Nghề hái 'lộc trời'

Mứt biển (một số địa phương gọi là rong biển) mỗi năm chỉ có một mùa, đó là vào mùa biển động, là sau những trận mưa của mùa mưa. Mứt biển mọc ra, bám chắc vào các rạn đá, đen óng và mượt mà. Người dân làng chài Nam Ô gọi đó là 'lộc trời' và tháng 10 hàng năm là thời điểm bắt đầu mùa 'hái lộc'.

Cứ mỗi độ tháng 10 trở đi, khi trời còn chưa sáng tỏ, khắp làng Nam Ô (nay là phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) đã chộn rộn tiếng cười, nói, xen lẫn những bước chân cùng đi về hướng biển. Ấy là lúc, người dân làng Nam Ô bắt đầu công việc mưu sinh ngày mới đầy hy vọng.

Công việc hái "lộc trời" bắt đầu từ 3 giờ sáng. Bãi Rạn – Gềnh Nam Ô lúc đó hiện lên ảo diệu bởi hàng trăm đốm sáng từ đèn pin cá nhân phủ đầy gềnh. Dụng cụ hái mứt biển của người dân chỉ đơn giản, gồm: 1 miếng kim loại tròn, mỏng, sắc để hái và một túi lưới nhỏ để đựng mứt thu hoạch.

"Vốn để dành" của cô Đinh Thị Kế sau mùa hái mứt

"Vốn để dành" của cô Đinh Thị Kế sau mùa hái mứt

Liên tay miết tấm dụng cụ hái mứt vào đá, cô Đinh Thị Kế (59 tuổi) cho biết, mùa hái mứt biển bắt đầu từ tháng 10 (khoảng tháng 9 âm lịch) và kết thúc vào khoảng cuối tháng 2 (tháng 1 âm lịch) năm sau, cao điểm là từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm. Vào cao điểm, có hôm thu nhập bạc triệu là bình thường, có người thu nhập cả vài triệu đồng.

"Người dân ở đây coi đi biển như lẽ tất yếu. Gềnh đá là nơi mưu sinh cho người dân bao đời. Mùa biển êm thì sống nhờ cá, mùa biển động thì nhờ mứt biển. Đàn ông thì đi biển, đàn bà đi cào ốc, bào ngư, đi hái mứt", cô Kế tâm sự.

Sinh ra và lớn lên tại làng Nam Ô, đã 65 tuổi nhưng cô Trương Thị Lượng vẫn từng ngày bám biển. "Dân làng chài việc gì liên quan đến biển đều làm hết, làm riết rồi quen. Mứt biển phụ thuộc vào thời tiết, năm nào mưa nhiều thì mứt nhiều, mưa ít thì mứt ít", cô Lượng chia sẻ.

Khi đã qua tuổi mưu sinh rồi, người dân làng chài vẫn ra biển vì nhớ. "Con cô không cho đi đâu, nhưng nhớ biển nên cứ mò ra, chỉ hái ở vài rạn đá ngay lối xuống, làm để đỡ nhớ biển", cô Mai Thị Ba (68 tuổi) góp chuyện.

Khoảng 8 giờ sáng, khi mặt trời đã lên cao, người dân làng Nam Ô từ khắp các gềnh đá hái mứt trở về. Mứt biển sau khi thu hoạch được mang về rửa sạch và đem bán tươi hoặc hong khô. Sợi mứt càng dài, càng óng và dày thì giá càng cao. Mứt biển Nam Ô nổi tiếng với giá trị dinh dưỡng cao. Giá của mứt biển dao động từ 100.000 – 350.000 đồng/kg, tùy theo mùa và chất lượng mứt (đối với mứt tươi), và từ 1,5 – 2 triệu đồng/kg đối với mứt xe (mứt hong khô tự nhiên).

Sau mùa mứt biển, người dân làng chài trở lại sinh hoạt bình thường, người già thì trông nhà, giữ cháu, người trẻ thì đưa mứt đi bán. Cứ thế lặp đi lặp lại cả trăm năm, nhưng với họ chưa bao giờ là nhàm chán. Bởi sau mỗi mùa mứt, người dân lại tràn đầy hy vọng về một cuộc sống sung túc, đủ đầy hơn...

Với phụ nữ làng chài, dù mùa mứt chỉ kéo dài bốn tháng, nhưng đó cũng là nghề mưu sinh chính. Bởi nếu chịu khó, thời tiết ủng hộ, thì chỉ sau một mùa mứt họ có thể thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng.

Lê Hảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghe-hai-loc-troi-131721.html