Nghề kế toán, kiểm toán trong bối cảnh mới

Nhằm mang đến một bức tranh tổng thể về nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trong bối cảnh mới, Navigos Group cùng Hội Kế Toán TP. Hồ Chí Minh, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam và Học Viện Smart Train đồng hành thực hiện và phát hành 'Báo cáo nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trong bối cảnh mới'.

Chịu tác động lớn của công nghệ

Báo cáo dựa trên thống kê dữ liệu công khai của 128 trường đại học và 7 chi nhánh có đào tạo nhóm ngành kế toán, kiểm toán trên cả nước, với kết quả khảo sát của 471 doanh nghiệp và 833 cá nhân làm việc trong lĩnh vực này, được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 8 - 9/2023.

Theo báo cáo, đào tạo kế toán, kiểm toán tại các cơ sở giáo dục đại học phát triển mạnh mẽ và quy mô lớn nhưng đội ngũ chưa theo kịp và cần đẩy mạnh hơn việc kiểm định chất lượng. Việc đào tạo nhóm ngành kế toán, kiểm toán chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế - xã hội phát triển.

Tác động của công nghệ đến nghề nghiệp được doanh nghiệp và cá nhân người làm công tác kế toán, kiểm toán cảm nhận rõ rệt cùng với các cơ hội cũng như thách thức mang lại.

Có 78,2% doanh nghiệp và 83,4% cá nhân người làm công tác kế toán, kiểm toán được khảo sát đánh giá ảnh hưởng của sự phát triển công nghệ đến nghề nghiệp ở mức độ quan trọng và rất quan trọng. Các xu hướng công nghệ được cho là có ảnh hưởng lớn nhất bao gồm: Số hóa chứng từ, hồ sơ; Dữ liệu lớn và phân tích; Số hóa quy trình làm việc; và Tự động hóa công việc.

Cảm nhận của doanh nghiệp và cá nhân về tầm quan trọng của công nghệ

Cảm nhận của doanh nghiệp và cá nhân về tầm quan trọng của công nghệ

Nhìn về tương lai, vai trò của các ứng dụng truyền thống như phần mềm kế toán, phần mềm thuế có khuynh hướng giảm bớt trong khi các ứng dụng công nghệ hiện đại như Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP), phần mềm bảo mật, công cụ phân tích và trình bày dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây sẽ được sử dụng nhiều hơn.

Dưới góc độ doanh nghiệp, việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực kế toán, kiểm toán chủ yếu liên quan đến động cơ nội tại như lợi ích mang lại cho doanh nghiệp và đáp ứng yêu cầu kinh doanh thông qua việc giảm thời gian xử lý công việc, không cần bổ sung nhân sự khi quy mô tăng trưởng ít. Trong khi đó, các thách thức lớn nhất theo họ là chi phí, nguồn nhân lực và vấn đề an toàn, bảo mật.

Cá nhân người làm kế toán, kiểm toán đánh giá cao lợi ích tăng lên do ứng dụng công nghệ như nâng cao hiệu suất, linh hoạt và thuận tiện và giảm bớt công việc nhàm chán. Ứng dụng công nghệ không gây nhiều lo lắng cho người làm công tác Kế toán, Kiểm toán ngoại trừ vấn đề tính phức tạp công việc tăng lên.

Thách thức thường gặp nhất là không đáp ứng yêu cầu chuyên môn

Nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán còn khá hạn chế mặc dù có lạc quan hơn từ các doanh nghiệp có quy mô trung bình và lớn. Sinh viên mới ra trường vẫn rất khó khăn trong tìm việc làm. Thách thức thường gặp nhất của doanh nghiệp trong tuyển dụng là ứng viên không đáp ứng yêu cầu về chuyên môn.

Có 44,2% doanh nghiệp được hỏi cho biết chưa có nhu cầu tuyển dụng trong năm tới. Phân tích nhu cầu tuyển dụng theo quy mô doanh nghiệp cho thấy các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn có nhu cầu tuyển dụng cao hơn. Cụ thể là 64,1% doanh nghiệp có quy mô từ 100 đến dưới 1.000 lao động có kế hoạch tuyển dụng trong năm tới và con số này ở các doanh nghiệp quy mô trên 1000 lao động là 66,7%.

Nhu cầu tuyển dụng kế toán, kiểm toán của các doanh nghiệp tập trung vào nhân viên và trưởng nhóm/giám sát. Sinh viên mới ra trường không được quan tâm nhiều, chỉ có 7,2% doanh nghiệp được khảo sát cho biết có nhu cầu này.

Công việc cần tuyển trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán được rải khá đều cho các lĩnh vực. Các doanh nghiệp nhỏ có khuynh hướng tuyển nhiều về kế toán tài chính và kế toán thuế. Trong khi đó, các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn quan tâm đến kế toán quản trị, quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ.

Khó khăn thường gặp trong tuyển dụng nhân sự kế toán, kiểm toán

Khó khăn thường gặp trong tuyển dụng nhân sự kế toán, kiểm toán

Khá nhiều doanh nghiệp được hỏi cho biết thách thức họ gặp phải là ứng viên không đáp ứng yêu cầu chuyên môn (54,6%). Rất ít doanh nghiệp gặp khó khăn do không đủ ứng viên (7,2%) hoặc cạnh tranh giữa các nhà tuyển dụng (8,7%).

Cả doanh nghiệp và cá nhân đều cảm nhận khoảng cách khá lớn giữa yêu cầu thực tế với đào tạo trong nhà trường, thể hiện ở khoảng cách giữa yêu cầu thực tế với đào tạo trong nhà trường được ghi nhận khá lớn ở tất cả phương diện được khảo sát. Cụ thể, có đến 60,3% cá nhân và 53% doanh nghiệp cho rằng có khoảng cách đáng kể hoặc rất lớn về kiến thức chuyên môn giữa yêu cầu thực tế và đào tạo trong nhà trường. Con số tương ứng về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin là 60,1% và 53,5%, về kỹ năng mềm là 61% và 56,9%, về các kiến thức, kỹ năng bổ trợ, là 56,2% và 49,9%.

Người làm công tác kế toán, kiểm toán mong đợi được bổ sung thêm về kiến thức chuyên môn (chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS, cơ hội và rủi ro liên quan đến thuế, các quy định về quản lý thuế và các loại thuế ...), khả năng áp dụng công nghệ thông tin (các công cụ phân tích và trình bày dữ liệu, cách thức sử dụng phần mềm kế toán, sử dụng ERP), kỹ năng mềm (kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy mở, hợp tác, phối hợp và làm việc nhóm...), các kiến thức, kỹ năng bổ sung (luật pháp và quy định, phân tích báo cáo tài chính, kiểm soát nội bộ, quản trị doanh nghiệp).

Các giải pháp thu hẹp khoảng cách tập trung vào việc người học cố gắng trang bị kiến thức và kỹ năng thực tế ngay trong quá trình học tập, nhà trường đổi mới giảng dạy, cũng như gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp và tổ chức nghề nghiệp.

Theo bà Chu Thị Ngọc Hạnh - Giám đốc Tài chính của Navigos Group, báo cáo này mang lại rất nhiều giá trị thực tiễn, không chỉ đối với sinh viên, nhà trường, mà còn dành cho người lao động, doanh nghiệp, và cơ quan nhà nước. Trong đó, điểm đáng chú ý nhất là báo cáo đã cho thấy khoảng cách giữa yêu cầu thực tế và đào tạo đối với ngành kế toán, kiểm toán tại Việt Nam.

“Từ đó, từ phía nhà trường có thể nâng cao chất lượng đào tạo, cập nhật bổ sung những yêu cầu mới của doanh nghiệp vào chương trình; doanh nghiệp có thể cân nhắc hài hòa lợi ích giữa nhà tuyển dụng và người tìm việc; cả sinh viên và người lao động đều có thể chủ động học hỏi, phát triển thêm các kỹ năng cần thiết để hoàn thiện bản thân, nâng cao lợi thế cạnh tranh của mình trên thị trường lao động…”, bà Chu Thị Ngọc Hạnh cho biết.

Lê Đỗ

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nghe-ke-toan-kiem-toan-trong-boi-canh-moi-153474.html