vòng sau khe cửa lấy chìa khóa mở cửa nhà. Thì ra cánh bạn rừng có chỗ để chìa khóa bí mật, ai đến ăn ở mấy ngày cũng được, rồi khóa cửa, cất chìa chỗ cũ. Xem ra, ăn ở lán trại trên đỉnh non cao thế này thì sang trọng quá. Nhà hơn chục mét, chia hai gian, xây tường gạch, nền đất, mái tôn. Xung quanh có cây chanh cao vượt đầu người. Ớt chỉ thiên chín đỏ. Lá lốt tốt bời bời... Một lúc thấy hai anh, rồi ba bốn anh trẻ chạy xe máy đến. Anh nào anh nấy mồ hôi nhễ nhại, lấm lem bụi đất, mang đủ đồ ăn thức uống. Bữa trưa dọn trên sạp giữa bốn bề nắng gió, đơn giản nhưng đủ chất.
Sang chiều, chẳng biết cánh trẻ tản mát đi đâu. Riêng tôi với chú Thành, chú Hà đi trên hai xe máy. Nắng xiên khoai, nóng nực, lâu lâu mới thấy tí gió. Cứ đường sống trâu trên đỉnh núi mà đi. Một đoạn nghiêng xuống lũng núi phía Sơn Động đã trơ trụi cây, dấu vết bạt rừng cháy đen còn trơ gốc, trơ cành. Một đoạn thấy vạt bạch đàn non. Có chỗ ngỡ như đang đi giữa khu vườn rừng bằng phẳng. Có đến chục người đang dọn cỏ, bón phân, chằng buộc bờ rào kẽm gai.
Chúng tôi để lại xe, leo ngược qua bờ rào kẽm gai. Chỉ cách gang tay, phía bên kia được xem là rừng nguyên sinh, rừng quốc gia, cấm chỉ xâm phạm. Có bóng cây là mát mẻ ngay. Gọi là rừng nhưng trên nơi non cao thế này không nhiều cây to, chủ yếu cây tán thấp, các loại tre gai, tre giàng, tre đắng. Len lỏi trong rừng, chụp đủ loại hình cây cỏ, tảng đá, khe sâu, nước chảy róc rách. Đi cả nửa tiếng thì gặp một bạt cỏ trũng rộng cả trăm mét, ở giữa còn vũng nước cạn.
Chú Thành giảng giải: “Đây là Ao Ếch. Vào mùa mưa, chẳng hiểu lũ ếch rừng ở đâu kéo về đây đàn đàn lớp lớp, có đến cả ngàn cả vạn con. Giống ếch rừng đây nhỏ hơn ếch ruộng nhưng thơm ngon, ngọt thịt. Dân bản thạo rừng thường tính đúng cữ ngày mưa đầu mùa, vượt cả chục cây số lên bắt ếch. Mỗi đêm có thể bắt cả chục ký, cứ để nguyên con thế ngâm qua muối ớt, phơi khô gác bếp, ăn dần suốt tháng”…
Ngó chừng đã muộn, chúng tôi ngược trở ra, vừa đi vừa bình phẩm giá trị các loại cây rừng, cây cảnh, cây thuốc. Thấy có cây cao hai gang tay, lá xanh mướt, cánh lá so le đều, mép lá răng cưa, tôi hỏi cây gì? Chú Hà xem rồi cười: “Bác may thật. Đúng ngay cây chè hoa vàng. May thế”… Chú ngó kỹ xung quanh rồi nói hôm khác sẽ đến đánh về trồng vườn nhà.
Trên đường trở về lán trại, chúng tôi ngược lên thăm mốc giới ba huyện. Để xe dưới đường ngang, men theo con hào phân tuyến, vượt mấy trăm mét đi lên, lại thở dốc, lại cố dấn từng bước một. Trên đỉnh núi đúng là có cột mốc xi măng, có chữ số ghi tọa độ, mình không hiểu được. Ngắm trời xanh, mây trắng, mặt trời đỏ ối nghiêng dần về phía Tây… Bốn phía đều là núi. Núi cao, núi thấp, núi xa, núi gần, so le nhau, trùng trùng điệp điệp. Nhìn xa về phía đông kia là ảo mờ chùa Đồng Yên Tử. Cột khói xa xa kia là Nhiệt điện Đồng Rì. Chếch bên này là dông Hòn Len. Chỗ ta đang đứng đây là Đồng Hồng, chếch bên trái là Ao Ếch vừa qua lúc chiều, còn bên phải này là Đèo Sen.
