Nghề khai thác hàu ven đê

Hiện nay, tại khu vực đê biển Tây thuộc địa bàn huyện Trần Văn Thời, có nhiều người dân chuyên mưu sinh bằng nghề đục hàu, mò vòm xanh (vẹm xanh). Các loài thủy sản này sống bám vào trụ, hộc đá của công trình kè chắn sóng. Mặc dù tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động, do chưa trang bị đầy đủ các thiết bị cần thiết trong quá trình hành nghề, nhưng đây cũng là một trong những nguồn thu nhập của nhiều hộ dân thiếu phương tiện, tư liệu sản xuất, sống ven đê.

Bờ kè chắn sóng đê biển Tây thuộc địa bàn xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời là nơi mưu sinh của nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, thiếu phương tiện, tư liệu sản xuất.

Bờ kè chắn sóng đê biển Tây thuộc địa bàn xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời là nơi mưu sinh của nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, thiếu phương tiện, tư liệu sản xuất.

Ông Trần Thanh Dự, ngụ ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, năm nay hơn 60 tuổi, có mười mấy năm làm nghề lặn đục hàu, mò vòm xanh khu vực kè đê biển Tây.

Ông Dự chia sẻ: “Do gia đình khó khăn, không có tiền đầu tư phương tiện khai thác biển nên đành phải làm nghề này. Hôm nào biển êm, lặn thu nhập cũng được kha khá, có khi được 300-400 ngàn đồng, bữa nào biển động thì nghỉ. Nghề này vất vả, nguy hiểm. Do không có gì làm nên đành phải lặn hụp để mưu sinh”.

Dù ngoài 60 tuổi nhưng ông Trần Thanh Dự vẫn phải kiếm sống tại khu vực bờ kè chắn sóng.

Dù ngoài 60 tuổi nhưng ông Trần Thanh Dự vẫn phải kiếm sống tại khu vực bờ kè chắn sóng.

Theo ông Dự, phải rất kỹ lưỡng trong quá trình lặn đục hàu, mò vòm xanh trong khe đá của kè chắn sóng. Phải lấy hơi, nín thở để lặn, mọi động tác làm dưới nước phải chính xác, vì sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nếu không có kinh nghiệm, khi lặn xuống đục hàu, nếu đá sụp, bị kẹt là chết liền. Khu vực này cũng đã có mấy vụ chết người. Ðó là chưa kể bị hàu cắt đứt tay.

Tương tự hoàn cảnh của ông Dự, anh Võ Chí Bảo, ngụ cùng ấp, cũng làm nghề đục hàu, mò vẹm khu vực ven đê này. Anh bộc bạch: “Nghề này bạc lắm, ngày lặn mò kiếm chỉ được “ba cọc, ba đồng”, không quen không làm được đâu. Với lại, khi lặn xuống, mình phải chú ý đá để đục được an toàn, nếu không sẽ rất nguy hiểm”.

Vất vả, nguy hiểm là vậy, thế nhưng vì mưu sinh, vẫn có nhiều người bất chấp, tìm đến những chân kè chắn sóng lặn đục hàu, mò vòm xanh.

Thời điểm biển êm cũng là lúc anh Võ Chí Bảo tìm đến bờ kè chắn sóng đê biển Tây lặn đục hàu, mò vòm xanh.

Thời điểm biển êm cũng là lúc anh Võ Chí Bảo tìm đến bờ kè chắn sóng đê biển Tây lặn đục hàu, mò vòm xanh.

Theo số liệu thống kê của ngành chuyên môn, hiện nay trên địa bàn huyện Trần Văn Thời có khoảng 40 hộ dân hoàn cảnh khó khăn sinh sống bằng nghề khai thác thủy sản ven khu vực đê biển Tây. Việc chuyển đổi nghề đối với các hộ này đang là bài toán khó đối với địa phương.

Ông Nguyễn Việt Khái, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu với UBND huyện để tìm phương án vừa bảo tồn nguồn thủy sản ven đê, vừa đề xuất các mô hình sản xuất nhằm tạo điều kiện để người dân chuyển đổi nghề”.

Trong khi chờ những giải pháp mang tính lâu dài, công tác quản lý, tuyên truyền để người dân sống bằng nghề khai thác thủy sản ven đê hiểu, tự trang bị, hành nghề một cách an toàn chính là việc cần làm ngay, từng bước tạo điều kiện để người dân có thu nhập đảm bảo cuộc sống, đặc biệt không gây mất an toàn công trình đê biển Tây./.

Lê Chí

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nghe-khai-thac-hau-ven-de-a34287.html