Nghề in khắc sách của người Việt

Là quốc gia văn hiến, Đại Việt có nghề làm giấy từ lâu đời. Bên cạnh đó, phục vụ nhu cầu tôn giáo và khoa cử, nghề in khắc sách cũng có những thành tựu đáng kể.

Nghề làm giấy Trung Quốc ra đời sớm, thay thế cho tre và lụa. Bản thân giấy cũng được chế từ các loại vỏ cây, nên đất nước nhiều rừng như nước ta ngày xưa cũng nhanh chóng trở thành một trung tâm chế tạo giấy. Về khả năng làm ra loại giấy để hơn 300 năm không hư hỏng, chính Đại Việt đứng đầu, đặc biệt là giấy sắc phong.

Thời xưa sách chép tay chiếm 70%, sách ấn loát 30%

Thời Lý (1010-1225), sử sách ghi có gia đình nhà sư Lý Học làm nghề in khắc bản kinh. Đến thời Trần (1226-1400), các vua rất quan tâm việc in khắc kinh sách và trong phái Trúc Lâm Yên Tử thiền sư Huyền Quang được giao trọng trách này. Bộ Kinh Đại Tạng do nhà Nguyên tặng, bổ sung thêm kinh do Việt Nam viết cũng được in trong thời gian trên.

Cuộc thanh trừng văn hóa của quân Minh những năm 1407-1427 đã làm thất truyền nghề in khắc bản kinh Đại Việt. Khi nhà Lê tổ chức các khoa thi tuyển hiền tài, việc phổ biến sách Tứ thư, Ngũ kinh cần đến sự ấn loát hàng loạt. Tiến sĩ Lương Nhữ Hộc đi sứ sang Trung Quốc đã học nghề in khắc và đem truyền bá về quê hương mình là hai làng Hồng Lục và Liễu Chàng ở Hải Hưng (Lục Liễu).

 In sách. Hình vẽ trong sách Kỹ thuật của người An Nam của Henri Oger.

In sách. Hình vẽ trong sách Kỹ thuật của người An Nam của Henri Oger.

Hai làng này nhanh chóng nổi tiếng về nghề in khắc mộc bản, đã nhận thực hiện cho triều đình nhiều bộ sách quan trọng như: Tứ thư, Ngũ kinh và Đại Việt sử ký toàn thư.

Một bộ phận dân Lục Liễu ra Thăng Long lập các hiệu in khắc sách ở các phố Hàng Trống, Hàng Nón, Lý Quốc Sư, Hàng Bông, Hàng Gai...

Dẫu vậy, trong xã hội phong kiến Việt Nam, sách chép tay vẫn chiếm tới 70%, sách ấn loát 30%, bởi nhiều lý do.

Trước tiên là do thời đó không có nhà xuất bản, việc bán sách chưa thành một nghề kinh doanh đáng kể ở nước ta, nhiều người, nhất là các thầy thuốc và thợ thủ công không muốn phổ biến những gì mình biết mà chỉ độc truyền trong gia đình, do vậy mà hầu như không có sách thuốc hay sách khoa học công nghệ nào được in trước thế kỷ 19.

Những sách được in chủ yếu là sách kinh nghĩa của Tam giáo, kinh Phật, sách Tứ thư, Ngũ kinh và sách bói. Những nhà nho làm thơ có tiền cũng muốn quảng bá cái tài văn bút của mình thì thuê in vài trăm bộ biếu cho bè bạn, dâng lên quan trên; nhà chùa muốn truyền bá đạo Phật cho in khắc vài bộ kinh, đều là không thường xuyên cả.

Các hiệu, đường là những nơi in khắc chuyên nghiệp, còn các chùa, quán, hội, đàn... là nơi in khắc không thường xuyên. Mỗi bản khắc chỉ chứa đựng được một trang, nên sách có bao nhiêu trang cần khắc bấy nhiêu bản.

Để giảm bớt số lượng bản gỗ, người ta thường thiết kế 4 trang sách vào hai mặt của tấm gỗ, và nếu muốn in một cuốn kinh nghìn trang thì cũng phải dùng đến 250 bản khắc gỗ. Với tình hình như vậy, các ngôi chùa chính gọi là tổ đình, nơi các nhà sư sẽ tu tập vào mùa hè gọi là đi hạ, cho khắc những bộ kinh một cách cẩn thận.

Gỗ được ngâm tẩm để lưu giữ cho lâu, chữ nghĩa được khảo cứu kỹ lưỡng và nét khắc sâu và ngay ngắn. Mọi chùa khác đều có thể đến các tổ đình xin in kinh, hoặc thỉnh những bộ kinh đã in sẵn. Đôi khi người ta trao đổi những bản khắc gỗ để in những bộ sách mà mình không có.

 Một bản khắc trang kinh cổ theo lối “Nhất thư nhất họa”. Hiện vật Bảo tàng Hải Phòng. Ảnh: T-Group.

Một bản khắc trang kinh cổ theo lối “Nhất thư nhất họa”. Hiện vật Bảo tàng Hải Phòng. Ảnh: T-Group.

Bấu kinh - đọc sách nhấm... nước bọt

Các làng Yên Thái (Thăng Long), Đống Cao (Bắc Ninh) là những trung tâm sản xuất giấy dó, tốt không kém gì giấy xuyến của Trung Hoa, còn mực, bút và nghiên thì nhiều nơi làm được vì các thợ thủ công tô vẽ cũng có nhiều nhu cầu.

Mỗi kẻ sĩ xưa phải tự đóng lấy sách, họ gập tờ giấy làm đôi, xén và xếp đều thành một trang kép để khi viết không thấm ra phía sau, gọi là đóng quyển, sau đó dán hai tờ bìa và gáy cũng bằng giấy dó nhưng quét cậy, hoặc sơn ta cho cứng như bìa, nếu là kinh nghĩa trang trọng thì dùng chu sa bôi đều vào xung quanh ba mặt các trang xếp.

 Ván in kinh Phật, khoảng thế kỷ 18-19. Hiện vật Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội.

Ván in kinh Phật, khoảng thế kỷ 18-19. Hiện vật Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội.

Sách vở trong nhà thể hiện sự phong lưu trí tuệ, không ai khen kẻ lắm tiền của, mà chỉ hâm mộ kẻ nhiều sách.

Nguyễn Trãi được người bạn ca tụng rằng: “Nhất điều thủy lãnh Tri tam quán / Tứ bích gia bần phú lục kinh”, nghĩa là: Nhà quan Tri tam quán mà lạnh lẽo như dòng nước/ Bốn vách cảnh nghèo, nhưng lại đầy sách vở.

Sách in được tiêu chuẩn hóa, với các kích thước chừng 32x20cm, 26x14cm, 13x11cm, và chia thành nhiều kiểu in ấn.

Do người xưa chữ nghĩa có hạn, việc biên soạn lại lời cho đơn giản, với vốn từ không quá lớn và thêm vào minh họa là rất cần thiết.

Có loại sách in một tranh minh họa lên trang đầu tiên gọi là toàn đồ. Có loại in cứ một trang tranh một trang chữ gọi là nhất thư nhất họa. Có loại in minh họa ở trên, chữ ở dưới gọi là thượng đồ hạ văn. Có loại in chữ ở trên, minh họa ở dưới, gọi là thượng văn hạ đồ.

Sách bao giờ cũng xem từ phải sang trái, từ trên xuống dưới theo cột chữ Hán Nôm, phần lớn đóng theo trang quyển, có loại gấp thếp cả một tờ dài thành một quyển, khi xem lồng cái que lật hết trang này sang trang khác, gọi là kinh xếp. Sách cũ hay dính, người đọc nhấm đầu ngón tay nước bọt và bấu vào trang sách để giở, gọi là bấu kinh.

Bên cạnh sách in khắc gỗ phổ thông, kim sách là loại sách đặc biệt khắc trên các trang sách bằng vàng hay bằng đồng, và thường là bằng đồng. Loại kim sách dùng để phong tặng các thiền sư đạo cao đức trọng, các vị đại thần trọng yếu được nhà vua ban tặng.

 Kim sách. Ảnh: Tư liệu Cục Di sản văn hóa.

Kim sách. Ảnh: Tư liệu Cục Di sản văn hóa.

Kim sách bằng vàng thường chỉ là một hai tờ ghi vài câu kinh nghĩa giáo huấn mà hoàng đế muốn khuyến khích vương tôn công tử và bầy tôi của mình. Sách đồng có thể dày 30 chục tờ, in một chương hay một đoạn kinh nghĩa ngắn. Theo nhiều ý kiến, kim sách chỉ ban tặng cho hoàng thân, còn đồng sách thì ban tặng cho quần thần nói chung hay sư sãi.

Năm 2008, chúng tôi phát hiện tại ngọn tháp Tôn Đức chùa Bút Tháp hai bộ kinh đồng, còn gọi là Thiết quán, do hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc tặng cho thiền sư Minh Hành năm 1660, khi xây ngọn tháp mộ cho ông. Một bộ khắc Kinh Kim Cương, một bộ khắc Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh.

Loại kim sách đồng được làm rất chuyên nghiệp, các lá đồng được kẻ dòng bằng một loại mực nào đó rất vuông vức và người khắc trung thành 100% với chữ đã viết trên đó, nét khắc rất sắc gọn. Gáy sách được đóng dây đồng, bìa sách bọc bằng gấm hoa rất thanh nhã. Đến nay, người ta mới tìm được kim sách từ thế kỷ 17 trở lại đây, và cũng rất hiếm.

Phan Cẩm Thượng / Zenbooks, NXB Thế giới

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nghe-in-khac-sach-cua-nguoi-viet-post1164557.html