Gió ào ào, dịu nhẹ, mát rượi. Ba anh em hết ngồi lại nằm thư thái trên bãi cỏ. Bên cạnh có mấy cây me trĩu quả. Chua lắm. Ngày trẻ đi chăn trâu vẫn bứt ăn, bây giờ thì chịu rồi. Lại nói có thể nơi đỉnh núi cỏ này sẽ không còn nữa. Bởi lẽ nó là núi cỏ thì cần quy hoạch trồng cây. Núi cỏ nơi đỉnh non cao này cũng như bao núi cỏ khác đã và sẽ vĩnh viễn không còn nữa. Quy luật cuộc sống, biết làm sao được…
Trời sập tối nhanh. Trên đường về phải bật đèn. Đến lán trại thấy các cháu xúm quanh khu bếp. Ngoài sân có đống lửa hồng. Lại có thêm chú em Tống Văn Lành, người Nghè Mản, chủ nhân 30 ha rừng bạch đàn đây. Lành đi ô tô lên, nói sẽ về ngay trong đêm. Bữa cơm muộn dọn lên. Có hai bóng điện. Trời lặng gió. Cứ tưởng trên cao lúc nào cũng nhiều gió, hóa không hẳn thế… Hơn chín giờ mới tàn bữa cơm. Gió phây phây nổi lên.
Lành đã về, hẹn sẽ đi thật chậm. Ở đây không có công an giao thông nhưng mình phải lo cho mình. Còn lại các anh em tản mát hết cả. Người sang lán khác. Người đi bắt cá dưới khe. Người đi soi cua núi. Tôi được ưu tiên trông nhà. Một mình quay ra quay vào, buồn tay chất thêm mấy gộc củi vào đống lửa trước sân. Lửa bập bùng, nhấp nhoáng khiến những lùm cây, bóng cây như cũng biết nhảy múa.
Mây đen kéo lại. Hệt một con đại bàng khổng lồ giang cánh bổ tới, một lũ quỷ quái chồm lên. Bỗng thấy ù ù tiếng gió. Gió hộc lên đâu như từ chân núi, ruổi dọc theo đường núi mà dồn vào lán trại. Tôi bỗng lạnh gai người. Vừa rợn ngợp bóng ma núi vô hình vừa lo lỡ cảm gió cảm lạnh thì khốn. Vào mặc thêm áo rồi tự trấn an bằng cách cho thêm ba gộc củi. Nhưng mà gió, vẫn gió. Gió từng chập một. Có lúc gió như từ đỉnh trời chụp xuống, xoáy vào đống lửa, tạt hết cả ánh sáng, chỉ còn đốm than lóe lên đỏ rực. Trời đêm như co lại, như giãn ra, vần vũ. Mãi rồi mới thấy đồm độp, dàn dạt tiếng mưa rơi. Rồi trời lại quang. Trăng sao lung linh. Ánh điện từ những khu dân cư xa xa hắt lên nền trời từng quầng sáng mờ ảo. Rồi mây lại vần vũ kéo tới. Rồi gió lại ù ù, à à, rú rít, rợn ngợp. Cứ thế, cho suốt quá nửa đêm…
Trong giấc ngủ chập chờn, tôi loáng thoáng nghe tiếng mấy em, mấy cháu lịch kịch trở về. Sớm hôm sau trở dậy, một thế giới tinh khôi, ấm áp xuất hiện, trái ngược hẳn cảnh gió hú và màn đêm u ám tối qua. Mặt trời vừa lên. Nắng hồng qua kẽ lá. Gió nhẹ nhàng. Không khí trong lành...
Sang chiều, đợi cho ngớt nắng, chúng tôi ra về. Lối xuống thuận hơn, chủ yếu giữ tay phanh. Tôi có ý tìm lại cây sim đại rực rỡ hoa bên đường chụp cái ảnh mà không thấy đâu. Về nhà cả tháng rồi vẫn cứ thấy tiếc. Mới hay ở đời làm được việc gì thì làm luôn, du ngoạn được chuyến nào thì đi luôn, đừng mất công hò hẹn, đợi chờ.
PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn